Năm 2008, một tiểu hành tinh bị vỡ ra nhiều mảnh trong bầu khí quyển của Trái đất. Các mảnh vỡ của tiểu hành tinh đã rơi xuống một sa mạc ở châu Phi dưới dạng các thiên thạch. Kể từ đó, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu các mẫu thiên thạch này để tìm hiểu thêm về cấu tạo vật chất của tiểu hành tinh, tồn tại trong cùng dãy ngân hà với trái đất của chúng ta. Những mẫu thiên thạch rơi xuống trái đất có nguồn gốc từ không gian, chứa đựng một nguồn thông tin vô giá về các hành tinh, tiểu hành tinh và những khả năng tìm thấy sự sống trong hệ mặt trời.
Các nhà khoa học đã phát hiện sự hiện diện bất ngờ của những khối xây dựng nên protein có tên gọi là axit amin, trong các thiên thạch. Chúng ta biết rằng, các axit amin là thành phần cấu thành quan trọng của các protein, và các protein là nền tảng về cấu trúc và chức năng của cơ thể sinh vật, của tất cả các dạng sống, bao gồm cả con người. Các protein được hình thành từ các chuỗi của các axit amin. Vì lý do này, các axit amin thường được gọi là ‘khối xây dựng’ của các protein, và là các khối xây dựng của sự sống.
“Các axit amin được hình thành trong môi trường mà chúng tôi thực sự không nghĩ là có thể“, theo Daniel Glavin, nhà nghiên cứu các mẫu thiên thạch có nguồn gốc từ tiểu hành tinh, làm việc tại NASA Goddard Space Flight Center tại Greenbelt, Md, Hoa kỳ.
Trên trái đất, các axit amin không thể hình thành nếu không có nước xung quanh. Nhưng các thiên thạch, nơi Glavin và nhóm của ông tìm thấy các axit amin, lại đến từ các tiểu hành tinh không có nước.
Việc phát hiện ra sự tồn tại của các axit amin có nguồn gốc ở bên ngoài trái đất làm cho các nhà khoa học lạc quan hơn về viễn cảnh tìm thấy sự sống bên ngoài hành tinh của chúng ta.
(theo khoahoc)