Đua nhau “bắt rồng”
Theo quan niệm truyền thống, con Rồng thường tượng trưng cho sự may mắn và tinh thông nhất trong 12 con giáp. Rồng là biểu tượng của danh dự, quyền lực và sự lỗi lạc, nó cũng còn mang hàm nghĩa đây là… con trời. Bởi vậy, chuẩn bị bước sang năm 2012, rất nhiều ông bố bà mẹ có mong muốn “săn” được một “rồng con”.
Chị Hà Nhung (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho biết: “Đi xem bói, thầy phán, người cầm tinh con rồng dũng mãnh, quyết liệt và dám làm. Những đứa trẻ sinh năm rồng dường như để lãnh đạo và những người cầm tinh con rồng thường chiếm được vị trí cao trong xã hội… Nên hai vợ chồng mình càng củng cố đã quyết tâm săn được rồng con trong năm tới đây”.
Không chỉ có các bậc phụ huynh, nhiều ông, bà cũng rất ưng có cháu sinh vào năm 2012. Bà Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Cả nhà tôi cũng đang động viên con trai và con dâu chuẩn bị cho kế hoạch sinh con năm rồng với mong muốn tốt cho cả nhà và tốt cho cả bé. Đi xem thì thầy phán rằng “bắt rồng” vào tháng 2, 3 âm lịch là tốt nhất (thăng quan tiến chức, giầu có không lường, hạnh phúc gia đạo), trong 2 tháng này thì tháng 3 tốt hơn tháng 2 vì là tháng 3 là tháng của Rồng…”.
Trên các diễn đàn mạng cũng sôi sùng sục các topic cho những phụ huynh muốn săn cu rồng năm Nhâm Thìn. Tại một diễn đàn dành cho phụ huynh, nickname Maianh tâm sự: “Em đang tính “sản xuất tập 2” (sinh con thứ 2) vào năm 2012, nếu được thằng cu thì càng tốt, mẹ nào có kế hoạch sinh con năm
2012 thì đăng kí vào nhóm để đồng hành trong suốt quá trình mang thai – sinh nở – nuôi dưỡng giáo dục con nhé…”.
Ảnh minh họa.
Lên kế hoạch “săn rồng”
Hoàng Minh (Sinh năm 1988) ở Từ Liêm (Hà Nội) cũng rất hào hứng cho biết kế hoạch kết hôn và sinh con năm rồng của cô và người yêu: “Ông xã tương lai của mình sinh năm 1984, cả hai định cuối năm nay cưới và đầu năm sau hi vọng sẽ có bầu. Gia đình hai bên cũng động viên, cưới xong ưu tiên hẳn một tháng trăng mật chỉ để “bắt rồng”…”.
Không chỉ có Hoàng Minh, nhiều bạn bè của cô cũng muốn kết hôn sớm để chuẩn bị sinh con vào năm 2012. Họ đang tìm mọi cách để có được chú “rồng vàng”, nghĩa là những đứa trẻ được sinh ra từ ngày 23/1/2012 đến ngày 10/2/2013.
Chị Hoài Nam (SN 1980) ở Hà Nam, lập gia đình muộn, chị cũng vừa sinh con gái đầu lòng năm 2010. Hai vợ chồng đều là công nhân, lại nuôi con nhỏ nên cuộc sống khá chất vật. Tuy nhiên, chồng chị lại muốn năm 2012 tiếp tục sinh con với hi vọng săn được “cu rồng”. Điều chị Nam lo lắng nhất là trong lúc kinh tế gia đình chưa ổn định nếu sinh thêm một con nữa hai anh, chị sẽ rất vất vả và không thể có điều kiện tốt nhất để nuôi dạy con.
Chị chia sẻ: “Con năm rồng thì thích thật đấy, nhưng sinh con ra thiếu thốn, vất vả dù là rồng bay hay rồng đất cũng chắc gì đã sung sướng được”. Nhưng chồng chị Nam lại không hiểu được điều ấy, anh vẫn nung nấu tham vọng “bắt rồng”, chính sự bất đồng trong chuyện con cái đã khiến hai vợ chồng thường xuyên xảy ra tranh cãi, lục đục.
Không chỉ muốn sinh con năm rồng, các ông bố bà mẹ này còn mong muốn “bắt” được “rồng đực”. Bạn Hoàng Minh cũng chia sẻ: “Các cụ đã bảo: “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài, gái Đinh, Nhâm, Quý thì hai lần đò…nên vợ chồng mình nhất quyết nếu là con trai thì mới sinh”.
Có nên “bắt rồng”?
Chị Hồng Hoài (Tứ Kỳ, Hải Dương) từng chia sẻ một câu chuyện đầy đau lòng về việc “chọn trai, bỏ gái” của người bạn mình. Với tâm lý muốn sinh con trai, sau khi siêu âm biết thai nhi là con gái nên bạn của chị Hoài đã nạo bỏ, phá thai không chỉ một mà đến hai lần dẫn đến vô sinh.
Chị hy vọng sẽ có được con trai ở “mùa sau”, nhưng sau đó phải điều trị rất tốn kém và mất thời gian mà vẫn chưa thể đậu thai. Người bạn này của chị đã rất ân hận về quyết định của mình. Cho đến giờ, chị vẫn thường xuyên lên chùa với hi vọng xóa bớt những day dứt, ăn năn trong lòng.
Bác sĩ Đặng Phi Yến (Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TPHCM), cũng cho biết trên báo Phụ nữ Online, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2011 của Chi cục, tỷ số giới tính ở trẻ mới sinh tại TPHCM là 109 nam/100 nữ (cao hơn tỷ lệ cân bằng bình thường là 103 – 107 nam/100 nữ).
Dự kiến với đà mất cân bằng giới tính này thì 20 – 30 năm sau, sẽ có 2 – 3 triệu người đàn ông Việt bị ế vợ, xã hội sẽ nảy sinh nhiều hậu quả xấu. Đó là hậu quả nhãn tiền của tâm lý muốn có con trai hơn con gái của một bộ phận không nhỏ phụ huynh Việt.
Trước đó, vào năm Đinh Hợi (2007), nhiều chị em phụ nữ cũng đã dập dìu lên kế hoạch sinh con chỉ vì quan niệm sinh con năm “heo vàng”. Theo quan niệm của người Á Đông, năm Đinh Hợi được coi là năm “con heo vàng”, năm “đại cát” và may mắn. Trẻ em sinh ra trong năm này sẽ là người thành đạt, sung sướng cả một đời, xuống ngựa, lên xe! Nhiều người cho rằng, Đinh Hợi là chu kỳ lặp lại của 60 năm (60 năm mới có một lần), nên “heo vàng” lần này là rất quý!
Tuy nhiên, trên báo Thanh niên, bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh cho rằng: “Việc các cặp vợ chồng vì quan niệm về năm tốt trong sinh con, nên đặt ra yêu cầu mình phải sinh con trong năm được cho là tốt đó, đã tạo ra một áp lực rất lớn cho cả vợ lẫn chồng! Chuyện phải “canh” tới, “canh” lui để có con đúng dự định, sẽ tạo ra tâm lý không thoải mái cho người phụ nữ. Đừng cố “ép”, hãy để cho việc… thụ thai một cách tự nhiên!”.
Việc trẻ sinh ra sẽ khỏe mạnh, thành đạt là vấn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi, trên thực tế có rất nhiều người sinh vào những tháng, năm “đẹp” theo quan niệm trên, nhưng lại có cuộc sống cơ hàn, bất hạnh hơn so với những người có năm sinh chưa được như ý của bố, mẹ và người thân.
Theo Vietnamnet