Vượt cạn không chỉ là chuyện mang nặng đẻ đau, mà cuộc vượt cạn của mỗi đôi vợ chồng còn là vượt qua cuộc khủng hoảng tình cảm trong giai đoạn sinh nở, đòi hỏi cả hai phải cùng biết chuẩn bị chu đáo…
Lúc đó, anh Thế có cảm giác mình như một con rối dưới sự điều khiển của vợ, cũng tức lộn ruột nhưng vì biết vợ đang nguy cấp nên ráng nhịn. Xe chạy ra đường, vợ lại tiếp tục: “Trời ơi, đang gấp mà anh còn định mua đường thế à, sao không quẹo phải…”. Anh bực quá, phản pháo: “Em vừa phải thôi nha, anh đâu phải thằng ngu để em vặn này vặn kia!”. Vợ cãi: “Đưa vợ đi sinh mà anh còn vậy. Hết biết anh luôn”. Con chào đời, hai vợ chồng vẫn còn cắng đắng.
Khác với trường hợp anh Thế, vợ chồng anh Khoa (giáo viên) lại gây nhau vì chuyện nên mời bà nội hay bà ngoại đến giúp đỡ. Ý chồng là mời bà nội, vì bà đang rảnh, nhà lại gần, thuận tiện cho việc đi lại. Vợ nghe cũng xuôi xuôi, nhưng còn một tuần nữa là đến ngày lâm bồn, vợ bất ngờ đề nghị: “Anh mua vé máy bay cho mẹ em vô đi, sinh nở mà mẹ chồng giúp không tiện”. “Có gì đâu mà không tiện, con dâu cũng là con mà!”. “Anh không hiểu gì cả, không lẽ lúc em sinh, mẹ chồng đi làm vệ sinh cho con dâu?”. “Thì có sao đâu, mẹ anh sẵn sàng”. “Không được, em không chịu, anh đừng có mà gọi mẹ anh đến, em đi bệnh viện một mình”. Thấy vợ sắp sinh mà nổi nóng, anh Khoa đành chiều lòng, đón mẹ vợ vào nhưng lòng vẫn ấm ức.
Chưa hết, vừa đón con ở bệnh viện về, vợ anh lại bất ngờ tuyên bố: “Anh mua vé máy bay cho mẹ con em ra ngoại ở một thời gian. Bà nội nấu ăn, em không hợp, chỉ quen ăn đồ bà ngoại nấu”. Anh nổi điên: “Em quá đáng rồi đó, em ăn đồ mẹ anh nấu thì chết chắc? Bà nội đã nhiệt tình ở nhà mình, giúp đỡ đến như vậy rồi em còn chê ỏng chê eo. Không đi đâu cả”. Vợ anh vẫn luận điệu cũ: “Anh là đàn ông nên chẳng tâm lý gì cả. Em mới sinh còn yếu, không lẽ muốn có chậu nước ấm lau mặt lại đi sai mẹ chồng?”. “Thì có anh đây, em sai gì thì sai”. “Thôi, chả dám, anh có mà ngủ khì, quan tâm gì đến vợ con đâu”. Anh Khoa chịu không nổi, buông một câu: “Muốn đi đâu thì đi cho mất xác đi”. Thế là vợ bù lu bù loa: “Trời ơi, có người đàn ông nào như anh không? Vợ mới sinh đã bị đuổi khỏi nhà”. Anh nghẹn họng, hậm hực dắt xe đi nhậu.
Chị Thu Hằng, một người mẹ có kinh nghiệm hai lần sinh con chia sẻ: “Lần đầu tôi sinh, hai vợ chồng gây nhau cả tháng trời. Lần sinh thứ hai, tôi rút kinh nghiệm là muốn chồng giúp được mình, các bà vợ phải “dạy” họ từng li từng tí. Trước ngày sinh một tháng, tôi đã chỉ cho chồng biết cặn kẽ, dấu hiệu sinh là thế nào, sau khi vợ có dấu hiệu sinh sẽ đau thành từng đợt ra sao, từ lúc có dấu hiệu sinh đến lúc sinh là quãng thời gian dài, cứ bình tĩnh đến bệnh viện, không phải cuống quýt. Tôi còn tỉ tê thêm: tâm lý lúc sinh phụ nữ cảm giác cô đơn như thế nào, rất cần chồng thăm hỏi, an ủi ra sao. Ngày đầu sau khi sinh sẽ đau đớn thế nào, cần chồng phụ giúp gì, ngày thứ hai tình hình ra sao… Có dặn dò trước, mọi thứ khác hẳn. Theo tôi, lúc vợ sinh nở, không phải đàn ông tệ mà là do phụ nữ chưa biết cách giúp đàn ông thể hiện cái tốt của họ mà thôi”.
Cũng từng “loay hoay như gà mắc tóc” khi vợ sinh, anh Hùng Cường (ngụ P.4, Q.Gò Vấp) nghiệm ra rằng, lý do chính dẫn đến tình trạng hễ vợ lâm bồn vợ chồng lại cãi nhau vì người chồng chủ quan, xem nhẹ việc giúp vợ vượt cạn. Ông nào cũng nghĩ đơn giản, chuyện sinh nở đến ngày thì diễn ra, chủ yếu là do vợ cùng bà nội, bà ngoại lo. Vì nếp nghĩ đó nên ít người chịu khó để ý nghiên cứu “quy trình sinh nở”, dẫn đến lúng túng. Anh đúc kết kinh nghiệm: “Đàn bà vốn thiệt thòi hơn đàn ông ở chỗ phải mang nặng đẻ đau. Chính những lúc ấy, vợ lại càng cần có chồng đỡ đần. Mà vợ cần giúp gì, tốt nhất là phải nói ra. Việc này phải tìm hiểu từng ngày, mỗi ngày một chút, đến khi vợ sinh là vừa. Như lần trước, đến lúc vợ lâm bồn rồi mới hỏi em cần anh làm gì thì chỉ có rối”.
Các nhà tâm lý khẳng định, vợ chồng nào cũng bị một cơn khủng hoảng tình cảm, dù mức độ nặng nhẹ có khác nhau khi người vợ sinh con. Nguyên nhân do đa số các ông chồng không làm tròn bổn phận lúc vợ sinh, khiến vợ thất vọng, giận hờn. Trường hợp “nặng đô” hơn, người chồng thấy vợ cau có vì đau đớn, mệt mỏi, nhà lại bừa bộn cùng tiếng khóc oe oe của trẻ con, đã bỏ đi nhậu. Người vợ mang tâm lý mình đã chịu thiệt thòi vì mang nặng đẻ đau, giờ chồng lại bỏ mặc đi chơi, tình cảm càng thêm khủng hoảng.
Chị Ngô Lan Thúy (giảng viên một trường đại học tại TP.HCM) đúc kết: “Theo tôi, trong kế hoạch sinh nở, vợ chồng sẽ thống nhất với nhau một số điểm (như lúc vợ sinh, bà nội hay bà ngoại đến trông; sinh xong đưa về nhà nội hay nhà ngoại; sinh ở bệnh viện nào; chi phí cho việc sinh nở ra sao…). Kế hoạch đó cần vạch ra cụ thể cho người chồng biết những việc mình cần làm khi vợ sinh… Dĩ nhiên phải có những chi tiết “mềm” như: chồng phải thường xuyên vào buồng ngó ngàng, chăm sóc con, tranh thủ trò chuyện với vợ, vui vẻ khi giặt đồ cho hai mẹ con…”.
(Theo GiadinhNet)