Sau các cuộc cãi cọ bao giờ cũng là giai đoạn giận dỗi, tiếp đó là làm lành. Đây chính là thời điểm khó khăn nhất với các cặp vợ chồng bởi không ai muốn mình là kẻ xuống thang trong “công cuộc tái thiết hòa bình”.
Nhà văn Mỹ Ambrose từng nói: “Hôn nhân là cuộc nói chuyện dài, thỉnh thoảng giải lao bằng một chút cãi nhau”. May thay, mọi tranh cãi đều có thể được hóa giải nếu biết cách làm lành, hay cao hơn, đạt đến nghệ thuật làm lành.
Trong thực tế, sau khi “nội chiến” xảy ra, người ta thường phản ứng theo 1 trong 3 cách:
Thứ nhất, hy sinh cái mà mình thích và làm theo cái người kia thích. Đây là thái độ nhượng bộ, nó có tác dụng làm cho đối phương hài lòng nhưng chính bạn lại ấm ức.
Thứ hai, không cần biết đối phương nghĩ gì, cứ làm theo cách mà mình thích. Bạn sẽ dương dương tự đắc nhưng chỉ làm cho cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài.
Thứ ba, phớt lờ coi như không có chuyện gì xảy ra.
Trong thực tế, cả 3 cách đó đều là hạ sách, không xua tan được bầu không khí bất hòa, có khi còn đẩy mâu thuẫn đến chỗ gay gắt hơn. Cho nên tốt nhất là chia sẻ được với nhau nỗi ấm ức trong lòng để cùng nhau thông cảm. Nhưng nghệ thuật làm lành là ở chỗ nói chuyện như thế nào.
Nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ Willard Harley đã chia sẻ những quy tắc vàng:
Quy tắc thứ nhất
Đặt yêu cầu thương lượng vui vẻ và an toàn lên hàng đầu. Đừng coi việc thương lượng nặng nề như đi vào phòng tra tấn. Bởi vì những cố gắng của họ thường không đi đến đâu sau khi trở ra với “thương tích đầy mình”. Cho nên trước khi đàm phán, bạn phải nắm chắc quy tắc cơ bản là chỉ nói chuyện khi cả hai cùng vui vẻ. Hãy cất ngay bộ mặt khó đăm đăm của bạn đi và hãy nở nụ cười. Muốn thế cần tuân thủ 3 yếu lĩnh cơ bản.
Một là, duy trì không khí vui vẻ trong suốt quá trình đàm phán. Bạn hãy nêu vấn đề với tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Nếu thấy bầu không khí không sẵn sàng thì dừng lại ngay.
Hai là, xác định an toàn là trên hết. Mục đích của làm lành là để cứu vãn hôn nhân, bởi thế phải bình tĩnh ngay cả khi đối phương tỏ ra tức giận. Khi thấy mình bị xúc phạm, bản năng tự vệ trong bạn bắt đầu thức dậy. Lúc này tâm lý thông thường là bạn muốn trả đũa nhưng nên nhớ rằng cuộc đấu khẩu trong bầu không khí này sẽ không đi đến đâu.
Thứ ba, nếu bạn thấy cuộc thương lượng bế tắc thì cách hay nhất là rút quân. Bạn không thể giải quyết vấn đề tại một thời điểm bất lợi như thế. Điều đó không có nghĩa là sẽ không tìm thấy một cơ hội khác trong tương lai. Rút lui không chỉ có nghĩa là bỏ đi mà có thể là chuyển sang đề tài nào mà đối phương ưa thích. Không được cứng nhắc theo kiểu đã định hôm nay nói là phải thanh toán hết, muốn ra sao thì ra. Đó là cách phá hủy hôn nhân chứ không phải cứu vãn nó.
Quy tắc thứ hai
Tìm ra điều mà đối phương quan tâm. Nhiều người hoàn toàn không nhớ nguyên nhân chính của sự xung đột và cũng không biết đối phương quan tâm tới cái gì. Có khi chính họ cũng không biết thật ra mình muốn gì?
Đến khi những vấn đề riêng tư của mỗi người sáng tỏ, họ sửng sốt nhận ra: Tưởng gì, hóa ra có thế mà cũng cãi nhau”. Và khi đó họ mới hiểu mâu thuẫn không nghiêm trọng như họ tưởng. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi ta điều đình với ai mà biết rõ họ muốn gì. Còn không, ta sẽ gạt phăng yêu cầu của họ khiến họ cảm thấy bị coi thường và thế là bùng nổ giận dữ.
Quy tắc thứ ba
Tháo gỡ mâu thuẫn một cách sáng tạo. Không nhất thiết hai người cứ phải ngồi lại mới nói chuyện được. Có thể khi cả hai đang cùng đi dạo hay bạn giả vờ nhờ đối phương giúp một việc gì đó rồi vừa làm vừa trao đổi. Biết đâu chính lúc đó, cuộc hòa giải được giải quyết một cách dễ dàng.
Thử nhớ lại quá trình yêu nhau trước khi cưới, chắc hẳn các bạn cũng có những phen lục đục nhưng hồi ấy sao bạn lắm sáng kiến thế. Còn bây giờ bạn chỉ nghĩ đến một cuộc “đấu khẩu” tay đôi như công an lấy khẩu cung. Nếu bạn thiện chí, chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra những cách được cả hai chấp nhận.
Quy tắc thứ tư
Khoanh vùng phạm vi tranh cãi. Không ít trường hợp sau khi cãi nhau kịch liệt, người ta không nhớ nổi cuộc cãi vã đã bắt đầu từ cái gì? Có thể nguyên nhân cãi nhau lúc đầu chỉ là một chuyện cỏn con nhưng khi kết thúc lại là “tồn tại hay không tồn tại”? Rồi có khi, cả hai còn lôi những chuyện từ đời tám hoánh ra nói cho bõ tức khiến cho mâu thuẫn không những không được giải quyết mà càng trầm trọng thêm. Cho nên khi làm lành không nên nhằm vào cái đuôi của mâu thuẫn mà cố nhớ lại lúc đầu cãi nhau vì cái gì rồi chỉ rút kinh nghiệm về cái đó. Không để ngọn lửa “chiến tranh” lan rộng.
Tục ngữ phương Tây có câu: “Tức giận là điên một lúc”. Ông bà ta cũng dạy: “Quá giận mất khôn”. Chúng ta hãy quan sát những người vợ đầu bù tóc rối, mặt mũi phừng phừng, xỉa xói vào chồng với những lời lẽ thô tục. Có khác gì người điên? Họ có thể dùng bất cứ lời lẽ nào miễn là làm đối phương đau nhất. Những ông chồng đập vỡ cả ti-vi, tủ lạnh, phá phách tất cả những gì trong tầm tay họ. Chỉ đến khi nguồn cơn qua đi, người ta mới biết đã thiệt hại như thế nào? Nhưng điều nguy hiểm nhất là trong “cơn điên”, người ta không hề nghĩ đến sự trừng trị của pháp luật hoặc hiểu sai hoàn toàn những quy định của pháp luật. Thậm chí đến khi bị bắt, kẻ tội phạm vẫn không biết mình đã làm gì sai?
Nguyễn Văn T. 32 tuổi phát hiện vợ đang ngồi bên bờ sông vắng tình tự với nhân tình. Anh ta chạy về nhà lấy con dao nhọn, lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, T. ngậm dao ngang miệng bò sát mặt cỏ đến phía sau đôi trai gái và bằng một nhát đâm bất ngờ vào mạng sườn ngập tới cán, anh ta kết thúc cuộc đời kẻ tình địch. Khi cô vợ chạy thoát hô hoán lên, mọi người đổ đến bắt được T. giải về đồn công an, anh ta vẫn lớn tiếng cãi là mình làm đúng pháp luật.
Nào ngờ khi vụ án được đưa ra tòa xét xử, T. phải lĩnh bản án 18 năm tù về tội cố ý giết người. Chắc chắn nhiều năm sau ngồi sau song sắt, T. có dịp suy nghĩ về hành vi của mình. Có thể lúc ấy anh ta giải tỏa được cơn tức giận song cái giá phải trả là gì? Sau 18 năm tù còn gì là tuổi thanh xuân?
Sáng 15/2, đi chợ về sớm và thấy chồng đang nằm ngủ, Nguyễn Thị Ngân ở quận Lê Chân, Hải Phòng, ra lò mổ lợn mượn dao về chém chồng. Nạn nhân chết ngay tại chỗ. Gây án xong, Ngân gọi điện thoại cho một người bạn đến chứng kiến sự việc và ra công an phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân tự thú. Theo phản ánh của người dân, Ngân làm nghề buôn bán lòng lợn, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Khi cãi vã, Ngân thường lớn tiếng đuổi chồng ra khỏi nhà và dọa sẽ giết chết có ngày.
Những việc giết người dã man, tàn bạo giữa vợ chồng thời gian gần đây đều xảy ra trong những cơn tức giận và khi “cơn điên” qua đi, kẻ phạm tội đều ân hận vô cùng khi đối mặt với mức án rất nặng. Phải chăng giải pháp cho họ là trong những tình huống ấy hãy bình tĩnh, tỉnh táo suy nghĩ xem có nên làm như vậy không? Nếu thấy tâm trạng bấn loạn không biết đâu là khôn dại thì cần phải chia sẻ hay hỏi ý kiến bạn bè hoặc có thể gọi đến một trung tư vấn tâm lý, hỏi những chuyên gia có kinh nghiệm xử lý những chuyện này, chắc chắn sẽ tránh được những niềm ân hận muộn màng.
Theo PNVN