Từng làm việc tại ngân hàng Standard Chartered, Công ty Chứng Khoán Vndirect và hiện nay là Công ty Ernst&Young, Thanh Thủy tự tin từ nay sẽ khó gặp thất bại trước các nhà tuyển dụng cao cấp.
Sinh năm 1988, hiện là năm cuối ngành Tài chính Ngân hàng, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Thanh Thủy khiến bất kỳ một nhà tuyển dụng nào cũng phải ngỡ ngàng trước CV với rất nhiều giải thưởng. Trong đợt tuyển dụng cuối năm 2010, cô nhận được 6 lời đề nghị nhận làm việc từ các công ty lớn trong và ngoài nước.
Ngay từ những năm đầu đại học, Thủy đã khởi nghiệp bằng hai ý tưởng kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến nay, Thủy có trong tay hai dự án khởi nghiệp, được vinh dự là nhóm trẻ nhất trong vòng chung kết cuộc thi Global Social Ventures Competition (tháng 3/2010, Đại học Hass, UC Berkerley Mỹ) và McKinsey Mekong Business Challenge – khu vực Đông Nam Á tháng 2/2011.
Cũng năm 2010, cô ghi tên mình trong một số giải thưởng khác như ASEANpreuners Ideas Canvas (của Đại học Quốc gia Singapore), Shanghai Business Award Đại học Kinh Doanh Tsinghua, Thượng Hải và Đại học EC Paris).
Trong “đấu trường” Việt Nam, Thanh Thủy đã giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng xanh – I am Green của Hội Đồng Anh tháng 11/2010, giải ba cuộc thi Doanh nhân Xã hội của Trung Tâm phát triển Ý tưởng Xã hội tháng 3/2010.
Thanh Thủy tại Diễn đàn sinh viên ASEAN diễn ra ở Malaysia năm 2010.
Năm 2010, Thủy được chọn là 1 trong 3 đại biểu sinh viên Việt Nam tham gia diễn đàn thanh niên ASEAN trong 2 tuần tại thủ đô của Malaysia.
Thủy đã giành được những cơ hội thực tập quý giá tại Phòng Thông tin Văn hóa Đại sứ Quán Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ Amcham. Từ năm thứ 3, thông qua tổ chức SEO IIV, Thủy đã có thực tập ở Quỹ Đầu tư IDG ventures.
Dưới đây là những chia sẻ của cô gái tài năng này:
- Qua “bảng thành tích” của Thủy, thấy rằng em rất tâm huyết với những dự án bảo vệ môi trường xanh?
- Tất cả chúng ta đều đang sống chung trong một ngôi nhà lớn, đó là Trái Đất, và bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Nhiều người nghĩ rằng các vấn đề môi trường là những chuyện xa xôi ở đâu đó, nhưng thực tế nó rất gần. Ngay ở Hà Nội, sự gia tăng chóng mặt về dân số, hoạt động sản xuất, xây dựng và xe cộ đã kéo theo gia tăng về khí thải, rác thải cũng như nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng không chỉ về nguồn nước, không khí mà cả âm thanh nữa. Với các ý tưởng và dự án của em, em mong muốn mọi người thay đổi dần các hành vi tiêu dùng và sinh hoạt theo hướng tiết giảm, tái sử dụng và tái tuần hoàn để bảo vệ tài nguyên quý giá.
- Trong số các ý tưởng và dự án trên, em đã triển khai được vào cuộc sống?
- Dự án sản xuất túi sinh thái của em đang được xúc tiến để giữa năm nay đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường. Dự án EcoCarbon đang trong giai đoạn quảng bá, kêu gọi giúp đỡ về tài chính và tư vấn, em hi vọng Ecocarbon sẽ cho ra đời sản phẩm đầu tiên ngay khi tác giả tốt nghiệp ĐH.
- Có điều gì khiến em trăn trở với những dự án này?
- Nhưng dự án này còn phải được cụ thể hoá hơn nữa để có thể đi từ giai đoạn “ý tưởng” sang giai đoạn “khả thi”. Vốn để thực hiện dự án cũng là một vấn đề. Ngoài ra, em thấy cũng cần có sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông, báo chí để nhiều người biết đến, hiểu và ủng hộ các dự án này.
Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm than thiện với môi trường chưa trở thành một thói quen với người tiêu dùng Việt Nam. Những sản phẩm này thường gặp phải khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp vì giá thành sản xuất thường cao hơn một chút và gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường
- Mục tiêu lâu dài của Thanh Thủy là xây dựng thành công mô hình Social Venture (kinh doanh xã hội), em có thể nói rõ hơn về dự định này?
- Với 2 dự án Khởi nghiệp theo mô hình Kinh doanh xã hội được ấp ủ từ những năm đại học, em hi vọng sẽ tích lũy dủ kinh nghiệm, vốn, sự giúp đỡ để phát triển dự án. Khái niệm Kinh doanh xã hội (social Venture) còn khá mới ở Việt nam, đặc biệt với các bạn trẻ. Tháng 7/2010, em đã được mời làm speaker tại chương trình Doanh nhân trẻ và phát triển bền vững (YESE), tháng 3 là hội thảo Social Venture Symposium ở Bangkok Thailand, qua đó học hỏi những thành công của mô hình độc đáo này, em đang xây dựng mạng lưới để chuẩn bị cho dự án của mình.
Thanh Thủy trong trang phục áo dài ở trường ĐH Ngoại thương (trái) và trang phục truyền thống của Malaysia ở tuần lễ giao lưu văn hóa ASEAN (phải).
- Ngoài ra, em có một mong muốn trở thành chủ một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam?
