Hai vợ chồng trẻ ra riêng đi làm, mọi việc trong nhà đều nhờ người giúp việc từ nấu nướng, giặt giũ cho đến chăm sóc vui đùa cùng con cái. Chính vì thế mà có rất nhiều trẻ đã bị ảnh hưởng nặng từ “nhũ mẫu” của mình.
Chị T.A tâm sự: “Hai vợ chồng tôi đều nói giọng Nam chuẩn nhưng cu Bin nhà tôi lại nói giọng Bắc, lại còn nói ngọng, tôi không biết phải làm sao để sửa”.
Sinh đứa con thứ nhất xong, vừa hết thời kỳ thai sản, chị T.A đã vội đi làm ngay vì ở công ty có quá nhiều việc chờ chị giải quyết. Ðể con ở nhà với người giúp việc thân cận (đã làm việc cho mẹ chị từ trước), chị yên tâm đi làm vì người này rất thạo công việc, lại sạch sẽ, kỹ tính. Vừa tham công tiếc việc ở công ty, lại quá tin tưởng vào sự chu đáo, cẩn thận của người giúp việc nên thấy con quấn quýt với mẹ Tư (tên người giúp việc), có khi còn đòi qua ngủ chung, chị T.A cũng vẫn mặc kệ. Ðến khi phát hiện ra con mình nói tiếng Bắc không khác gì chị Tư, lại còn nói chữ “L” thành chữ “N” (hoặc ngược lại), chị mới giật mình. Là con trai, bé Bin vốn rất hiếu động, hay hỏi, hay nói và hay bắt chước nên chẳng mấy chốc bé đã bập bẹ theo bài hát “Ba ngọn nến lung linh” như thế này: “Ba nà cây lến hồng. Mẹ nà cây lến xanh. Con nà cây lến hồng. Ba ngọn lến nung ninh… Nung ninh nung ninh tình mẹ tình cha. Nung ninh nung ninh cùng một mái nhà…”. Sửa mãi vẫn không được, còn cấm con hát thì bé lại nhân lúc nhà đông người, có khách khứa hay ông bà qua thăm lại đem bài ruột ra biểu diễn làm mẹ bé vừa tức tối, lại vừa buồn cười.
Bé gái nhà chị H.H thì may mắn không nói ngọng, nhưng lại xưng hô… mẹ với tui, ba với tui theo đúng kiểu mà người giúp việc có gốc quê… miền Tây (chị giúp việc quê ở Đồng Tháp). Lúc thì chị nghe cô bé ê a một vài câu vọng cổ, lúc lại nghe trích đoạn vài câu hát tân nhạc loại dành cho những người thất tình. Sửa cho con hoài, nhưng một lúc sau bé lại quên ngay để bắt đầu bài ca cũ. Còn chị H.A cũng vừa bực mình, vừa tức cười vì chẳng hiểu cô giúp việc dạy dỗ làm sao mà con mình cứ gọi chân là cẳng, lại còn đưa ra “triết lý”: Không cần học nhiều vì mai mốt lớn sẽ về quê chăn bò chứ không ở thành phố!!!???
Theo các phụ huynh, những thói quen mà trẻ bắt chước từ người giúp việc không ở mức độ trầm trọng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập và giao tiếp của trẻ ở cộng đồng. Và phải mất khá nhiều thời gian để sửa chữa.
Lỗi vì cha mẹ bận rộn?
Cách nói năng của bé bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách ăn nói của người nào có thời gian gần gũi bé nhiều nhất. Thật vậy, hầu hết các bà mẹ đều thừa nhận con không nói giọng bố mẹ mà nói theo giọng của người giúp việc vì thời gian mà các bé ở cạnh bố mẹ, trò chuyện với bố mẹ quá ít. Giải pháp được nhiều gia đình áp dụng là trao đổi với người giúp việc nhưng xem ra không ổn, vì tuy là có nhắc nhở, nhưng rồi đâu sẽ lại vào đấy. Một bà mẹ trẻ cho biết, chị chỉ còn cách là thường xuyên nói chuyện với con hơn, cũng như dành thời gian làm bạn với con vào buổi tối và hy vọng lớn lên bé sẽ tự biết sửa đổi.
Một “mẹo” mà các chuyên gia về trẻ em đưa ra là các bậc cha mẹ nên đọc truyện, đọc sách cho bé nhiều hơn. Vì qua đó, bé sẽ có nhiều vốn từ và tích lũy thêm được các câu chuyện, chi tiết vui để làm vốn từ cho mình chứ không còn lệ thuộc vào người giúp việc như trước. Ðến khi đi học, có bạn bè, bé sẽ tự biết điều chỉnh cách ăn nói của mình.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi thì các bậc làm cha làm mẹ vẫn phải kiên nhẫn để chỉnh sửa, rèn lại cho bé cách nói năng thì mới mong có hiệu quả.
Bố Su – Bin
(theo Kiến thức gia đình )