ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
‘Méo mặt’ vì con cái đua nhau… báo hiếu
Wednesday, November 9, 2011 7:17
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Đã ngoài 70 nhưng Tết này, ông bà Tuyển sẽ phải chạy long sòng sọc vào Nam ra Bắc để con nào cũng được phần chăm sóc song thân.

Chịu khó đẻ, chịu khó nuôi nên đến tuổi cổ lai hy, ông bà Tuyển mát mặt với 5 đứa con đều ăn nên làm ra, tất cả đều muốn chứng tỏ mình là người hiếu thảo.

Con thảo, bố mẹ “chạy sô” mệt đứt hơi

Chân ướt chân ráo trở về Đà Nẵng sau một tháng vào Vũng Tàu cho cô con gái cả phục vụ, ông bà Tuyển chưa kịp lại sức thì cô út ở Hà Nội đã gọi điện giục bố mẹ ra chơi. Trước đó cũng đã trải qua mấy chuyến đi đường dài, nào hội lớp với các bạn cũ ở TP HCM, nào gặp gỡ bạn chiến đấu ở Quảng Trị… nên ông bà khá mệt, “khất” con gái tháng ba năm tới. Thế là con gái vùng vằng: “Bố mẹ đi khắp nơi không sao, bảo ra với con thì mệt. Năm ngoái đến giờ bố mẹ đến nhà chị ba lần rồi, mà không thèm ra nhà con lấy một lần”. Rồi cô kể một lô một lốc “tiền sử” thiên vị của bố mẹ từ mấy chục năm trước, khi chị cô xin mua cái cặp mới thì được ngay, còn cô xin thì “cặp của chị còn tốt, cứ dùng đã”…

Ông Tuyển đầu hàng: “Được rồi được rồi, cho bố mẹ nghỉ tí đã”. “Con cho bố mẹ nghỉ hẳn ba tháng, Tết ra Hà Nội ăn Tết với con”. Ông bà đồng ý. Không ngờ, cái gật đầu này lại làm mấy ông con trai ấm ức: “Tết sao ông bà lại bỏ con trai với cả lũ cháu nội được?”. Điện thoại qua điện thoại lại với nhiều giận dỗi, hờn mát, cuối cùng mấy đứa con quyết định đem bố mẹ ra  “chia phần” như sau: Ông bà sẽ ra Hà Nội một tuần, đến mùng 2 Tết thì về nhà con cả ở Đà Nẵng. Hỏi sao chúng mày không tụ tập hết ở cả Đà Nẵng, vừa được gặp bố mẹ mà bố mẹ khỏi đi lại thì con gái bảo gặp là một chuyện, cái chính là được phục dịch, chăm sóc bố mẹ trong chính nhà mình, hay các anh chị ra hết Hà Nội ăn Tết? Các con trai bảo điên à, làm gì có chuyện anh trai phải đến ăn Tết nhà em gái, phải ngược lại mới đúng…

Tóm lại là Tết này, ông bà Tuyển vẫn phải “chạy long sòng sọc” để con nào cũng được phần chăm sóc song thân.

Cuộc chiến dâu rể

Ông Thành đang nhấm nháp chén rượu mà rể cả biếu với lời dặn “bố cứ yên tâm mà uống, rượu nếp cái hoa vàng chính hiệu làng Vân, con phải đặt mới có đấy” thì rể hai đã đặt trước mặt ông chai rượu ngoại: “Bố uống rượu cuốc lủi làm gì, nhiều chất độc, hại người lắm, phải uống rượu Tây, người ta chưng cất trên quy trình hiện đại, lọc hết tạp chất rồi”. Thằng cháu họ ông cầm chai rượu Tây lên, xuýt xoa: “Xịn thế bác, chai này chắc phải mấy triệu bác nhỉ?”.

