Nguy cơ điện giật
Tuần rồi, có đứa em đi dự đám cưới bị điện giật nhẹ. Theo lời em kể, em vịn tay vào cây sắt dựng rạp, tự dưng bị dính chặt vào, tay tê rần. Em cầu cứu ba và anh trai cũng đang dự tiệc nhưng không sao mở miệng được. Mệt, chịu không nổi, em từ từ khuỵu xuống. May mắn sao, tay em thoát ra được cây cột sắt. Đến lúc này mọi người trong tiệc cưới mới phát hiện ra sự việc thì cả cánh tay phải của em đã bị phỏng rát.
Từ lâu, mọi người đi dự tiệc đều cảm thấy bất an từ những cây quạt, bóng đèn bắt tạm bợ vào rạp. Quạt thì cũ kỹ (quạt thuê chung với rạp), dây nhợ, công tắc lỏng lẻo. Có lần tôi chứng kiến có người bị điện giật khi với tay sửa cái bóng đèn trong rạp.
Mới đây đi ăn cưới, tôi còn bị ngồi dựa lưng vào trụ điện! Vì đám cưới nằm ngoài đường lộ, người ta dựng rạp bao luôn mấy cây cột điện.
Nguy cơ cháy, nổ
Nguy cơ cháy bếp gas mini từ lâu đã được cảnh báo. Nhiều đám cưới chuyển sang sử dụng bếp cồn. Bếp gas mini thì nổ, bếp cồn thì không khéo lại đổ ra bàn gây cháy. Cách đây không lâu, các khách khứa trong một tiệc cưới được một phen hoảng hồn khi bất ngờ một bếp gas mini phực cháy. Dù đã kịp thời khắc phục sự cố nhưng sự thắc thỏm lo âu đã khiến không khí bữa tiệc như chùng xuống. Thậm chí vài bàn không dám dùng đến món lẩu. Đám cưới lẽ ra rất vui lại hóa buồn!
Nguy cơ mất tài sản
Đi ăn cưới ở trong xóm làng quê là lòng tôi luôn canh cánh một nỗi lo. Ăn diện đẹp thì cũng muốn đi xe đẹp. Nhưng đi xe đẹp thì coi chừng bị mất xe.
Đám cưới tổ chức tại nhà, nhất là trong thôn quê, không có dịch vụ giữ xe. Khách muốn để xe ở đâu thì cứ tùy ý. Cho nên lắm lúc xảy ra trường hợp ăn cưới xong thì “nặng bụng” nhưng đến khi tìm con xe thì lại “nặng lòng”.
Hú vía cho tôi một lần đi ăn cưới người bạn. Mới sắm được chiếc xe oách, cũng muốn khoe một tí, tôi liền cưỡi nó đi ăn tiệc. Vào trễ, xe khách dựng đầy sân. Sợ trầy xe, tôi tìm chỗ trống và mát “gửi gắm” nó. May mắn là ngày đó tôi phải chạy “sô” hai đám, nên ăn vội ăn vàng rồi rời bữa tiệc. Tìm đến con xe thì phát hiện có người đang dắt nó. Tôi chạy vội đến giành lấy thì người đàn ông xin lỗi… dắt nhầm xe vì say rượu!
Ăn cưới trong khách sạn sang trọng cũng không tránh được nguy cơ mất tài sản. Đám cưới em gái, vợ chồng anh T.N (Q.3, TP.HCM) bận bịu lo tiếp khách, không để ý đến con gái sáu tháng tuổi được những ai ẵm bồng. Bé bụ bẫm, dễ thương nên ai cũng thích, cũng muốn nựng nịu. Đến khi cho con ăn, mẹ cháu mới phát hiện chiếc vòng đeo tay một chỉ vàng của con biến mất. Biết tìm ở đâu, biết truy ai bây giờ giữa biển người mênh mông?
Nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm
Đây không phải là vấn đề mới. Nhưng là vấn đề luôn luôn xảy ra và đáng lo ngại nhất khi đi ăn cưới. Chẳng lẽ để đề phòng ngộ độc thì không ăn gì?
Lần đó, đám cưới của người bạn thân, vợ tôi không thể không đi. Ăn xong bữa tiệc thì tối đó cô ấy bị “Tào Tháo dí”. Thủ phạm gây ra ngộ độc là món gỏi. Từ đó, tôi có thêm kinh nghiệm, khi đi ăn tiệc ở những đám nấu tạm bợ vì thuê ngoài thì chắc ăn nhất không dùng đến món gỏi.
Và những hiểm nguy “từ trên trời rớt xuống”
Đám cưới đâu thể thiếu chút men cay. Bình dân thì có rượu, sang sang thì có bia. Cánh đàn ông con trai có sẵn máu “anh hùng” được hỗ trợ bởi thứ men cay càng thêm “hiếu chiến”. Tiệc đông, lời qua tiếng lại, phút chốc bỗng biến thành “đấu trường”. Nhiều bữa tiệc vui biến thành ẩu đả bởi những khách khứa quá chén và quá hăng. Không chỉ tội cho chủ nhân bữa tiệc, dở khóc dở cười, mà tội cho cả những vị khách tự dưng bị vạ lây. Một vết sẹo nhỏ trên trán em gái tôi là kết quả một trận hỗn chiến “chén bát bay” mà vì chậm chân nên “dính chấu”.
Lần khác, ba mẹ tôi đi ăn cưới một anh hàng xóm lấy vợ lần hai. Vợ cũ của anh này, vốn cũng đang ở chung xóm, khi biết gia đình tôi “dám” đi chúc mừng cuộc hôn nhân mới của chồng cũ, đã không phí thời gian và sức lực chửi rủa mấy đời nhà tôi từ trưa cho đến tối và tiếp tục xéo xắt vào tận mấy ngày sau…
Gia Cát Tường