“Tuổi son” khi đã muối tiêu
Friday, November 4, 2011 15:53
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Không phải họ không thích cảnh gia đình “tứ đại đồng đường”. Có điều, do hoàn cảnh nên con cái và bố mẹ không có điều kiện để ở chung, nhất là đối với những gia đình ít con. Cho nên khá nhiều cặp vợ chồng khi tuổi đã xế chiều, lại trở thành…son rỗi…
Con cái lớn là “bay” đi hết
Con cái lớn, thành đạt, ra riêng, vợ chồng ông Tường (Nha Trang) quay lại cảnh… vợ chồng son. Bà lo chuyện cơm nước hàng ngày, ông nhẩn nha chăm vườn cây cảnh, tối đến cùng xem ti vi… Bà Hân – vợ ông Tường tâm sự: “Lúc còn trẻ, vợ chồng lo “cày” để nuôi bầy con, ít có thời gian dành cho nhau. Bây giờ, con cái đủ lông đủ cánh “bay” đi hết, vợ chồng tôi cũng đã về hưu, sớm tối có nhau. Thỉnh thoảng, tôi với ông ấy cùng đi du lịch đây đó…”.
Nhiều lần thấy bố mẹ ra vào trong căn nhà rộng, không bóng dáng con cháu, anh con trai cả cứ thuyết phục ông bà chuyển hẳn vào TP Hồ Chí Minh ở với gia đình mình. Nhưng ông Tường và bà Hân đều không muốn. Có bận, bà Hân phải vào trong đó chăm con dâu sinh em bé, ở gần 2 tháng. Ở nhà ông Tường buồn hiu buồn hắt, trông ngóng đến ngày bà về. “Tuổi già ai chẳng muốn có con, cháu cạnh bên. Nhưng các con tôi lập nghiệp ở xa, vợ chồng tôi lại không muốn thay đổi cuộc sống. Sáng, vợ chồng cùng đi biển tập thể dục, tối cũng dạo biển. Khi nào nhớ cháu, chúng tôi đi thăm. Chúng nó cũng thường xuyên ra thăm ông bà vào dịp lễ, Tết… Thế là hạnh phúc rồi…” – ông Tường chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Đâu rồi mô hình “tam tứ đại đồng đường”
Nhiều người cũng chọn cách sống như vợ chồng ông Tường. Không phải họ không thích cảnh gia đình “tứ đại đồng đường”, có điều do hoàn cảnh nên con cái và bố mẹ không có điều kiện để ở chung, nhất là đối với những gia đình ít con.
Nhà vợ chồng ông Nguyễn Hùng có 2 đứa con thì cả hai đều lập nghiệp ở thành phố. Mấy lần vợ chồng ông cũng đã chuyển vào thành phố sống cùng với các con để giúp chúng trông nom nhà cửa, con cái… nhưng rồi ông và bà đều xác định chỉ “ở chơi” chứ không thể “ở luôn”. Về quê, ông bà chăm chút ruộng vườn, sớm tối có nhau.
“Quan trọng là chúng tôi còn khỏe nên dù chỉ có hai ông bà, tụi nhỏ vẫn yên tâm. Lúc nào ông ốm thì bà chăm và ngược lại, khi nào cần lắm mới phải gọi cho con. Thời buổi này mình cũng không nên phụ thuộc vào con cái quá, sắp nhỏ còn phải lo cho gia đình nhỏ của chúng, mình còn khỏe, còn tự lo được thì sống như thế này cũng tốt rồi…”, ông Hùng nói. Mỗi tuần, hai con ông lại đưa vợ, con về quê chơi, gia đình cùng tụ họp, quây quần bên nhau. Bởi vậy, suốt cả tuần ông bà cứ mong cho hết ngày đến cuối tuần để được gặp con, cháu; có thứ gì ngon, ông bà đều để dành chờ “lũ trẻ” về.
Còn gia đình bà Anh Thư, hai người con của bà đều định cư và công tác ở nước ngoài nên vợ chồng bà cũng thành… vợ chồng son. Bà Thư tâm sự: “Thật ra, vợ chồng tôi cũng buồn vì con cháu sống xa tới nửa vòng trái đất. Nhiều khi tôi hay ông nhà bị ốm, chúng nó gọi về nhưng phải nói dối là mình vẫn khỏe để con đỡ lo. Có lần, ông nhà tôi bị bệnh phải nhập viện, nhìn cảnh người ta có con, có cháu ra vào chăm sóc, chúng tôi không khỏi mủi lòng. Nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh buộc phải thế mà…”. Các con của bà Thư cũng biết điều đó nên năm nào họ cũng thu xếp để về Việt Nam thăm bố mẹ. Mỗi lần như vậy, ông bà như trẻ ra chục tuổi; đến khi con cháu đi rồi, ông bà lại thui thủi với nhau, nhớ con thương cháu đến nao lòng…
Nỗi buồn ”khắc khẩu”
Vợ chồng nếu tâm đầu ý hợp thì dù “son” hay không “son” cũng không thành vấn đề. Nhưng có nhiều gia đình không có được những hạnh phúc đơn giản khi họ thành vợ chồng son lúc tuổi… xế chiều. Nhà ông Lê Trung là một trường hợp như thế. Ông bà có 3 người con, chỉ có người con trai út là đang làm việc gần nhà, còn lại đều sống ở TP Hồ Chí Minh. Hồi còn trẻ, vợ chồng ông thường khắc khẩu, không hợp nhau, nhiều lần suýt đường ai nấy đi.
Nhưng vì con, họ quyết định sống với nhau vì nghĩa nhiều hơn vì tình. Vì vậy, khi các con ra riêng, tự lập, nhà chỉ còn hai ông bà nhưng lại “mạnh ai nấy sống”. Mới đầu, họ còn ăn chung. Sau này, bà bị bệnh nên cần ăn kiêng, thế là mỗi người một bếp. Khi nào cần nói chuyện với nhau thì nói, không thì thôi. Anh con trai đầu thấy thế mới thuê ôsin để trông nom, chăm sóc ông bà nhỡ khi một trong hai người ốm đau. Ông Trung tâm sự: “Nhà tui chỉ vui khi có con, cháu về thăm. Từ ngày bả bị bệnh càng khó chịu hơn, tui có chăm cỡ nào bả cũng không vừa ý. Cái bệnh “khắc khẩu” của hai vợ chồng tui thành bệnh… nan y rồi, khó chữa lắm. Đến tuổi này rồi mà chưa nói đến câu thứ hai đã muốn cãi nhau… Người ta cứ nói nhìn vợ chồng tôi giống vợ chồng son, con cái trưởng thành, nhà cửa sung túc, sướng quá còn gì. Nhìn vậy mà đâu phải vậy…”.
Nhiều người ở cảnh vợ chồng son tuổi xế chiều cũng rất chịu khó thay đổi lối sống để làm cuộc hôn nhân những năm tháng cuối đời không trở nên nhàm chán. Ngoài việc tham gia các công việc xã hội ở phường, xóm, họ còn thu xếp đi du lịch để tận hưởng cuộc sống. Những cặp vợ chồng son ở tuổi xế chiều nếu có điều kiện, dư dả, con cháu thành đạt thường rất viên mãn và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tủi khi thiếu vắng con cháu. Vì vậy, dù gì đi nữa, con cái bao giờ cũng là sợi dây kết nối hữu hiệu nhất, dù bận rộn đến mấy cũng nên quan tâm đến đấng sinh thành, đừng để bố mẹ già đến cuối đời phải sống trong sự cô đơn, trống trải…
“Như trái chín cây”
Sắp xếp hành lý
Người già vốn lo xa và ngại làm phiền nên các cụ thường có xu hướng đem theo nhiều đồ dùng khi đi ra đường. Tuy nhiên, đem theo nhiều đồ đạc quá thì hành lý của các cụ sẽ nặng nề, cồng kềnh, khó mang vác và khó kiểm soát. Do đó, người thân cần giúp các cụ sắp xếp hành lý gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ. Cần đảm bảo những đồ dùng thường xuyên (nước uống, khăn tay), hoặc khẩn cấp (điện thoại, thuốc, tờ ghi tình trạng sức khoẻ) hoặc giấy tờ cần xuất trình (vé di chuyển, chứng minh nhân dân) được để ở nơi an toàn, dễ lấy. Trên túi xách, có thể ghi tên, thông tin để liên lạc trong trường hợp các cụ để quên hoặc bị nhầm lẫn…
Liên lạc kịp thời
Một chiếc điện thoại di động dễ sử dụng cho người già là điều cần thiết, trong đó lưu sẵn phím tắt với các số trong gia đình. Người trong gia đình cũng cần biết số điện thoại của những người tổ chức chuyến đi, những người đi cùng các cụ trong chuyến đi ấy. Dù không đi cùng ông bà, cha mẹ nhưng sự thăm hỏi qua điện thoại của con cháu cũng là một hành động chăm sóc có ý nghĩa.
Thèm tình cảm con cháu
Người cao tuổi rất cần sự quan tâm chăm sóc của con cháu nhưng các cụ cũng lại rất dễ tủi thân, rất ngại mang cảm giác mình đang làm phiền con cháu. Các cụ muốn tham gia hoạt động bên ngoài nhưng cũng rất dễ lo lắng, mặc cảm về sức khoẻ. Do vậy, trong sắp xếp, hướng dẫn của những người làm con, làm cháu rất cần sự bày tỏ tình cảm và cũng cần sự tinh tế, khéo léo nhằm tránh để các cụ hiểu lầm rằng đó là xét nét, theo dõi, kiểm soát hoặc cho rằng con cháu chỉ làm cho xong trách nhiệm, bổn phận.
Giúp người cao tuổi đi ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội trong các điều kiện an toàn cũng là một cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các cụ. Nhờ các hoạt động tích cực và tinh thần lạc quan an vui của các cụ, quá trình lão hóa sinh học có khả năng chậm lại, mặc dù không phải “cải lão hoàn đồng” nhưng điều quan trọng là các cụ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.
BS. Việt Trân
|
Nhã Kỳ
(Theo GiadinhNet)