ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
“Điều kiện ngoại cảnh”
Tuesday, October 18, 2011 10:19
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nếu không may bạn bị những “điều kiện ngoại cảnh” tiêu cực chi phối cuộc sống khiến hạnh phúc lung lay, bạn sẽ làm gì?

Thay đổi được những điều kiện đó không dễ, vậy thì “sống chung” với nó được không?
 
1. Vẻ hoạt bát, hài hước thường ngày của Hiếu biến đâu mất. Trước mặt tôi là một người đàn ông 35 tuổi, mặt ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Uống cạn cốc bia, mắt Hiếu rưng rưng. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy một người luôn tự tin như hắn ngấn lệ. Giọng Hiếu khàn đục: “Anh à, em không ngờ có ngày em phải đi làm cái chuyện dở hơi là kiểm tra điện thoại của vợ để lấy chứng cứ đánh ghen. Vợ đi ra ngoài về là phải tra hỏi, rồi cãi nhau. Anh là đàn ông, anh hiểu bị cắm sừng tổn thương thế nào mà…”.

Vợ chồng Hiếu từng là “cặp đôi hoàn hảo” thời đại học, được nhiều người ngưỡng mộ. Ra trường dăm năm, chồng đã là phó giám đốc một công ty tài chính, vợ là chủ một đại lý bán vé máy bay. Làm ăn phất lên, công việc của cả hai càng nhiều hơn. Hiếu đi nước ngoài như đi chợ, vợ Hiếu cũng rối mù với công việc ở phòng vé, lại còn đủ thứ dự án bất động sản, chuyện nhà cửa giao hết cho người giúp việc. Hai vợ chồng còn thuê hẳn một người chuyên đưa đón đứa con năm tuổi đi học. Từ lâu, việc vợ tự tay nấu một bữa ăn cho chồng là chuyện xa vời. Một năm, những dịp chồng chủ động sắp xếp đưa vợ đi ăn chỉ là dịp sinh nhật, lễ tình nhân, ngày 8/3. Có lúc, anh thuê hẳn một đơn vị tổ chức sự kiện để tạo một lễ kỷ niệm hoành tráng, ồn ào cho vợ nở mày nở mặt. Nhưng, tất cả chỉ là “giải quyết khâu oai”, chứ tình cảm cứ nguội dần. Có lần, bạn bè nhắc khéo: “Vợ chồng mày ai lo việc nấy như vậy, dễ xa nhau lắm đó!”. Hiếu tự tin: “Vợ tui, chỉ có mình tui là chinh phục được, chấp hết”.

Tôi nhớ có lần Hiếu nhẩm tính: một ngày 24 tiếng đồng hồ, tính trung bình lo cho công việc 10 tiếng, nhậu nhẹt, giao tiếp với các mối quan hệ bốn tiếng, thời gian di chuyển ngoài đường hai tiếng, ngủ bảy tiếng, gặp vợ con được có một tiếng. Nhưng, trong một tiếng ít ỏi đó, thời gian xem tivi, đọc báo, vệ sinh cá nhân… đã ngốn gần hết. Nhẩm tính xong, hắn tếu táo: “Có khi em quên cả nét mặt vợ”.

