Vợ chồng tôi gặp nhau muộn màng. Anh theo cách mạng từ năm 16 tuổi. Sau ngày giải phóng, chúng tôi gặp nhau khi anh đi học ở Hà Nội. Cưới nhau xong, tôi theo anh vào TPHCM sinh sống. Năm 1982, tôi sinh nó.
Hình chỉ có tính chất minh họa.
Cú sốc xảy ra khi nó rớt đại học. Trong thời gian chờ thi lại, nó đi học võ. Ở đó, nó đã gặp và yêu vợ nó bây giờ. Thật lòng chúng tôi không đồng ý với mối tình này vì con tôi còn quá trẻ. Chỉ mới 18 tuổi.
Nó “lậm” con bé ấy đến nỗi nhất quyết không ôn thi đại học mà chọn vào học cao đẳng. “Con phải có nghề nghiệp để lo cho vợ con của con sau này. Con không muốn ba mẹ phải lo”- nó lý giải như vậy về việc chọn học Cao đẳng Công nghiệp IV (Đại học Công nghiệp bây giờ). Không cản được con, chúng tôi đành chấp nhận và thầm mong, thời gian qua đi, nó sẽ trưởng thành và nhìn nhận mọi việc một cách chín chắn hơn.
Tuy nhiên hơn 2 năm học cao đẳng, nó vẫn chỉ yêu một người. “Con nghĩ kỹ đi. Ba mẹ không khắt khe nhưng gia đình con bé quá khác biệt với gia đình mình. Ba không phân biệt nhưng một gia đình mà cả cha và mẹ đề bài bạc đến nỗi phải bán cả nhà cửa đi ở nhà thuê, con cái thì không được học hành… Cái nền tảng giáo dục của gia đình ấy có vấn đề…”- chồng tôi nói như van xin con. Nhưng nó gạt đi: “Ba mẹ không hiểu hết người ta thì đừng nói này nọ. Nếu ba mẹ không đồng ý, chúng con sẽ tự lo”. Nó “tự lo” bằng cách yêu cầu chồng tôi lo cho nó đi xuất khẩu lao động ở Nhật sau khi ra trường. Tôi ủng hộ vì nghĩ rằng, xa mặt thì cách lòng, biết đâu nó sẽ quên được.
Hơn 2 năm nó ở Nhật, hằng tháng, nó gởi tiền về chỉ vừa đủ để chúng tôi trả số nợ đã vay ngân hàng đặt cọc cho nó đi. Số còn lại, nó gởi về cho cô người yêu. Lý lẽ nó đưa ra là “để cho người ta đi học”. Tôi chẳng biết cô gái ấy đi học gì mà đến khi con tôi phải trở về trước hạn do tình hình kinh tế Nhật Bản khó khăn thì cô ta vẫn không có nghề ngỗng gì. Còn chúng tôi phải rút hết tiền tiết kiệm để trả nợ ngân hàng.
Con tôi về nước sau một thời gian lông bông thì xin vào làm ở công ty truyền thông. Công việc ở bộ phận đường dây rất nặng nhọc. Từ ngày nó đi làm, tôi rất lo lắng. Mình chỉ có một thằng con trai duy nhất, lỡ nó có chuyện gì thì biết làm sao? Nhưng ý nó đã quyết thì không cách gì lay chuyển.
Rồi nó đòi cưới vợ. Chồng tôi nhất quyết không đồng ý “làm sui với đám ấy”. Tuy nhiên, vì thương con, tôi đã năn nỉ anh hết lời. Anh chấp nhận với điều kiện: “Tôi chỉ lo đám cưới rồi hai đứa dắt nhau đi đâu đó thì dắt, tôi không chứa trong nhà”.
Đám cưới vẫn được tiến hành chu đáo. Buổi sáng khi đi rước dâu, chúng tôi vô cùng hổ thẹn. Khi nhà trai qua, nhà gái không có cả bàn nước để tiếp khách.
Đám cưới xong, con tôi về ở bên vợ. Được chừng 1 tháng thì chúng ra thuê nhà ở riêng. Thỉnh thoảng cuối tuần chúng lại về chơi. Là một người mẹ, làm sao tôi có thể thờ ơ với núm ruột của mình? Thấy chúng về, tôi lại lăng xăng chuẩn bị nấu nướng mọi thứ cho chúng ăn, sau đó còn chuẩn bị để chúng mang về. Lúc nào nhớ con, tôi lại lén chồng đi thăm.
Đến dịp Tết vừa rồi là chúng nó cưới nhau được 4 tháng. Nghe con hứa về đón giao thừa, tôi cứ chờ mãi nhưng không thấy. Sốt ruột tôi gọi thì máy không liên lạc được. Sáng mùng một, con trai tôi về một mình. Cháu phân bua: “Hôm qua con nhậu với mấy thằng bạn nên xỉn quá không về được”. Không thấy con dâu, tôi hỏi thì nó nói vợ nó về ngoại. Dù rất buồn lòng nhưng tôi cố dằn, không nói ra.
