Món gỏi cuốn được bắt gặp ở bất cứ đâu trên khắp phố phường Sài Gòn. Chỉ một lát bánh tráng mỏng làm lớp ngoài, bên trong cuộn vài con tôm luộc bóc vỏ tươi đỏ, thịt lợn nạc, bún, rau thơm, vài cọng hẹ sống và một chén tương nước chấm, gỏi cuốn trở thành món quà vặt được nhiều người ưa thích.
Bánh tráng (bánh đa) nướng ở Sài Gòn được biến đổi ít nhiều cho hợp khẩu vị: lớp bánh tráng mỏng hơn, dùng bơ thay cho mắm ruốc… Không quá cầu kỳ về nguyên liệu, chỉ cần vài quả trứng cút (hoặc trứng gà), nhân thịt, hành phi…, món nướng thơm giòn này trở thành lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ, nhất là vào những chiều trời đổ mưa đột ngột.
Không hiếm người trở thành “tín đồ” của món bột chiên bởi hương vị vừa lạ vừa quen hòa quyện giữa bột sắn, bột gạo và trứng. Một dĩa bột chiên gồm các viên bột vuông vắn được chiên phồng lên, trộn đều với trứng tráng, hành lá và rắc đu đủ, củ sắn xắt sợi lên trên. Tại Sài Gòn có nhiều quán bán bột chiên gia truyền như ở đường Võ Văn Tần (quận 3), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8)…
Bún xào được chế biến khác nhau tùy theo chỗ, nhưng phổ biến nhất vẫn là món bún chay ăn với giá, cải, mộc nhĩ cùng đậu khuôn, chả giòn. Món ăn này nhẹ bụng nên được nhiều người ưa chuộng, chọn để điểm tâm. Vị thơm ngon của bún xào chủ yếu được quyết định bởi sợi bún: sợi nhỏ, bùi, dai mà không quá khô. Món bún xào có thể dễ dàng được tìm thấy ở các gánh hàng rong trên mọi nẻo đường của Sài Gòn.
Nhiều người yêu thích món chuối nếp nướng vì vị ngọt thanh của chuối chín xen lẫn bùi béo của gạo nếp và nước cốt dừa. Cách làm chè chuối nướng nếp khá đơn giản: chuối được cuốn với cơm nếp, bọc lá chuối bên ngoài và bắc lên vỉ than nướng; sau đó cắt thành từng khoảnh ra dĩa, chan thêm nước cốt dừa và bột lọc. Chuối nếp nướng được bán ở các hàng quán lâu đời tại đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1), đường Tô Hiến Thành (quận 10),… có khá đông bạn trẻ tìm đến thưởng thức.
Súp cua là một trong những món điểm tâm bình dân được nhiều người ưa chuộng tại Sài Gòn. Với nguyên liệu chính là thịt cua, nấm rơm, trứng cút và bột măng, cộng thêm các loại gia vị như hành ngò, tiêu bột…, người ăn lần đầu dễ có cảm giác lạ miệng bởi vị của súp, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng “ghiền” món ăn nhiều chất bổ này. Sài Gòn sau mỗi chiều mưa, những quán súp cua ở khắp các ngõ hẻm lại tấp nập người ghé đến…
Bánh tráng trộn là một trong số những món bình dân có nguyên liệu chế biến đơn giản nhất. Chỉ với bánh tráng cắt vụn, tép khô, mực tẩm xé sợi, trứng cút, nhưng khi trộn đều với nước tương và rau răm, món ăn lại mang một hương vị khá thơm ngon, ăn hoài không chán. Mặc dù không được đánh giá cao về dinh dưỡng, bánh tráng trộn đến nay vẫn luôn nằm trong top lựa chọn các món ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn.
Thường bị nhầm lẫn với gỏi cuốn, bò bía lại có cách chế biến cầu kỳ hơn đôi chút. Vốn là món ăn của người Hoa, theo năm tháng, bò bía Sài Gòn dần có nhiều biến đổi, nhưng xoay quanh vẫn là 5 loại nguyên liệu chính: lạp xưởng, tép khô, trứng vịt, củ sắn cắt sợi, xà lách và được cuộn bên ngoài bằng một lớp bánh tráng mỏng, chấm với nước tương đặc chế. Với giá chừng 2.000 đồng một cuốn, bò bía không chỉ là một trong những đặc sản được người ở Sài Gòn ưa chuộng, mà còn là món ăn “hút hồn” nhiều khách thập phương
Theo VnExpress
(Theo vctv)