Mới đây, Hiếu như bị sét đánh khi chính mắt hắn thấy vợ ôm eo một người đàn ông khác ngoài đường. Sau khi bị tra vấn, vợ Hiếu mới nhả ra được một câu: “Cuộc sống căng thẳng, ngột ngạt quá, em chỉ tìm một chỗ dựa tinh thần thôi. Người đó là tri kỷ chứ chả nhân tình nhân ngãi gì cả”. Mặc Hiếu làm ầm ĩ, đòi gặp mặt người đó để ba mặt một lời, đòi vợ phải xin lỗi… Nhưng tất cả cũng chẳng giải quyết được vấn đề, bởi cái cần nhất là lấy lại được tình cảm của vợ, Hiếu lại bế tắc. Hiếu chia sẻ: “Em cứ tưởng mình hết mình vì gia đình, lo cho vợ con sống khá giả là được. Giờ em hiểu cuộc sống không đơn giản như vậy. Có lần, vợ em đề nghị cả hai thay đổi công việc để có thời gian cho nhau nhiều hơn, em đã tưởng đó là câu nói đùa nên phớt lờ. Gần đây, em bỏ hết công việc để về nhà chăm lo cho vợ con nhiều hơn, nhưng cứ thấy vợ giấu giấu diếm diếm điện thoại di động vì sợ chồng xem thấy tin nhắn, là em lại muốn trào máu. Nhắc đến chuyện ly hôn, cô ấy lạnh như băng bảo: “Nếu không còn cách nào khác thì chia tay thôi”. Chẳng lẽ đã không còn có thể cứu vãn được?”. Tôi nghe chuyện, chỉ có thể động viên được một câu “còn nước còn tát, hãy cố cứu vãn”…

2. Gia đình nghèo, vợ chồng Nhật phấn đấu mãi mới mua được căn nhà 20m2 ở Q.Gò Vấp. Phòng khách nhỏ, chỉ đủ cho bộ bàn ghế và hai chiếc xe máy. Bên cạnh gian bếp, Nhật tận dụng làm hai phòng ngủ nhỏ xíu, ngăn bằng tấm ván ép mong manh. Một phòng cho hai vợ chồng và đứa con ba tuổi, một cho mẹ vợ. Có lần ghé chơi, tôi thấy lo giùm cho Nhật, anh chàng gãi đầu: “Khổ lắm anh à, “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” hết trơn hà, rất khó cho việc đó, phải tranh thủ dữ lắm”. Bạn bè biết chuyện, ghẹo Nhật: “Mỗi lần cần thì đưa đĩa cho mẹ vợ đi mua nước mắm phải không? Dặn mẹ cứ đi từ từ kẻo đổ”!

Nhưng đó không chỉ là chuyện đùa. Mới đây, Nhật than: “Mẹ vợ sức khỏe yếu, ít ra khỏi nhà. Vợ chồng em thì gặp nhau ở nhà là chính, có nhà chẳng lẽ lại đi thuê nhà nghỉ? Vì vậy, em lúc nào cũng thấy “đói”, còn vợ thì hình như ít được đụng chạm nên giống như lãnh cảm luôn. Tình cảm cứ lạnh dần”. “Sao không tìm cách rước mẹ vợ đi chỗ khác? Đưa cụ về quê hợp hơn chăng” – tôi gợi. Nhật tỏ vẻ đau khổ: “Vợ em khăng khăng không chịu. Cô ấy nói, mẹ đã khổ cả đời rồi, muốn mẹ ở đây để được tự tay chăm sóc”.
 
Có lần, Nhật quanh co đề nghị việc đưa mẹ vợ về quê, liền bị vợ quy tội “con rể đối xử tệ với mẹ vợ”. Căng quá, Nhật bảo, hay là bán nhà này đi, ra ngoại thành mua nhà khác rộng hơn? Vợ không hiểu ý, lại bảo Nhật “đàn ông gì mà tệ, chỉ vì cái ham muốn xác thịt vớ vẩn mà đòi bán nhà”. Hai vợ chồng loay hoay cự nự nhau liên tục.

Thấy bạn bè “gặp nạn”, đôi lúc tôi cũng khuyên này khuyên nọ, nhưng chính tôi cũng đang dính vào cái vụ “điều kiện ngoại cảnh”. Tôi là công chức nhà nước, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Vợ tôi là nhân viên phục vụ hành khách trong sân bay, đổi ca liên tục, chủ yếu lại là làm ca đêm nên cả hai như mặt trời – mặt trăng.

Tôi vốn không thích nấu ăn cho lắm, nhưng rơi vào thế phải làm chồng đảm. Câu quen thuộc mà tôi thường nghe trong điện thoại là: “Anh nấu cơm xong chưa? Con có ăn hết không? Anh ủi giùm em bộ áo dài”. Mấy cái chuyện lặt vặt đó tôi làm loáng cái là xong và cũng đã quen việc, nhưng dần dà, tôi cứ bị cái ý nghĩ “có vợ cũng như không” ám ảnh trong đầu.

