Không ai dám thừa nhận nhan sắc của chị, mặc dù chị đã tốn không ít công sức và tiền của cho nó. Tất cả chỉ tại chị chạy đua nhan sắc theo “gu” thẩm mĩ của đức ông chồng.
|
Quyết tâm trở thành “Nàng Thơ” của chồng
Nhan sắc của vợ mà lại đổ lỗi cho chồng nghe có vẻ ngược đời, trái khoáy, nhưng với trường hợp của chị thì lại hoàn toàn có lý. Trước đây, chị không như vậy, chị mang một gương mặt hoàn toàn khác, nhưng từ ngày lấy chồng tới giờ, khuôn mặt chị liên tục thay đổi, mỗi ngày mỗi khác, tới nỗi ngay đến cả bố mẹ đẻ của chị cũng thấy con gái mình… là lạ.
Đó là cả một câu chuyện dài và cười ra nước mắt. Chị Nguyệt Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội), có chồng là một người yêu văn thơ, có tính nghệ sĩ, tài hoa và đa tình. Tâm hồn nghệ sĩ hay ngẩn ngơ, thẫn thờ vì cái đẹp. Đàn ông yêu cái đẹp thì nhiều, nhưng hiếm ai yêu đến mức si mê, tôn thờ cái đẹp như anh. Anh làm thơ từ ngày còn trẻ, và nguồn cảm hứng bất tận trong thơ anh chính là vẻ đẹp của người phụ nữ.
Hồi yêu nhau, chị thầm vui mừng vì điều ấy. Chị Nga thường tự nhủ rằng thơ của anh chỉ để… tán gái, còn tình yêu chân thành với chị thì chẳng cần đến những hoa mỹ, giả tạo ấy. Nhưng cưới nhau rồi anh vẫn cứ làm thơ. Mà lại toàn thơ tả… gái đẹp. Vậy mà chẳng bao giờ anh tả chị, dù chị đường đường là vợ anh, là người mà anh đã thề thốt là yêu thương trọn đời.
Không những chỉ làm thơ về cái đẹp, anh còn thản nhiên thể hiện sự ngưỡng mộ của mình trước những người đẹp. Anh có biết bao nhiêu là “Nàng Thơ”. Nhưng chẳng bao giờ “Nàng Thơ”của anh là chị. Chị Nga thấy thế thì tức lắm, chị thấy mình thật là thiệt thòi vì chẳng bao giờ là cảm hứng thơ văn của anh. Chồng cứ viết được áng văn thơ nào là chị Nga là hồi hộp chờ đợi, sốt sắng đọc để rồi cuối cùng lại chưng hửng vì tìm đỏ mắt mà chẳng hề thấy có bóng dáng nào của mình trong đó.
Nhiều lần chị than phiền rồi cả khóc lóc với mấy cô bạn thân rằng chồng mình chưa bao giờ sáng tác thơ tặng vợ, ca ngợi vợ, mà toàn đi viết về… người dưng. Và có lần, một trong số những cô bạn gái thân của chị đã bẽn lẽn, đỏ mặt mà ngượng nghịu thừa nhận rằng, đã có lần chồng chị làm thơ tặng cô ấy. Chị đòi đọc bằng được bài thơ mà chồng viết, trong đó đều ca ngợi cô bạn kia hết lời, làm như thể cô ấy là cô Kiều, cô Tấm tái thế.
Nhưng đọc rồi chị lại thấy đó toàn là những lời “bốc phét”, ngắm đi ngắm lại, cô bạn ấy cũng đâu có gì xinh đẹp hơn chị, vậy mà lại có thể biến thành nguồn cảm hứng của anh. Chị ghen tị lắm. Chị quyết phải khiến anh si mê mình, chị nhất định phải trở thành chuẩn mực thẩm mỹ của anh.
Gương mặt của những nét đẹp… không liên quan
Dù đã chung sống với nhau ngót nghét 5 năm trời, nhưng chị Nga vẫn phải thú thực rằng chị không nắm bắt được “gu” thẩm mỹ của chồng cũng như quan niệm về cái đẹp của anh. Chị không biết trong mắt anh, một người phụ nữ như thế nào được coi là đẹp. Bởi vậy, lẽ tất yếu, để trở thành một người đẹp trong mắt anh, chị phải hiểu được cái “gu” của chồng.
