Anh Quân mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì vợ bắt chọn: Hoặc là anh bỏ hết bạn bè, ở nhà với vợ con hoặc là ra tòa ly hôn.
Bây giờ, dù ở bên ngoại, vợ anh vẫn tiếp tục gây sức ép cho chồng: “Một là sang đón 2 mẹ con, hai là bỏ nhau, anh chọn đi” khiến anh Quân càng rối trí. Cũng định bụng sẽ đi đón vợ con nhưng cứ liên tục bị vợ bắt chọn “1 trong 2” khiến anh ấm ức. Thế nên, anh vẫn cương quyết chưa đi đón vợ.
Còn anh Dũng (Bình Dương) cũng chung tâm trạng. Vừa làm cho một nhà máy liên doanh, vừa tranh thủ làm thêm bên ngoài, anh Dũng bận bịu tối ngày. Ngày nào cũng vậy, rất ít khi anh Dũng ăn cơm nhà. Anh cũng chẳng có thời gian để ý đến vợ vui – buồn ra sao, con trai đau ốm thế nào… Tưởng được vợ cảm thông, anh dồn hết sức lực và tâm trí vào công việc. Nào ngờ, ngày hôm qua, vợ anh bỏ lại mảnh giấy ghi: “Anh bỏ việc làm thêm để cùng em chăm con. Không thì chia tay. Em mệt mỏi lắm rồi. Sống thế này thì có chồng cũng như không thôi”. Vợ anh đã đưa con về ông bà ngoại, nói dối là vì anh đi công tác một thời gian.
Anh Dũng lập tức gọi điện cho vợ, bảo đưa con về rồi từ từ nói chuyện. Nhưng vợ anh lạnh lùng nói “không”. Công việc làm thêm đang thuận lợi, anh Dũng tiếc vì mình vừa có năng lực, vừa có cơ hội, sao không cố gắng kiếm tiền nên không bỏ. Trong khi đó, vợ anh vẫn liên tục ra sức ép với anh.
‘Được ăn cả, ngã về không’
Những trường hợp “khủng bố” tinh thần chồng thế này, người vợ phải xác định “một là được, hai là mất”. Tức là có khi người chồng sẽ “tuân phục” vợ nhưng cũng có thể người chồng không chấp nhận được nên làm căng: “Muốn ly hôn thì ly hôn”. Khi hai đầu cùng căng thì tất nhiên, hạnh phúc sẽ đứt. Tất nhiên, người vợ khi gây sức ép cho chồng là chỉ muốn chồng đứng về phía mình, chứ không ai mong muốn một kết cục là chia tay cả.