Về mọi mặt vợ chồng anh Thiện, chị Thu (ngụ ở Q.4, TPHCM) rất hài lòng về cô con gái 8 tuổi của mình. Bé My học giỏi, xinh đẹp và nhanh nhẹn. Thế nhưng, anh chị hết sức đau đầu vì con gái có máu “thắng thua”, làm gì mà đứng sau ai, nhất quyết cô bé không chịu.
Những lần về nhất thì cô bé tíu tít, vui vẻ, nhưng chỉ cần đứng nhì là y như rằng cả nhà có chuyện. Ngoài việc la khóc, đập phá đồ đạc, cô bé còn liên tục buông những lời khó nghe về người hơn mình.
Gần đây nhất là đợt thi học kỳ 2, bé My chỉ được 8 điểm Toán, thua hai bạn trong lớp. Mấy ngày liên tục sau đó, anh Thiện, chị Thu cũng căng thẳng vì những màn “cay cú” của con. Từ khóc lóc, bỏ ăn đến đập phá đồ đạc, cô bé còn buông những lời rất khó nghe về hai người bạn của mình, rằng bạn ăn gian, cô giáo chấm sai điểm. My năn nỉ mẹ đến nói với cô giáo đừng đọc điểm mình giữa lớp nếu không sẽ… tự tử. Anh Thiện bực quá quát ầm lên, còn tính cho con bạt tai, may chị Thu giữ lại kịp. Cả tuần sau, khi đến kỳ nghỉ hè, chuyện điểm thi mới bớt ám ảnh cháu.
Dạy con đối mặt với thất bại
Theo bà Hân, trước hết, bản thân bố mẹ không được đặt nặng vấn đề thắng thua, cần bình tĩnh giải quyết mọi thất bại trong cuộc sống của mình để làm gương cho trẻ. Cũng đừng cho rằng con mình là giỏi nhất, quá kỳ vọng vào con sẽ tạo nên áp lực với trẻ. Khi con thua cuộc, thay vì trách móc, phê bình hãy ân cần động viên con, cùng tìm nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm, khắc phục.
Trong nhiều cuộc chơi, nếu luôn được nhường phần thắng trẻ sẽ “tự hão” về bản thân, vì thế nhiều lúc cần để trẻ trải nghiệm việc thua cuộc đúng với khả năng của mình. Trước cuộc chơi, cần thương lượng trước với trẻ phải chơi đẹp, không được chơi ăn gian cũng như nếu thua không được ném đồ, la hét… Phụ huynh có thể hướng con đến những hoạt động vui chơi nặng tính giải trí hơn là việc ăn thua.
Trước mỗi chiến thắng của trẻ, để trẻ bộc lộ sự hưng phấn vui mừng của mình nhưng nhớ nhắc nhở trẻ đừng khoe khoang mà nên quan tâm đến cảm xúc của người thua cuộc, vì có thể bạn đang rất buồn. Dạy trẻ đặt mình vào vị trí của người thua cuộc.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể dẫn trẻ đến xem những cuộc thi, trận đấu quan trọng mang tính quyết định nhất nhì để trẻ trải nghiệm thái độ thắng thua của mỗi người, mỗi đội. Qua trải nghiệm đó, phân tích cho trẻ thấy thái độ của cá nhân/đội thua thể hiện sau cuộc thi như vậy là xấu hay tốt.
Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích trẻ ghi lại những việc mình làm sai, những phản ứng không đúng của mình để ghi nhớ, tránh tái phạm. Và điều quan trọng là đừng quên khen ngợi khi trẻ có tiến bộ, có hành vi đẹp để trẻ có động lực phát huy thái độ tốt, dần đẩy lùi những hành vi xấu khi thua cuộc.
Hoài Nam
(theo dantri)