Nhiều cho rằng kéo dài cuộc hôn nhân vì muốn đứa trẻ có đủ bố và mẹ. Liệu điều đó có thực sự là quyết định tốt cho con trẻ?
Bạn yêu thương con cái và muốn giảm thiểu nỗi đau của chúng do ly hôn gây ra. Rất nhiều người cùng suy nghĩ với bạn và muốn biết liệu có cách nào để ly hôn không làm cho con trẻ tổn thương? Ở độ tuổi nào con cái dễ chấp nhận việc bố mẹ chia tay nhau?
Câu hỏi lớn nhất của nhiều phụ nữ là có nên trì hoãn ly hôn, đợi con cái trưởng thành? Câu trả lời không đơn giản. Nó phụ thuộc vào cách sống của mỗi gia đình, vào chính bạn, vào lứa tuổi và tính khí của con bạn. Vì thế, đầu tiên phải xem cách sống của gia đình bạn như thế nào.
Cuộc sống gia đình quyết định việc ly hôn
Nếu bạn thường xuyên gặp bạo lực trong gia đình, câu trả lời là nên ly hôn càng sớm càng tốt, bất kể con bạn ở độ tuổi nào. Bạo lực có thể in sâu vào tâm hồn trẻ thơ suốt một thời gian dài. Đứa trẻ sẽ lo lắng cho sự an toàn của bạn và bản thân chúng.
Đối với một số gia đình, xung đột có thể thầm nặng hơn. Không có cảnh đánh đập nhưng bầu không khí gia đình luôn nặng nề với những lời chì chiết, cạnh khóe, nghi ngờ. Điều đó cũng thật tệ hại, nó khiến bạn cảm thấy stress, suy sụp tinh thần. Cuộc sống gia đình như thế sẽ khiến trẻ khiếp sợ, mất lòng tin, không thiết học hành.
Khi mâu thuẫn không giải quyết được, hãy ly hôn (Ảnh minh họa)
Khi đó, việc trì hoãn ly hôn có thể làm hỏng con bạn. Một cháu trai 16 tuổi thấy cha mẹ ngày nào cũng to tiếng cãi nhau, dùng những lời thô bỉ, thậm chí tục tĩu mạt sát nhau, bất giác cháu thét lên: “Ông bà ly hôn đi cho tôi đỡ khổ!”.
Những đứa trẻ rơi vào trường hợp này cần được trị liệu tâm lý. Tâm hồn chúng đã bị tổn thương, cái nhìn cuộc đời và cuộc hôn nhân trở nên méo mó, đen tối. Nếu không trị liệu, điều đó có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình sau này. Bạn cần cho chúng hiểu rằng không phải cuộc hôn nhân nào cũng xấu.
Tuổi nào dễ bị tổn thương nhất?
Đó là thời kỳ vị thành niên, khi trẻ đang phát triển với tốc độ nhanh và cần môi trường gia đình lành mạnh. Nếu bạn ly hôn lúc con đang ở độ tuổi này là điều rất đáng lo ngại. Trẻ có thể chán nản và bỏ học khi cha mẹ tập trung vào việc ly hôn, không quan tâm đến chúng.
Nhiều người hỏi: “Có gì xấu xảy ra với các con nếu tôi tiếp tục cuộc hôn nhân bất hạnh? Ly hôn liệu có tốt hơn?”. Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu nỗi bất hạnh của cha mẹ.
Một mình bạn vẫn có thể đơn thân nuôi con (Ảnh minh họa)
Nếu hành vi bên ngoài của bạn bình thường và bạn vẫn làm tròn bổn phận người mẹ, nhưng trong lòng là nỗi cô đơn hoặc chết dần vì sự buồn tẻ, con bạn cũng không thể phát hiện. Trẻ không hiểu được trạng thái tinh thần của người lớn, trừ phi bạn bộc lộ ra bên ngoài. Chúng cũng không hiểu nổi sự phức tạp của mối quan hệ hôn nhân.
Câu hỏi: “Ly hôn hay trì hoãn?” chỉ có người trong cuộc mới trả lời được. Lựa chọn ly hôn là quyết định cá nhân. Không ai có thể nói chính xác tương lai bạn sẽ thế nào. Liệu bạn có gặp được một đối tác hòa hợp không?
Thực tế, càng trì hoãn ly hôn, cơ hội “đi bước nữa” càng ít. Tuổi xuân qua đi, đối tượng tìm bạn đời thu hẹp lại. Ngay cả trường hợp bạn không lấy ai nữa, bạn cũng thấy chuỗi ngày bất hạnh ngắn hơn và không lỡ làng kế hoạch tương lai. Nhiều trường hợp sau khi cha mẹ ly hôn, con cái phát triển tốt hơn và câu nói: “Lẽ ra tôi nên cắt đứt sớm hơn” không phải là không có lý. Khi cuộc sống gia đình quá bế tắc, ly hôn là một giải pháp cho bạn.
(Theo Trịnh Trung Hòa Tiếp thị và Gia đình)