Nhưng ngặt một nỗi, mỗi khi chị hỏi thì anh đều chỉ trả lời rất khéo rằng: “Trong mắt anh, em là người hoàn mỹ”, nhưng câu nói đó không làm chị hài lòng. Bởi mỗi khi ra đường, gặp gỡ bạn bè, dù có cả mặt vợ, nhưng chồng chị vẫn rất tự nhiên buông những lời khen ngợi, tán dương hào phóng và đưa những ánh nhìn đầy ngưỡng mộ về phía những người phụ nữ khác.
Dù anh chẳng làm gì hơn ngoài nhìn, khen và làm thơ về họ, nhưng chị vẫn rất ghen. Chị muốn mình là nữ hoàng của anh, thống trị, sở hữu anh cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng điều đó thật khó, bởi anh là một nghệ sĩ đa tài và đa tình. Chị chỉ có một cách là chinh phục anh bằng vẻ đẹp của mình. Vậy là chị bắt đầu để ý tới từng hành động, thái độ, cử chỉ của anh. Hễ anh nhìn chăm chú một cô gái nào là chị cũng ngay lập tức theo dõi, anh khen cô nàng có đôi môi xinh là chị liền ghi nhớ ngay kiểu môi của cô gái đó để về… thẩm mỹ theo.
Cứ như vậy, chị chỉnh sửa mắt, môi, mũi, cằm… của mình theo từng “động thái” của anh và theo những cô gái anh tỏ lòng ngưỡng mộ. Chồng cứ khen một người phụ nữ nào đẹp là chị lại tất tả đi thẩm mỹ để được… đẹp như vậy. Nhưng để chạy theo “gu” thẩm mỹ của chồng, chị Nga đã phải rất vất vả và tốn kém. Bởi trong mắt một người nghệ sĩ như anh, cái đẹp là luôn luôn thay đổi chứ không hề bất biến.
Lúc thì chồng chị Nga cho rằng mắt bồ câu to tròn lóng lánh là đẹp, khi thì lại bảo mắt một mí đậm chất Á Đông mới duyên. Vậy là chị Nga cũng liên tục hết đi xẻ mí cho thành mắt to tròn, rồi lại đi chỉnh sửa cho thành mắt xếch nhỏ hẹp sắc sảo… Cũng như vậy, lúc thì anh nói môi trái tim dày dặn là quyến rũ, khi lại đổi ý, khen môi đôi môi vừa mỏng vừa cong mới thật cá tính và gợi cảm…
Chị Nga lại khốn khổ vì đi chỉnh sửa, hết “bơm” cho dày lên rồi lại rút cho xẹp đi… Chị đi thẩm mỹ nhiều đến nỗi bạn bè ngấm ngầm đặt cho chị một cái biệt danh là “người muôn mặt”, bởi cứ thỉnh thoảng gặp lại chị, họ lại thấy chị mang một gương mặt khác với những nét đẹp nhân tạo khác nhau.
Chị Nga không tiếc tiền của, công sức, tìm đến những trung tâm danh tiếng nhất, đặt niềm tin của mình vào những bác sĩ có tay nghề nhất, và quả chẳng phí công, chị đã sở hữu những nét đẹp chuẩn mực. Trên khuôn mặt chị, nét nào cũng thật sắc và… thật “đáng tiền”: đôi mắt mơ màng, đôi môi gợi cảm, cái cằm duyên dáng, sống mũi thanh tao… nhưng như những người đã gặp chị nhận xét, thì những thứ ấy, nếu đứng riêng rẽ có lẽ sẽ thật tuyệt vời, còn để kết hợp với nhau thì thật là… thảm họa, bởi chúng chẳng hề ăn nhập gì với nhau.
Những đường nét trên khuôn mặt chị chẳng hề hài hòa như vốn có mà trở thành một sự sắp đặt vụng về mang nặng dấu ấn của sự phi tự nhiên và phi logic. Nhưng chẳng ai dám nói với chị Nga điều ấy, bởi họ sợ chị đau lòng, sau bao nhiêu tâm huyết mà chị đã bỏ ra. Mỗi khi phải thể hiện ý kiến, bạn bè chị người thì khen mắt chị đẹp, người lại trầm trồ môi chị xinh, người thì xuýt xoa mũi chị sao mà “chuẩn” thế, nhưng chưa bao giờ người ta dám khen chị xinh đẹp. Vậy nên chị Nga cứ sống trong những ảo tưởng của bản thân và tự vuốt ve lòng tin của mình về nhan sắc.