Mồ côi trong tâm tưởng
Một bé 30 tháng tuổi được cha mẹ đưa đến đơn vị tâm lý khám vì bé hay giật mình, khóc thét trong khi ngủ. Hỏi bệnh sử, cha mẹ cho biết vì cả hai người đều bận việc, nên vừa đầy tháng bé đã được gửi cho người nuôi trẻ. Cha mẹ gặp bé mỗi ngày một lần trong vòng một giờ, bé ngủ thì cha mẹ trở về nhà trọ và bé chỉ được sống với cha mẹ hai ngày cuối tuần. Trong phòng khám, bé từ chối chơi với các đồ chơi mà ngồi trên đùi mẹ, hai tay bám chặt thân mẹ, như để bù lại những ngày thiếu hơi ấm.
Một trẻ khác mười tuổi, được mẹ đưa đến khám vì có những hành vi hung hăng, hiếu động, khó khăn trong học tập. Đây là một trẻ thông minh, nói chuyện một cách cởi mở: “Thưa bác sĩ, con bị chấn thương tâm lý từ nhỏ. Lúc con được ba tuổi, mẹ đi vắng, con khóc vì nhớ mẹ, và bị bố vứt ra ngoài sân. Con không nhớ phải khóc bao lâu cho đến khi mẹ về. Khi con nhức đầu, khó tập trung học tập, thì bố đánh con và quyết định gửi con đến một tỉnh xa ở với người bác. Bác đã dạy con lớn lên bằng những trận đòn dã man để ép con học. Không bao giờ bố hỏi con về những đau khổ để nâng đỡ, giúp con vượt qua những khó khăn, mà chỉ chửi mắng, đánh đập con. Con rất hận bố và không muốn sống trong gia đình nữa”.
Tại sao trẻ thấy cô đơn?
Có thể do các nguyên nhân sau: cha mẹ làm nhiều việc ngoài xã hội để tăng thu nhập trong gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong đời sống hiện đại; trong các thành phố lớn, càng ngày càng có nhiều gia đình “hạt nhân” chỉ gồm hai thế hệ là cha mẹ và con cái; mỗi gia đình chỉ có một đến hai con; trẻ được giao cho vú nuôi và được xem truyền hình, băng đĩa rất sớm, thay thế cho sự vuốt ve, ôm ấp, giọng nói dịu dàng của mẹ giúp trẻ phát triển cảm xúc và ngôn ngữ.
Trẻ cô đơn có thể lãnh nhận những hậu quả sau:
Ở trẻ nhũ nhi: rối loạn ăn uống (từ chối bú, nôn ói), rối loạn giấc ngủ (khóc đêm, giật mình), dễ bị nhiễm khuẩn (viêm hô hấp, tiêu chảy) do stress gây suy giảm hệ thống miễn dịch.
Ở trẻ 3 – 5 tuổi: có dấu hiệu thoái lùi như ngưng nói mặc dù trước đó đã biết nói, hiếu động, kém tập trung.
Ở trẻ 6 – 10 tuổi: khó học tập vì kém trí nhớ, thiếu ngủ, ác mộng, mộng du.
Ở trẻ vị thành niên: say mê chơi game trên vi tính, tiếp cận internet, ghiền “chat”, kết bạn trong thế giới ảo để có bạn tâm sự, hoặc tập hút thuốc lá, uống rượu, dùng ma tuý, trầm cảm…
Cha mẹ nên làm gì?
Phân phối thời gian hợp lý giữa công việc ngoài xã hội và trong gia đình. Mối quan hệ mẹ – con trong năm đầu đời là rất quan trọng cho sự phát triển cảm xúc của trẻ. Không mang việc cơ quan về nhà để có giờ giao tiếp với trẻ. Tránh đưa stress ngoài xã hội về gây căng thẳng trong gia đình.
Vợ chồng nên chia sẻ công việc trong nhà và kêu gọi sự tham gia của con cái như cùng chuẩn bị bữa ăn tối và ăn chung với nhau. Nếu cha mẹ đi công tác xa thì giải thích cho trẻ biết, ghi trên lịch, và cố gắng liên hệ với trẻ qua điện thoại hay email cho trẻ an tâm học tập chờ cha mẹ trở về. Trong những ngày kỷ niệm của gia đình như sinh nhật, ngày của cha – mẹ, tết thiếu nhi… cố gắng sum họp để có những giây phút hạnh phúc bên nhau.
Trẻ hình thành nhân cách nhờ gương sống của cha mẹ, nên phải cố dành thời giờ lắng nghe trẻ tâm sự những buồn vui trong ngày, động viên, nâng đỡ trẻ tìm giải pháp cho các vấn đề để trưởng thành trong nhân cách.
BS Phạm Ngọc Thanh
(trưởng đơn vị tâm lý,
bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Theo SGTT