Cầm túi quần áo cũ nhưng còn khá tươm tất cô em cho, chị Thu đang ướm cho các con thì anh Quân giật quăng ra sân. Bất bình, chị Thu gào lên: “Anh điên à, đã không kiếm được tiền lo cho con, lại còn sĩ”. Nghe vợ lăng mạ, anh Quân tức tối vớ chiếc cốc đặt trên bàn ném vỡ toang rồi hầm hầm lấy xe phóng đi. Chị Thu ngồi ôm mặt khóc. Hai năm trở lại đây, những trận cãi vã xuất hiện ngày càng thường xuyên trong gia đình chị Thu. Vợ chồng chị kết hôn đã hơn 10 năm, có với nhau hai mặt con. Họ lấy nhau khi cả hai đều cơ hàn. Chị Thu xinh đẹp, được nhiều người ngỏ ý, nhưng cuối cùng lại đồng ý lấy anh Quân – chàng trai nghèo cùng xã ở Bắc Ninh, vì thấy anh hiền lành, chân chất. Hai vợ chồng chị làm ở một nhà máy giấy trong tỉnh. Anh Quân vốn không được lanh lợi nên mãi vẫn ở một vị trí, với đồng lương eo hẹp. Hai vợ chồng lo cho hai con ăn học vất vả, chị Thu về nhà phải kiếm nghề phụ làm thêm. Các em trai, em gái chị Thu làm ăn ngày càng khấm khá, thấy chị mỗi ngày lại thêm tiều tụy thì thương xót và luôn tìm cách cho cái này, đỡ cái kia, đồng thời giận anh rể kém cỏi, thiếu trách nhiệm. Anh Quân vì sĩ diện nên cấm vợ con không được nhận đồ nhà ngoại cho. Gần đây hai vợ chồng anh chị thường xuyên cãi nhau, có lúc nóng lên, anh Quân còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Họ đang tính chuyện ly hôn.
Bà Minh Hoa, chuyên gia tâm lý đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho biết, không ít gia đình tan vỡ vì những cắng đắng về kinh tế, nhất là khi người chồng không gánh vác được trọng trách. Nhà tâm lý cho biết, xã hội từ trước tới nay vẫn quan niệm đàn ông phải là trụ cột, phải hơn vợ trong chuyện kiếm tiền. Vì thế, việc không đảm bảo về kinh tế đã là một áp lực rất lớn đối với nam giới, cộng thêm bị vợ hay người nhà vợ… coi thường, dè bỉu càng khiến họ khủng hoảng, mặc cảm. Thực tế, sự kém cỏi về tài chính thường khiến nam giới rất khó chịu nhưng họ lại không dám thừa nhận điều đó. Họ tự ti, mặc cảm và một số người thể hiện sĩ diện của mình bằng những cách khác, đôi khi rất tiêu cực như lấy quyền làm chồng để ra oai, đay nghiến vợ con… Trong hoàn cảnh đó, người vợ, dù đã phải bươn chải vẫn phải gánh vác hết việc nhà, chăm lo con cái, nên rất dễ bất mãn… Mâu thuẫn gia đình từ đó ngày càng căng thẳng. Như trường hợp vợ chồng chị Hà (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) là một điển hình. Chị Hà và chồng cùng học Đại học Y. Ra trường, anh về làm tại trung tâm y tế huyện, còn chị vào khoa phụ sản một bệnh viện tuyến dưới. Nhà chồng đông con, hoàn cảnh khó khăn nên sau đám cưới vợ chồng chị dọn về căn nhà do bố mẹ chị cho, ngay sát nơi ông bà ở. Cuộc sống vợ chồng chị ban đầu khá êm đẹp nhưng khi hai con lớn dần, số lương công chức ít ỏi của hai người không thấm vào đâu và những khúc mắc cũng lớn dần. Để tăng thu nhập, chị Hà theo học nâng cao và tranh thủ làm thêm ở vài phòng khám tư ngoài giờ. Trong khi đó, chồng chị về nhà là nằm khểnh đọc báo, xem TV, đợi vợ lo cơm nước. Thấy cảnh này, bố mẹ chị Hà vô cùng bực bội nên thỉnh thoảng cũng ca thán với hàng xóm rồi bóng gió nhắc con rể… Anh chồng thì nghĩ ông bà ngoại coi thường nên đổ bực tức nên đầu vợ. “Mình mệt mỏi vô cùng. Một bên là bố mẹ, lúc nào cũng rầu rĩ than “sao mày lại đâm đầu vào cái thằng vừa nghèo vừa xấu tính”, một bên là chồng, hơi tí là tự ái, giận dỗi”, chị Hà thổ lộ. Gần đây, sau một lần xích mích với bố mẹ vợ, chồng chị đòi ra ngoài ở, trả lại nhà cho ông bà. “Giờ lương hai vợ chồng chưa nổi chục triệu, mà tiền thuê nhà đã ngốn một nửa, còn hai con ăn học, làm sao lo nổi. Mình nhất quyết không đi thì anh ấy kêu giải tán. Mình thì chỉ thương con thôi…”, chị Hà thở dài. Bố mẹ chị cũng ủng hộ chuyện ly hôn nhưng chị còn băn khoăn vì biết hai đứa trẻ rất thương bố. Theo chuyên gia tư vấn Minh Hoa, sức ép kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình, tình cảm vợ chồng. Ai cũng biết tiền không mua được hạnh phúc, nhưng khi thiếu thốn, con người dễ bức bách, khó kiềm chế, và những câu nói đụng chạm có thể làm tổn thương nặng nề tới nhau, khó cứu vãn. Bà cho rằng, trong tình huống này, cả hai vợ chồng đều phải cố gắng điều chỉnh bản thân. Người vợ cần cư xử tế nhị, đừng để người đàn ông mang cảm giác họ là kẻ thất thế, đồng thời động viên, tạo điều kiện để bạn đời vươn lên. Về phía mình, người chồng cũng cần khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình bằng đạo đức, cách sống… Hai vợ chồng nên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, bộc lộ tế nhị khi có việc không vừa ý, đừng để dồn nén tạo thành quả bom nổ chậm. Theo nhà tâm lý, trong xã hội ngày nay, gánh nặng tài chính không nên dồn hết lên vai người đàn ông. Thực tế, cả hai vợ chồng có thể san sẻ cả việc nhà lẫn lo toan kinh tế, đồng thời động viên nhau những lúc sa cơ lỡ vận để tạo động lực phấn đấu. Kết quả một khảo sát gần đây của Vnexpress.net cũng cho thấy, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã ý thức rõ rệt điều này. Trong số hơn 1.400 người được hỏi, cứ 10 người thì có tới 6 người bày tỏ quan điểm trụ cột gia đình là cả hai vợ chồng, chứ không chỉ là trách nhiệm của đàn ông.
Nhà tâm lý Minh Hoa cho biết, thật ra, việc kiếm được nhiều tiền hay không đôi khi không chỉ phụ thuộc vào năng lực mà còn do tính cách, quan điểm sống của mỗi người. Có một số người không có ý chí tiến thủ, thích bình lặng. Về phía chị em, trước khi kết hôn cần tìm hiểu kỹ bạn đời, trong đó cân nhắc cả về yếu tố kinh tế, không phải về việc “nửa kia” có nhiều tài sản hay ít mà là xác định xem người đàn ông của mình có ý chí tiến thủ và nghị lực vượt khó khăn không, năng lực và chuyên môn của anh ta thế nào… bởi đó mới là những yếu tố bền vững quyết định tương lai của họ và cả của gia đình bạn. Vương Linh * Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
|
|||
|
(Theo vietbao)