Khoảng 1 tháng sau, con tôi lại về trong bộ dạng say khướt. Khi lau mặt cho con, tôi thấy mặt nó bầm tím thì phát hoảng. Lúc nó tỉnh rượu, tôi hỏi thì nó bảo bị té xe. Tôi không tin vì té xe sao mình mẩy đầy những vết cào xước. Tôi tra hỏi mãi nó mới khai thiệt: “Vợ con đánh con đó. Nó giận vì con không đưa tiền…”. Chỉ nói vậy rồi con tôi ôm đầu gục mặt.
Từ hôm đó nó về nhà thường xuyên hơn. Tôi biết vợ chồng chúng gây gổ nhưng nghĩ có lẽ cũng không đến nỗi nào. Tôi gọi điện cho con dâu hỏi nó tại sao lại đánh chồng ra nông nỗi, nó trả lời tỉnh queo: “Tụi con chỉ giỡn thôi mà mẹ”. Tôi biết con dâu tôi có võ, nhưng thằng con tôi cũng đâu có kém cạnh? Lỡ nó nổi khùng ra tay thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Cho đến một ngày, thằng con tôi về ở hẳn. Tôi dò hỏi thì nó bảo: “Tụi con ly dị. Con đã gởi đơn ra tòa quận 3”. Thú thật, vợ chồng tôi nghe tin này thì mừng nhiều hơn lo. Dù sao thì chúng nó cũng chưa có con cái, bỏ nhau bây giờ cũng dễ dàng. Hôm đó, thằng con tôi mới nói hết mọi chuyện: “Sau đám cưới, vợ con bắt phải dẫn cả nhà cô ấy đi du lịch nước ngoài. Toàn bộ số tiền mừng cưới hơn 200 triệu phải tiêu hết. Khi con có vẻ không vui thì cô ấy bảo, tiền đó là tiền xui xẻo, phải xài cho hết”.
Vậy là số tiền chúng tôi cho con để làm vốn đã mất hết. Nhưng chưa hết. “Còn phần tiền con đi Nhật gởi về, giờ hỏi ra cũng không còn đồng nào. Con hỏi thì cô ấy không nói nhưng con biết là đã đánh bài thua hết. Mẹ coi, giờ chỉ có mình con đi làm, lương tháng 4-5 triệu, con đưa cho vợ con hết, chỉ giữ lại một ít uống cà phê, vậy mà nó vẫn chưa vừa lòng. Cứ vài hôm lại hỏi tiền, không có tiền đưa thì nó đánh con. Mà nó lại nhậu nữa. Hôm nào nhậu xỉn về là đạp con xuống đất. Mẹ coi nè…”.
Thằng con tôi quả là thật thà. Nó không nghĩ, những câu chuyện của nó; những vết bầm, vết cào cấu trên người nó là những vết dao cứa vào trái tim chúng tôi. Nhưng thôi, giờ tụi nó đã ly dị thì coi như hết nợ…
Ngày ra tòa hòa giải, con dâu tôi thấy mặt ba mẹ chồng mà chẳng buồn chào hỏi. Hòa giải lần đầu không thành. Chúng tôi rất mừng vì thấy thái độ cứng rắn của thằng con.
Sau đó ít hôm, con dâu tôi tìm đến nhà. Tôi không cho vào. Nó quỳ ngoài cửa mấy tiếng đồng hồ khóc lóc lạy lục xin tôi cho vào để gặp chồng nó lần cuối. Tôi xiêu lòng mở cửa cho chúng gặp nhau. Lấy lý do ở nhà bất tiện, hai đứa xin phép chở nhau ra ngoài. Chúng đi được gần 2 tiếng đồng hồ thì thằng con tôi về với mặt mày thâm tím. “Vợ con năn nỉ, khóc lóc, van xin nhưng con vẫn nhất quyết không chịu rút đơn. Nó không nói gì nữa, chờ lúc con đi vệ sinh, nó theo vào đánh con. Mẹ coi, nó nắm đầu con đập vô bồn rửa mặt nên mới bị như vầy…”- thằng con tôi vừa nhăn nhó, vừa kể.
Đến lúc này thì tôi tin là thằng con tôi bị tâm thần. Cả đêm đó tôi khóc. Ngồi nhìn con ngủ với khuôn mặt sưng húp, tôi chỉ muốn lôi cổ con dâu về đập nó một trận cho hả lòng…
Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ cuối cùng. Mấy hôm sau, con tôi lại dọn quần áo về ở với vợ và thông báo với chúng tôi: “Con đã rút đơn ly dị rồi”. Chồng tôi vừa nghe tin thì lẳng lặng đi lấy thuốc uống.
Từ ngày thằng con biết yêu rồi đòi cưới vợ, anh đã phải uống thuốc hạ huyết áp mỗi ngày… Đúng là thằng con tôi điên tình. Tôi thật sự không biết mình đã gieo nợ gì mà bây giờ phải gánh chịu hậu quả như vậy. Tôi chỉ có một thằng con. Có phải khi không chấp nhận cuộc hôn nhân của con, khi bắt nó phải theo về ở bên nhà vợ là chúng tôi đã đẩy con vào hang hùm?
Theo Minh An
NLĐ
(Theo dantri)