- Những câu chuyện thành công của một số doanh nghiệp như Mobile World, VinaGame, Phở 24, Highland Coffee, v.v… hay ở cấp độ thấp hơn là thành công của các anh chị, bàn bè là nguồn cảm hứng cho em mong muốn trở thành chủ một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Song em cũng biết rằng, em còn một chặng đường dài với nhiều thách thức, và nó đòi hỏi em phải rất nỗ lực với quyết tâm cao để đạt được mục tiêu. Trước mắt, em cần làm tốt công việc hiện tại để áp dụng các kiến thức đã được học trong trường vào môi trường thực. Công việc cũng sẽ giúp rèn dũa các kỹ năng làm việc cần thiết, xây dựng các mối quan hệ, định hình kế hoạch tương lai. Em thấy hầu như doanh nhân thành đạt nào cũng trải qua giai đoạn làm việc như một nhân viên bình thường cho đến khi có điều kiện chín muồi để họ cất cánh. Vì vậy, em luôn tự nhủ mình cần phải kiên nhẫn.
- Một sinh viên đang theo ĐH ở trong nước, lại đi làm việc ở nơi “hoành tráng” với môi trường hiện đại, quản lý ở mức đa quốc gia như Quỹ Đầu tư IDG ventures, công ty Chứng Khoán Vndirect, Ngân hàng Standard Chartered và hiện nay là Công ty Ernst&Young, em có cảm thấy choáng ngợp?
- Từ khi bắt đầu vào ĐH, em đã tìm hiểu và làm quen với môi trường làm việc hiện đại thông qua các dịp đi làm tập sự ở một số cơ quan ngoại giao và công ty nước ngoài. Tất nhiên ban đầu cũng có những bỡ ngỡ, nhưng em luôn tự dặn mình trong thời đại toàn cầu hoá, mình phải nhanh chóng bắt nhịp với tác phong làm việc nhanh, hiệu quả. Hơn nữa, trong môi trường làm việc có tính quốc tế thì người quản lý, đồng nghiệp thường rất cởi mở và sẵn lòng giúp đỡ, do đó em có thể học hỏi nhiều điều từ họ và hoà nhập vào guồng máy chung trong thời gian ngắn. Ví dụ trong đợt thực tập của em tại quỹ IDG, ở đây môi trường làm việc rất thân thiện và chia sẻ, mọi người sẵn sàng giúp đỡ khi mình thể hiện mình muốn học hỏi. Các anh chị luôn theo sát em trong đợt thực tập và cả sau này nữa.
Thanh Thủy trò chuyện với ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel Vietnam
- Vậy những điều tốt nhất mà em nhận được là gì?
- Em nhận thấy ở các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia họ phân công công việc, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng, nhờ đó bộ máy nhân sự nhỏ gọn và hiệu quả cao. Tinh thần làm việc của họ là đặt mục đích chung lên trên hết, các ý kiến và sáng kiến của cá nhân luôn được lắng nghe và tôn trọng, qua đó chọn ra những ý tưởng, sáng kiến tốt nhất để thực hiện. Những nhân viên làm việc xuất sắc hoặc có nhiều ý tưởng hay luôn được khen thưởng, tôn vinh công khai và kịp thời. Điều này cũng tạo động lực để các nhân viên luôn cố gắng. Khi trao đổi, tranh luận, mọi người đều thẳng thắn nhưng vẫn tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó không khí làm việc nói chung là dễ chịu và thân thiện.
- Theo em thì một sinh viên cần trang bị những gì (ngoại ngữ, kỹ năng sống, kiến thức…) để có thể được nhận vào thực tập tại các tập đoàn lớn?
- Trước hết em thấy cần phải học thật tốt ngay tại ngôi trường của mình vì đó là nền móng cho tất cả những việc khác. Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm đến thành tích học tập chính thức của ứng viên, sau đó sẽ là các kỹ năng khác như ngoại ngữ, cách trình bày một vấn đề, một kế hoạch và kiến thức chung về đời sống, xã hội. Trong môi trường toàn cầu hoá hiện nay, tiếng Anh thành thạo là rất quan trọng, và em nghĩ sẽ là thừa khi nêu ra các lý do ở đây. Nhưng em thấy các nhà tuyển dụng cũng rất chú trọng đến kỹ năng trình bày, thuyết phục, vì một người có ý tưởng hay, kế hoạch tốt mà không biết cách thể hiện, bảo vệ quan điểm và giành được sự ủng hộ của nhiều người khác thì người đó khó có thể thành công.
Ngoài ra, những hoạt động xã hội luôn được đánh giá cao vì nó thể hiện khả năng lãnh đạo của các bạn. Những sở thích, cá tính của cá nhân cũng là điểm nhấn, như sở thích đọc sách, chơi nhạc cụ, chơi thể thao.. vì đó thể hiện tinh thần làm việc nhóm và cách bạn cânn bằng cuộc sống của mình.
Thanh Thủy cho biết, những khóa training, speaker events của SEO IIV (chương trình thực tập đặc biệt dành cho các bạn sinh viên mang quốc tịch Việt Nam) đã dạy em rất nhiều về kiến thức tài chính, rèn luyện leadership (kĩ năng lãnh đạo, sư chuyên nghiệp khi làm việc trong môi trường quốc tế, cách networking, viết Resume, interview, xây dựng các mối quan hệ. Sau đó, em cảm thấy tự tin trong bất kì buổi phỏng vấn xin việc. Du học sinh và sinh viên muốn tham gia các hoạt động của SEO IVV có thể gửi hồ sơ vào địa chỉ email: info@seo-iiv.org, thời gian từ 1/1-1/2/2011. |
Thủy Nguyên
(Theo Bưu Điện Việt Nam)