Không điện thoại được cho Nam, Hạnh buồn bã đi bộ về. Cô tới nhà sách, rồi bị móc ví, chẳng còn một xu bắt taxi về. Cô không thiếu bạn để có thể nhờ lúc này. Nhưng trong một buổi tối thứ 7, một cô gái xinh đẹp, có người yêu lại cậy nhờ bạn bè đưa về trong lúc khó khăn, chúng bạn hẳn sẽ đặt câu hỏi: “Anh ấy đâu?”. Mà cái câu hỏi đó, Hạnh cũng muốn được trả lời.
Vậy là Hạnh đi bộ 7 cây về nhà. Gió mùa hè chọc ghẹo, thi thoảng lại thổi khe khẽ chiếc váy bằng voan mỏng của cô. Nhưng đôi giày 7 phân thì không hiền lành như thế. Nó làm chân cô đau.
Có lẽ anh lại bận đi tiếp khách cho công ty, hoặc là đang kí một bản hợp đồng nào đó, cũng có thể anh đang tập trung hoàn thành nốt cái thiết kế quan trọng…Quá nhiều chuyện khiến anh phải tập trung, mà chúng đều là những lí do để anh tắt máy.
Hạnh đã từng cãi nhau nảy lửa với Nam về điều đó. Nhưng câu trả lời của Nam làm cô chẳng thế nói gì thêm được nữa. “Anh là con người của công việc, cái công ty đó cần anh, cần anh tuyệt đối, nhất là trong những giờ phút quan trọng. Anh không thể vừa kí hợp đồng vừa nhận tin nhắn, càng không thể đang tiếp khách mà nghe điện thoại”. Hạnh đã cười chua chát với chính mình: “Phải rồi, mọi việc đều cần có anh, còn em?”.
Những lần hai đứa cãi nhau, anh luôn là người tắt máy. Có lẽ anh quá bận để không còn muốn nghe những lời phàn nàn của cô. Thường khi cãi nhau, chỉ có con gái giận hờn, tắt đi không nghe máy, để người con trai phải tìm đến tận nơi làm lành…
Anh để chế độ báo cuộc gọi đến khi tắt máy nên Hạnh gọi bao nhiêu lần anh đều biết. Sau mỗi lúc bận, khi có thể, bật máy lên là anh điện thoại cho cô ngay lập tức, hỏi thăm cô đủ chuyện. Có lần cô hờn trách: “Một ngày nào đó, em hấp hối, gọi anh về nhưng chẳng được, khi anh có thể nghe điện thoại mà về với em, em đã chẳng còn sống nữa”.
Hạnh chưa bao giờ tắt máy điện thoại mặc dù cô có thể làm thế để anh cũng phải trải qua cảm giác khó chịu khi không liên lạc được với người yêu. Nhưng tình yêu của cô lớn hơn sự ích kỉ đó. Cô luôn muốn là người lắng nghe anh khi anh cần cô. Dù bất kể đó là lúc nào.
“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.
Nam thấy lạ. Chưa bao giờ anh phải nghe những âm thanh đó từ số điện thoại của Hạnh. Anh bấm thử nhiều lần, không hề có sự thay đổi nào. Anh bắt đầu lo lắng. Nam phóng tới nhà Hạnh. Căn nhà đóng cửa im ỉm, không có bóng dáng ai. Nam muốn điện thoại cho người bạn nào đó của Hạnh để hỏi xem điều gì đã xảy ra, nhưng thật tệ, ngay cả thời gian nghe điện thoại từ người yêu mình anh còn chẳng có, làm sao anh biết nổi một số điện nào của bạn cô.
Nam đứng trước cổng nhà Hạnh, như một kẻ mất phương hướng, tay vẫn không ngừng bấm nút gọi. Anh cứ hi vọng, một cơ may nào đó, Hạnh bật máy và anh có thể nghe được câu nói thân thương: “Anh à, em đây…”. Nhưng chẳng có gì cả.
Bác hàng xóm nhìn anh đứng đó chạy sang: “Sao cậu còn ở đây? Hạnh nó bị tai nạn từ tối qua, khoảng 9 rưỡi. Chẳng hiểu đi đâu một mình… nghe nói nguy kịch lắm…”
Nam nhìn lại nhật kí cuộc gọi, 4 cuộc gọi nhỡ của Hạnh lúc 9h15. Nước mắt anh chảy dài, Hạnh đã rất cần anh, vậy mà anh…
Nam phóng xe vào viện, suốt đường đi, câu nói của Hạnh vang vang trong đầu: “Khi anh có thể nghe điện thoại mà về với em, có lẽ em đã chẳng còn sống nữa…”.
Hoài Thu
(theo dantri)