Ngọc Lan (20 tuổi, ở Tiền Giang) vừa là sinh viên học giỏi, ngoan hiền của một trường đại học có tiếng ở TPHCM vừa là đứa con hiếu thảo. Tuy thế, trong 5 năm qua, em luôn dằn vặt về việc thể hiện tình yêu thương với bố.
Khao khát yêu bố như trước
Ai sinh ra cũng yêu thương bố mẹ và hai tiếng “bố con” hoặc “mẹ con” là cả một biển trời yêu thương. Nhưng với Lan, tình cảm với bố đang có vấn đề. Lan viết một bức thư rất dài gửi chúng tôi chất chứa nhiều tâm sự với nhiều cung bậc tình cảm: giận dỗi, đau đớn, tự trách mình… và câu hỏi được đưa ra là: “Làm sao thể hiện tình yêu thương với bố?”. Câu hỏi khiến chúng tôi rất bất ngờ nhưng xâu chuỗi lại vấn đề của em, chúng tôi vừa thương vừa tiếc cho em.
Bố Lan là nông dân. Theo cơn sốt đất năm 2002, 2 ha ruộng nhà em “ra đi”. Đổi lại là số tiền lớn mà gia đình em chưa hề mơ đến và… bố Lan sinh tật rượu chè, có bồ nhí. Những bữa cơm gia đình rôm rả tiếng cười thưa dần, thay vào đó là những lần bố đánh mẹ hay những trận cãi vã inh trời. Từ đó, Lan không còn có những giấc ngủ ngon, luôn nhớ đến cảnh mẹ phải chịu đòn, rồi dần trầm cảm, ít nói… Thế là em lại khóc và giận bố. Không chỉ thế, bố còn mắng cả chị em Lan. Trong những ngày Lan thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bố vẫn sa sả chửi mẹ khiến Lan thức trắng đêm. Sau một thời gian chịu đựng, Lan mở lời góp ý rồi bênh mẹ, cãi lại bố nên bị bố chửi không tiếc lời, có khi còn chỉ vào mặt Lan nói: “Mày không phải con tao !”.
Bố mẹ nên là tấm gương cho con cái. (Ảnh minh họa)
Khi lên TPHCM học, Lan không còn chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Còn bố Lan, thời gian và những thay đổi của bồ nhí đã khiến ông nhận ra lỗi lầm, dần ít nói và mặc cảm với các con. Lan cũng không còn giận bố. Mỗi lần về thăm nhà, Lan đều hỏi thăm bố nhưng lòng chẳng thấy ấm áp chút nào. Em không thể đến gần bố như ngày bé để khoe thành tích hay tâm sự chuyện buồn vui. Dường như Lan đã… “chai” cảm xúc nhưng thẳm sâu trong lòng, em vẫn khát khao yêu bố như ngày bé thơ. Mỗi lần đi ngang qua những cánh đồng, Lan lại nhớ cảnh bố làm ruộng vất vả để nuôi các con ăn học và nước mắt Lan lại rơi…
Nói lời quan tâm cũng khó
Bố của Hùng (quận 12 – TPHCM) là một trí thức, thương yêu vợ con nhưng… hay ghen với công việc từ thiện của vợ. Những lúc trà dư tửu hậu, bạn bè lời ra tiếng vào khiến ông hoài nghi. Vì sĩ diện, ông không thể ngăn vợ nhưng cũng không dám góp ý nên đã… gây khó dễ vợ đủ điều, kể cả chuyện chăn gối.
Mẹ Hùng là người hiểu biết, sợ cha mẹ “đấu” nhau, con bị tổn thương nên bà giảm dần số lần đi từ thiện. Thế nhưng, ông vẫn muốn bà phải phục tùng tuyệt đối. Tối đến, ông thường gây chuyện, khi nặng lời, lúc hăm dọa, thậm chí là động tay, động chân… Mỗi khi thấy mắt mẹ sưng húp, cánh tay sưng bầm… là Hùng hiểu. Em hiểu cho sự ghen tuông của bố nhưng cũng thương cho mẹ. Đôi lần, em lấy hết can đảm góp ý khiến bố càng khó chịu hơn vì “các con chẳng coi bố ra gì” và xem em như đứa con “khó dạy”.
Lâu dần, nhà Hùng thưa dần tiếng cười nói và không khí thường rất nặng nề. Hùng tâm sự: “Muốn nói với bố vài câu quan tâm cũng khó, muốn yêu thương bố như những năm trước cũng chẳng dễ”. Còn mẹ Hùng, bà tâm sự: “Đành ly hôn để giải thoát cho cả hai và để các con vẫn yêu thương, tôn trọng bố. Cũng là để tránh cho con không chai lì cảm xúc, khi gặp bố, vẫn chào thưa và hỏi han chân tình”.
Hãy là tấm gương tốt cho con Khi trẻ nhận thức được sự việc, trẻ hướng tới những gì gọi là chân lý, là chuẩn mực và trẻ cũng đòi hỏi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, cũng phải hướng tới những chuẩn mực ấy. Vì thế, cha mẹ cần thống nhất nhau trong cách giáo dục con; khéo léo, tế nhị trong cách cư xử hằng ngày; tránh để trẻ chứng kiến những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình… Cha mẹ là hình mẫu lý tưởng để con noi theo. Khi cha mẹ là tấm gương tốt, biết tôn trọng người khác… con cái sẽ noi theo và sẽ biết phải làm thế nào để tôn trọng và kính yêu cha mẹ. Chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ, Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc |