Tâm lý mẹ chồng luôn nghĩ chính cô con dâu đã cướp mất đứa con thương yêu quý trọng mình nhất.
Ngày Thanh đi lấy chồng, họ hàng, làng xóm ai cũng tấm tắc khen cô tốt số. Không tốt số sao được khi Thanh lấy chồng nhà con một với ngôi nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi. Con làm dâu ở nhà khá giả, lại ít người, bố mẹ cô cũng thấy yên lòng.
Bản thân Thanh, khi được về làm dâu trong gia đình chỉ một mẹ một con, cô thấy “nhẹ đầu” vì không phải sống trong sự phức tạp đông người, anh trên em dưới. Thế nhưng, chưa kịp thở phào, cô đã phải đối mặt với khó khăn mà trước đây trong mơ cố cũng không thể hình dung được…
Tuần trăng mật có mẹ chồng… ngủ cùng
Về làm dâu được vài ngày, Thanh chưa kịp hưởng cuộc sống hạnh phúc tuần trăng mật thì cô đã vấp phải sự “phong tỏa” của mẹ chồng. Bà Miên góa chồng cách đây gần 20 năm, một mình ở vậy nuôi con. Niềm vui cuộc sống bà đều dành cả vào đứa con trai duy nhất.
Bà luôn coi con trai mình là trẻ nhỏ cho dù con đã 35 tuổi. Bà chăm sóc Hùng từng li từng tí. Hùng đi đâu, bà cũng tìm mọi cớ để đi cùng cho yên tâm. Bà Miên yêu con mình nhất đời và cũng mong con trai yêu bà lại như vậy, nên bà không muốn Hùng chia sẻ tình yêu ấy với bất cứ ai. Có lẽ vì vậy, 35 tuổi, Hùng mới yên bề gia thất.
Bà luôn coi Thanh là bức tường chia cắt tình cảm của mẹ con bà, nên bà rất khó chịu mỗi khi thấy đôi trẻ quấn quýt bên nhau. Dù Thanh đã ý tứ không có những cử chỉ âu yếm chồng trước mặt bà nhưng bà vẫn khó chịu. Mỗi khi vợ chồng cô đi ra ngoài cùng nhau, khi về bà lấy cớ này nọ, đá thúng đụng nia, bóng gió nói rằng đi đâu chỉ được đi một đứa.
Chưa hết tuần trăng mật, bà Miên đã tự ý kê gường ngủ của mình vào trong phòng vợ chồng con trai để… ngủ cùng. Hùng và Thanh phản đối thì bà Miên thủng thẳng: “Đêm mẹ hay bị tụt huyết áp, ngủ chung phòng để các con tiện chăm sóc mẹ”.
Tối đến, Thanh muốn được nghỉ ngơi bên chồng sau một ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan nhưng đâu có được. Bà Miên luôn nghĩ ra các việc để sai cô làm, lúc thì đi mua cho bà cái cúc áo, lúc thì đi thăm hỏi họ hàng thay bà, lúc lại bắt cô đi tìm mua quyển sách mà bà yêu thích… nhằm tách thời gian gần gũi của vợ chồng cô. Nhiều khi Thanh mệt, hẹn hôm sau đi những nơi bà yêu cầu thì ngay lập tức bà chửi cô là lười biếng, không nghe lời mẹ chồng.
“Trả con trai cho tôi”
Thuyết phục mãi, bà Miên kê giường trở lại phòng riêng của mình nhưng để “mặc cả” lại bà cũng không cho phép vợ chồng Thanh đóng kín cửa phòng ngủ. Có nhiều đêm, Thanh thất kinh tỉnh giấc khi thấy mẹ chồng đi loanh quanh trong phòng ngủ của vợ chồng cô. Hỏi ra mới hay, bà sang đó để xem con trai mình có ngủ ngon hay không.
Bà Miên không bao giờ cho Thanh tự tay nấu nướng cho chồng. Tất cả những việc đó bà Miên đều đảm nhiệm bởi lẽ bà nghĩ Thanh nấu nướng sẽ không an toàn vệ sinh thực phẩm, làm con trai mình đau bụng.
Để con trai luôn quan tâm tới mình, bà Miên luôn kêu ca mệt mỏi. Rất nhiều khi Hùng phải bỏ dở công việc quan trọng, hớt hải chạy về nhà khi nhận được cú điện thoại kêu đau ốm của mẹ. Nhưng khi về thì thấy bà Miên vẫn khỏe như thường còn cười nói: “Ấy là mẹ thử lòng con khi có vợ thì quan tâm tới mẹ như thế nào thôi” làm cho Hùng nghẹn ứ họng.
Khi Thanh có thai, người nghén mệt, không ăn uống được gì. Hùng lo lắng chăm sóc, mua thức ăn về bồi dưỡng cho vợ con, bà Miên khó chịu ra mặt: “Ôi giời ơi, chửa đẻ là chuyện thường, kệ nó, nó có con tự khắc nó phải lo, ăn thì ăn, không ăn thì thôi. Con là con trai việc gì phải làm việc tủn mủn đó cho hèn người ra”.
Cực chẳng đã, sống chưa đầy năm Thanh bàn với chồng xin bà Miên ra ở riêng. Vừa nghe tới đó, bà Miên nhảy dựng lên: “Tôi nuôi con trai đến từng này, không phải để nó lấy vợ xong rồi cút đuôi. Nếu thích cô ra ở riêng, để con trai lại trả tôi. Đấy vợ chồng cô bàn đi, một là ở chung, hai là không có bà mẹ này”.
Thắng chỉ được một, thua thì mất trắng
Chuyên gia tâm lý Thu Hương (Trung tâm tư vấn 1088) cho rằng: “Căn nguyên sâu xa của những bất hòa giữa mẹ chồng – nàng dâu là tranh giành ảnh hưởng, tình yêu thương của người đàn ông là con, là chồng của họ.
Sẽ khó hạnh phúc nếu chàng trai là con một, sống với người mẹ quá yêu con (nhất là người mẹ phải nuôi con một mình, dành hết tình cảm cho con) can thiệp rất sâu vào chuyện yêu đương, hôn nhân của con cái, khiến mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu rất căng thẳng. Người mẹ đó luôn nghĩ chính cô con dâu đã cướp mất đứa con thương yêu quý trọng mình nhất.
Thực chất đây là cuộc chiến giành giật về tình cảm như “một đôi tình địch”. Ở trường hợp này, mẹ chồng hãy hiểu lòng con cái, đừng can thiệp sâu vào chuyện riêng tư của các con. Nếu có thời gian rảnh rỗi, người mẹ hãy tham gia sinh hoạt ở các đoàn thể cho vui tuổi già. Đừng cố gành giật tình yêu của con. Bởi nếu thắng, mẹ chồng chỉ được con trai mình, còn thất bại, bà sẽ mất cả gia đình”.
|
Theo Phapluatvn