Thời buổi này chịu khó AQ một chút như trong tác phẩm của Lỗ Tấn cũng có cái hay! Ví dụ nhé:
2. Đợt này anh trai em mở công ty, cần chồng em đến hỗ trợ việc nghiên cứu sản phẩm mới mà anh vốn mê mải, thích làm từ thời sinh viên, song chưa có dịp đi vào thực tế sản xuất. Cứ hết giờ công ty chính, anh lại đến xưởng của anh em, cần mẫn khuya mới về. Em mà không biết AQ, chắc sẽ tủi thân mà khóc đến hết đêm vì sợ ma mất. Cô nhà đối diện còn thấy thương em nữa là. Nhưng rồi em lại ôm con và nhắc mình tự tin lên, hãy tạo điều kiện cho chồng thực hiện ước mơ. Vì tương lai con em chúng ta, khối người còn chả có việc mà làm kìa. Đọc sách, hiền nhân chẳng vẫn dạy, “con thỏ khôn ngoan phải có ba hang”. Vợ chồng nhát như thỏ đế nhà em đủ ba cái hang rồi!
3. Bạn em chẹp miệng, xót con em đi lớp sớm quá, tội nhỉ. Bạn ấy vô tư chạm vào nỗi đau của em khi sống xa quê, đi ở trọ, chẳng có ông bà ở bên đỡ đần, những khi con ốm phải chạy long tóc gáy, hai vợ chồng thay nhau chăm con. Nhưng rồi em lại AQ, con nhà em đi lớp lúc mười sáu tháng nên giờ cực nề nếp, quy củ, mười tám tháng biết gọi bô khi đi tiêu, đi tiểu biết tự cởi quần, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, tự xúc được cơm và hát líu lô suốt ngày, vui ơi là vui. Vợ chồng em tự hào khi con mang đậm dấu ấn giáo dục của hai vợ chồng, không chịu sự chi phối của bất kỳ ai. Thế là đủ thấy mình sung sướng lắm rồi.
Còn bạn ấy, chả được chồng nấu cơm, rửa bát đỡ đần hôm nào. Ở cùng bố mẹ chồng ít khi được dạy con, làm gì cũng phải lựa ý họ. Sống trong bản hợp ca ấy rất dễ dẫn đến không thống nhất, nhỡ ra trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, sáo lại chẳng xuôi, chẳng ngược thì… Như bạn còn tù túng và khổ hơn, vậy mới hay không có gì quý hơn độc lập tự do. Vất tí thôi, vất thế chứ vất nữa em cũng vẫn AQ được.
4. Thi thoảng gặp phải thể loại gắt mắm tôm đầu đường xó chợ, muốn chửi, em lại chửi (thầm) hoặc tự nhủ: “Nó trừ mình ra, chứ mắng mình khác gì tát vào mặt mẹ nó”, “Chắc tay dở hơi vừa bị trượt lô, khổ thân, đáng đời, chả được mãn nguyện với cuộc sống như mình nên mặt lúc nào cũng khó đăm đăm”.
5. Hàng xóm nhà em không biết trong người khó ăn khó ở thế nào mà dạo này rất chi là hay cạnh khóe, moi móc và bắt nạt em. Nếu chỉ số AQ thấp hẳn em đã ngồi mòn mỏi mà bán “than”, khéo còn tính nước chuyển đi chỗ khác cho yên thân. Nhưng không, em vẫn nhẫn nại AQ, tự nhủ phải cầu tiến, tự trách mình lần sau chú ý cố gắng “Tránh trâu chẳng xấu mặt nào”. Hay những lúc chán nản với họ quá thì lại lẩm bẩm: “Tội nghiệp con bé mồm cá ngão, chắc vừa bị mẹ chồng mắng hoặc chồng đá đít nên sinh ra ăn nói nhăng cuội. May quá mình chưa bị ăn mắng và bị đánh bao giờ”.
Thế là quá sướng rồi, còn ai hơn mình nữa đây?
Hậu bối của AQ
(Theo dantri)