Hai vợ chồng anh Phong, chị Lan đều là nhân viên của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội, lương tháng cũng thuộc loại khá, tuy nhiên ngặt một nỗi anh Phong là người giữ “tay hòm chìa khóa” nhưng lại quá hà tiện nên nhiều lần làm chị Lan xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp.
Chị kể, vì làm cùng công ty nên thu nhập của chị được bao nhiêu là anh Phong nắm rất rõ, ngay cả tiền trợ cấp, thêm giờ và tiền thưởng,… anh cũng đều biết nên chả thể giấu được đồng nào. Mọi chi tiêu trong gia đình đều do anh Phong “tự quyết”, chị cứ thế mà thực hiện.
Đến cơ quan đôi khi sức ép công việc nhiều khiến chị mệt mỏi, căng thẳng muốn xuống căng tin ngồi uống ly cà phê cho tinh thần minh mẫn nhưng cứ nghĩ đến cái “túi thủng” của mình chị lại đành thời dài ngồi lại trong phòng. Khổ nhất là đồng nghiệp trong phòng thi thoảng lại rủ nhau đi ra ngoài thay đổi thực đơn, khẩu vị, không đi thì họ bảo là không có tinh thần tập thể, mà đi thì chả nhẽ lần não đến cũng chỉ biết ăn xong, mặc cho mọi người trả tiền hết lần này đến lần khác. Đã không ít lần chị đã tìm cách thoái thác, đánh bài “chuồn” khiến cho mọi người trong công ty lời ra tiếng vào rằng chị ki bo.
Còn hoàn cảnh chị Vân ở Hoàng Mai – Hà Nội thì lại khác. Trước kia chị làm công nhân cho một nhà máy nhưng vì không đủ việc làm nên chị phải nghỉ việc, không có việc làm chị phải chịu trách nhiệm ở nhà chăm con. Anh Long – chồng chị được thừa kế một căn nhà mặt phố, hàng tháng căn nhà thừa kế đó mang lại cho anh một khoản thu nhập kha khá từ việc cho thuê là cửa hàng kinh doanh. Cũng chính bởi là người tạo dựng kinh tế cho cả gia đình nên, mọi chi tiêu trong sinh hoạt của vợ chồng, con cái đều do anh nắm quyền kiểm soát. Từ tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền đóng học cho con và mua sắm quần áo… chị đều phải ngửa tay xin chồng.
Mỗi khi chị đi chợ, anh chỉ đưa cho mấy chục ngàn mua thức ăn nhưng anh luôn miệng kêu ca chị chi tiêu “sao mà tốn thế?”. Đôi khi anh vui vẻ đâu đó chưa kịp về vậy là ba mẹ con chị lại phải ăn chay, hoặc may mắn hơn là trong nhà có còn gì sót lại từ hôm qua thì ăn tạm. Chị tâm sự: “Kể từ ngày lấy anh, đã gần 10 năm chưa một lần chị được anh đưa đi chơi đâu đó, chưa bao giờ vợ chồng ra ngoài ăn một tô phở”.
Có lần có người em họ nhà anh đến chơi và ở lại ăn cơm nhưng anh cũng chỉ đưa cho chị thêm 20 ngàn đồng mua thêm chai rượu, mà “quên” đưa tiền mua thêm đồ nhắm, thế là hai anh em phải ngồi uống rượu với mấy con cá khô kho mặn chị mua để dành mỗi khi anh mải chơi đâu đó chưa kịp về để chị có tiền đi chợ. Cũng sau bữa đó, đứa em họ nhà chồng đi kể khắp họ hàng, và chị mang tiếng ki bo “đãi khách bằng mấy con cá khô mặn chát”.
An Thảo
(theo afamily)