Con gái tôi năm nay mới bốn tuổi rưỡi. Cháu đang học lớp mẫu giáo nhỡ tại một trường mẫu giáo thực nghiệm có uy tín hàng đầu Hà Nội.
Cuối tuần trước, thứ 5, ngày 1/9, một ngày trước ngày nghỉ lễ 2/9/2011, bữa cơm gia đình tôi bỗng có vị chát. Vợ tôi mở đầu bằng tâm sự: “Lúc em đón con, thấy trên bàn cô có mấy cái phong bì. Mình chả có phong bì cho cô không biết cô nghĩ thế nào, con có bị ảnh hưởng gì không?”. Tôi chưa kịp nói gì thì cô con gái tôi tiếp lời: “Bố ơi, cô còn bảo bạn nào mà đi chơi mùng 2/9 thì nhớ mua quà cho cô. Cô bảo bạn nào không đi thì mua nước hoa cũng được”.
Ảnh minh họa: VOV.
Cái nghề báo vốn va chạm nhiều với cái sự đưa phong bì, bôi trơn nên khi nghe những chuyện tương tự, đáng lý tôi cũng không lấy gì làm lạ. Thế nhưng, những lời đó từ cô con gái chưa đầy 5 tuổi của mình thì tôi không thể không sốc. Tôi sốc vì đó là lời nói của con tôi. Tôi sốc vì cháu còn quá bé để hiểu được lời cháu nói. Tôi sốc bởi tôi cô giáo cháu đã gieo vào đầu cháu những thứ mà tôi luôn dạy con mình không được làm. Cháu chỉ như một tờ giấy trắng, lời nói ra không một chút đắn đo và cũng không hề biết đó là lời nói tốt hay xấu.
Bữa cơm gia đình vừa mới bắt đầu đã chát đắng. Tôi vốn thẳng tính, sống không quen luồn cúi nhờ vả. Tôi mong muốn dạy con mình trưởng thành và biết tự đi trên đôi chân của chính mình, không bợ đỡ, luồn cúi, đút lót. Vậy mà ngay trong ngôi trường mầm non đầu tiên con tôi biết đến trường học, nơi đầu tiên một đứa trẻ biết đến trường, biết đến thầy cô thì cháu đã “bị” ươm mầm: Sống phải biết đưa phong bì, biết mua quà tặng để bôi trơn.
Tôi không thể không cho con mình đi học. Nhưng công cuộc dạy con tôi đi đúng theo hướng tôi mong muốn sẽ vất vả hơn nhiều bởi một số kiến thức “không cần thiết” cháu được nhồi nhét vào đầu. Trẻ con chẳng cháu nào vừa sinh ra đã hư. Tất cả đều do người lớn dạy dỗ mà thành hình. Vậy nên đừng vì “một lọ nước hoa” mà làm hư cả một thế hệ.
Lều báo
(theo bee)