Một câu chuyện nhỏ, đơn giản, nhưng qua đó nói lên được nhiều điều về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Điều chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng mất trí nhớ của bà, bà thường tiểu tiện, đại tiện lung tung, khi ra sân, khi ra gầm cầu thang hay phòng ăn. 2 con còn nhỏ, tôi phục vụ chúng đã mệt, mà còn phải thường xuyên dọn “chiến trường” của bà.
Khủng khiếp hơn là đêm đêm, bà thường xuyên dậy đi lại, gọi tên đứa cháu con anh trai trưởng ở xa lơ xa lắc, giật tung cửa khiến không ai ngủ được. Có đêm bà dậy tới 11-12 lần gọi tên cháu thì coi như vợ chồng tôi thức trắng đêm. Bất kỳ lúc nào nhớ ra, bà đều có thể gọi rất to tên một ai đó, có thể là con, cháu, hay hàng xóm và gọi rất nhiều lần.
Hàng xóm nhà tôi cũng biết bà bị lẫn nên không chấp sau nhiều lần tôi phải đi xin lỗi, giải thích với họ về tình trạng của mẹ chồng tôi. Ngoài ra, ở nhà một mình nên khi nào nhớ ra bà lại xê dịch đồ đạc, lấy chỗ nọ để chỗ kia khiến nhiều phen nhà tôi như chiến trường, phải sắp xếp lại đồ và cũng không ít lần phải đi tìm đồ từ đôi dép, cốc chén đến thực phẩm, thức ăn vì bà để lung tung.
Tôi nói như vậy không phải kể tội mẹ chồng mà chính vì tình trạng bà như vậy, tôi càng thông cảm và thương bà hơn. Tôi nói điều này là thực lòng bởi tôi biết, bà goá chồng từ rất trẻ (35 tuổi) mà nuôi được 6 người con, dạy dỗ tạo dựng cho các con được cuộc sống như hôm nay thật không phải ai cũng làm được.
Bà ở với chúng tôi nhiều khi cũng không tránh khỏi những lúc con cái bực dọc, nhất là khi gần 12 giờ trưa đi làm về lại phải dọn “chiến trường” mất hàng tiếng đồng hồ hay những đêm thức trắng.
Thế nhưng trên hết, chúng tôi vẫn hết lòng với mẹ, hàng ngày tắm rửa cho bà, mắc màn trước khi bà đi ngủ, hay pha đủ 2 ấm chè tươi mỗi ngày để bà uống (mẹ chồng tôi nghiện uống chè tươi). Vợ chồng tôi đều nghĩ, mẹ còn sống trên đời đã là may mắn.
Nhiều lúc nhìn mẹ chồng như một đứa trẻ phải cho ăn, mặc, tắm đến đi vệ sinh (bà còn khỏe mạnh, tự đi lại được), tôi cũng thấy cám cảnh. Nhưng rồi tôi cứ nghĩ rồi sau này mình cũng là mẹ chồng, cũng sẽ già và biết đâu trời kia đất nọ mình lại chẳng mắc phải một căn bệnh nào đó.
Lúc ấy chắc tôi cũng cần yêu thương, chăm sóc nhiều lắm. Vì vậy mà ngày hôm nay tôi làm cũng chính là hy vọng để cho ngày sau. Nếu không thực sự yêu thương mẹ chồng, bạn sẽ không bao giờ có sự đồng cảm. Đó là một thực tế trong cuộc sống này.
(Theo GiadinhNet)