Có hôm đổi ca, vợ chồng được “đoàn tụ”, tôi lại nghĩ đến những ngày vợ vô ca mới mà nặng lòng. Vợ chẳng hiểu, mắng xơi xơi: “Lâu lâu gặp vợ mà mặt nặng mày nhẹ thế? Hâm à”. Tôi thả luôn một câu: “Cứ cái đà này thì cũng hâm luôn chứ làm sao chịu nổi”. “Có gì đâu mà anh không chịu nổi? Em đi làm vất vả không than thì thôi, anh than gì?”. “Nhưng làm việc lệch giờ thế này, anh thấy không ổn”. “Ai cũng đi làm giờ hành chính như anh, lấy ai phục vụ cho những công việc ngoài giờ?”. “Ờ, thì… kệ họ, mình lo phận mình đi” – đuối lý, tôi quăng ra một câu lãng nhách.

“Ngoại cảnh” kéo dài, tôi thực sự có cảm giác không ổn. Cứ mỗi lần thấy vợ trang điểm đậm để đi làm là trong đầu tôi bắt đầu tưởng tượng đủ thứ linh tinh, ghen tuông vớ vẩn. Tôi chỉ sợ vợ mình làm việc cực nhọc đêm hôm, lỡ có một đồng nghiệp nào đó chăm sóc, an ủi! Về nhà, không được gặp chồng để tâm sự, lên cơ quan biết đâu cô ấy lại trút bầu tâm sự với người khác?

Một ngày, tôi hùng dũng: “Em phải chuyển công việc. Làm lệch giờ với nhau như vậy dễ mất hạnh phúc lắm”. Vợ tôi tròn xoe mắt. Tôi khẳng định: “Để có được hạnh phúc, phải đánh đổi công việc thôi. Không lẽ anh đi xin việc làm ban đêm để cùng giờ với em, rồi gặp nhau ban ngày? Mà tìm cũng chẳng có. Em tìm việc làm giờ hành chính sẽ tiện hơn”. Vợ tôi đánh đố: “Anh ngon thì đi tìm việc cho em đi, em cũng có muốn làm công việc đêm hôm vất vả thế này đâu”. “Được rồi, anh sẽ tìm” – tôi khẳng định!

Nói là nói thế nhưng ai cũng biết, để thay đổi một công việc mới không đơn giản. Các bạn tôi, như Hiếu và Nhật cũng vậy. Hiếu đã là người quản lý doanh nghiệp, phải chấp nhận bị cuốn theo guồng quay khốc liệt của công việc, bỏ việc tức là đi làm anh nhân viên từ đầu, chịu nổi không? Còn Nhật, mua được căn nhà nhỏ đã là nỗ lực ngoài sức tưởng tượng, đâu dễ gì đổi nhà. Đó là chưa kể, thuyết phục được vợ chấp nhận là một việc khó như dời cả quả núi!

Mới đây, cả ba chúng tôi đưa chuyện “điều kiện ngoại cảnh” này ra bàn và cùng thống nhất một quan điểm: ai cũng có “điều kiện ngoại cảnh” nào đó chi phối hạnh phúc gia đình. May thì bị ít, xui thì dính nhiều. Nhưng suy cho cùng, những điều kiện đó ta đều có thể làm chủ được. Nếu khi mới về với nhau mà tỉnh táo để loại bỏ bớt thì sẽ hạn chế tốt. Còn lỡ lâm vô “hoàn cảnh” nghiêm trọng rồi thì phải cố tìm cách thay đổi từng chút một theo từng ngày. Nếu mỗi người chịu cố gắng, sẽ hạn chế được sự chi phối của ngoại cảnh để chờ thời cơ thích hợp mà thay đổi hẳn. Vấn đề là mỗi người quyết tâm đến đâu thôi! 
Theo Dũng Văn
PNO

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.