Thấy rể cả sầm mặt, ông Thành vội nói: “Rượu làng Vân xịn thằng Huân biếu bố đấy, nhiều người muốn mua cũng không có đâu”. Rể hai vội vàng xin lỗi ông anh đồng hao: “Em không biết nên lỡ lời. Vâng, thôi thì cũng phải ủng hộ rượu ta để giữ gìn bản sắc dân tộc bố ạ”.

Cảnh các rể “dìm hàng” nhau như thế ở nhà ông Thành diễn ra như cơm bữa. Không biết là để nịnh mấy cô vợ nhan sắc lúc nào cũng nhiều ong bướm vo ve, hay nịnh ông bố vợ giàu có sinh con một bề mà các rể cứ quà cáp triền miên. Nhưng ông Thành nhiều lúc đến mệt để giàn hòa hai rể, và để quà của đứa này không làm mất lòng đứa kia. Có hôm vào mùng hai Tết, hai ông rể có hơi men cũng chỉ vì cãi nhau chậu hoa cảnh biếu bố của ai đẹp hơn mà đứng bật dậy ném cốc đánh choang xuống sàn, chỉ mặt nhau mày tao chi tớ. Ông Thành giận quá quát: “Mang hết hoa hoét của các anh về đi. Được tí quà của các anh mà vợ chồng tôi phải dông cả năm”.

Ở hoàn cảnh tương tự là bà Phương, có ba cô con dâu đều thơm thảo, nhưng nỗi phiền của bà lại xuất phát từ chuyện ai cũng muốn được mẹ chồng yêu hơn. Dâu thứ khéo tay nhất, lại nhà gần nên thường xuyên nấu món ngon mang sang biếu mẹ chồng, dù chị cả đã nhiều lần nhắc khéo là “ở đây anh chị không để mẹ thiếu thốn, thèm nhạt thứ gì cả”. Có hôm chị cả giận dữ: “Hay là thím chê tôi không biết nấu ăn? Nếu thế thì thím hằng ngày sang đây nấu luôn đi, khỏi bưng qua bưng lại cho mệt”. Không ngờ dâu thứ nhận lời luôn: “Em đâu dám chê, có điều chắc bác bận quá nên không đầu tư thời gian được, thôi để chiều chiều em sang nấu cho”.

Được mấy hôm, dâu cả khóc với mẹ chồng: “Chắc nó định đuổi vợ chồng con ra khỏi nhà nên mới thế”. Bà Phương đành phải nói khó với dâu thứ đừng sang nấu nữa. Cả hai sưng sỉa với nhau mấy tháng trời.

Đến lượt dâu út góp thêm “lửa”. Cô nũng nịu đòi đón mẹ sang ở với vợ chồng mình vài tháng, nhưng sau mấy tháng không chịu “trả”, với lý do “em không đi làm, có thời gian chăm sóc, chuyện trò cho mẹ đỡ buồn”. Dâu cả “đòi” mẹ mãi không được, lại hậm hực tung câu hỏi: phải chăng thím út muốn giành quyền nuôi mẹ để được thừa kế nhiều hơn? Dâu út nghe được, khóc lóc ầm ĩ đòi mẹ phân xử, khiến bà Phương đau đầu nhức óc tuyên bố: “Tao chẳng thèm ở với đứa nào hết”.

Thế mới biết con cái thờ ơ thì tủi, mà con cái tranh nhau chăm sóc đôi khi cũng cực. Ở hoàn cảnh đó, các ông bố bà mẹ chỉ kêu trời rằng, nếu thương bố mẹ thì hãy để bố mẹ yên. Cũng vì khi báo hiếu, họ nghĩ nhiều nhất đến chuyện làm thế nào để lòng hiếu thảo của mình được bộc lộ “hoành tráng” nhất, mà quên mất “đối tượng tiếp nhận”, nên mới dẫn đến chuyện con càng hiếu, bố mẹ càng mệt.

Hồng Phạm

(Theo baodatviet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.