Khổ từ việc chọn trường, chọn nghề
Ở đại học, tôi chơi khá thân với Nguyệt. Sau gần một năm học chung, tôi rất ngạc nhiên vì thấy Nguyệt chẳng hứng thú gì với ngành học của mình, mặc dù cô học không tới nỗi tệ, nếu không muốn nói là khá nhanh nhẹn, thông minh.
Đem thắc mắc này hỏi Nguyệt, cô cười buồn: “Tất cả cũng chỉ vì mình là con một. Lúc làm hồ sơ thi đại học, mình quyết tâm chọn ngành báo chí vì rất thích trở thành phóng viên. Nhưng mẹ mình bảo, “tôi chỉ có một cô con gái. Con gái thì cứ làm giáo viên là tốt nhất, vừa nhàn thân vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Làm phóng viên nay đây mai đó lại đầy rẫy nguy hiểm, tôi không dại gì cho cô theo cái nghề ấy đâu!”. Thế là, mình năn nỉ ỉ ôi, thậm chí khóc hết nước mắt mà mẹ cũng không đổi ý. Kết quả, mình đành thi vào sư phạm theo ý mẹ, mặc dù chẳng thích nghề này chút nào”.
Đến khổ việc chọn người yêu
Cậu bạn Quang cùng công ty tôi cũng có nỗi khổ “yêu cho bố mẹ”. Quang vốn là cậu quý tử đẹp trai, tài giỏi và được cưng chiều của cả dòng họ. Đến tuổi lập gia đình, cậu dẫn cô nào về nhà cũng bị chê: cô này béo quá, cô kia gầy quá, cô khác thì hơi lùn, cô nữa da hơi đen… Đến khi Quang phát chán, không dẫn cô nào về nhà nữa thì bố mẹ cậu hỉ hả bảo, để đó bố mẹ sẽ tìm cho con một cô gái “không chê vào đâu được”. Quang ngã ngửa khi bố mẹ dẫn về nhà một cô xinh như mộng và bảo, đây là người bố mẹ chọn cho con. Cô ấy là con bác Phú bạn của bố, nổi tiếng là hoa khôi từ thời cấp ba, bố mẹ có ý nhắm cho con từ hồi ấy rồi.
Quang cũng ráng đi chơi với cô gái ấy vài buổi để tìm hiểu, nhưng cậu kiên quyết không chịu làm đám cưới dù bố mẹ ngọt nhạt thuyết phục đủ kiểu. Cậu bảo, xinh thì xinh thật đấy nhưng mà nhạt, nói cái gì cũng ngơ ngơ, chỉ có chuyện tóc tai quần áo mỹ phẩm là nhanh, hỏi đến chuyện gì cũng không biết, không hiểu… Thế thì làm sao sống cùng nhau cả đời được?
Khổ vì những mối dây tình cảm khác
Chị Giang, đồng nghiệp của mẹ tôi cũng kêu trời vì “con một”. Chị tuy không phải là con một nhưng lại lấy chồng con một. Anh được mẹ cưng chiều từ nhỏ, không cho động tay động chân vào bất cứ việc gì, nên dù đã lập gia đình anh vẫn ỷ lại, dựa dẫm vào mẹ và vợ. Bộ quần áo thay ra anh cũng không buồn cho vào máy giặt. Sáng ngủ dậy không bao giờ anh xếp được cái gối cho ngay ngắn. Xem ti vi xong anh cũng không buồn tắt. Nhưng hễ chị nhắc anh một câu, mẹ chồng lại mặt nặng mày nhẹ cả ngày: “Nó là con tôi, chỉ tôi mới có quyền dạy nó”. Chị đành nhịn cho êm nhà êm cửa, chỉ thỉnh thoảng đóng cửa nói chuyện nhỏ nhẹ với chồng.
Người ngoài cuộc vẫn thầm ghen tị với sự đủ đầy của những ai là con một mà không hay rằng, họ rất nhiều khi ao ước mình có chị, có anh, có em, vừa để mái ấm gia đình thêm ấm cúng, vừa để có thể tự do hơn trong những quyết định của mình. Họ không thể và cũng không dám trách cha mẹ, vì suy cho cùng, bố mẹ nào cũng chỉ mong mọi điều tốt lành cho con cái. Chỉ hi vọng các bậc làm cha làm mẹ sẽ thấu hiểu, cảm thông hơn với con mình, và ngược lại, phận làm con cũng nên đồng cảm với những suy nghĩ và trăn trở của cha mẹ. Sống vì mình thì rất dễ nhưng sống cho cả những người khác mới thật khó. Sống sao cho mình được vui vẻ mà những người thân yêu của mình cũng được hạnh phúc, đó là điều chúng ta cần cố gắng không ngừng để đạt được.
Nguyên Thảo
(Theo MaskOnline, afamily)