Hơn ba tuần trước, chị Mai – một chị bạn trong hội thể dục buổi sáng khoe với tôi bởi biết tôi là người Huế. Chị nói chị sắp cưới dâu trưởng. Con trai chị “hay” lắm nhé, tìm ngay một em gốc Huế vô Bình Dương làm ăn. Chị nghe nói con gái Huế chịu thương chịu khó nên đồng ý liền. Cưới xong cho ở chung luôn và từ nay chị có người đỡ đần, nội trợ giúp. Sáng đi tập thể dục với em không lo vội vội vàng vàng về nhà làm đồ ăn sáng cho mấy cha con ăn đi làm nữa.
Riêng cái khoản hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, dạ dạ thưa thưa của con dâu, chị cũng kết nữa! Tôi nói chúc mừng và không quên thòng theo đùa chị một câu là đừng bị… mừng hụt!
Cho đến sáng hôm qua…
Sau buổi tập, tôi nói: “Mấy chị ơi, em có bánh pía miền Tây nè. Ghé cà phê vỉa hè ăn bánh, uống nước và tám chút rồi về nhé!”. Tưởng chị Mai đồng ý cả hai tay vì có dâu mới chắc là rảnh rang. Ai ngờ, chị là người phản đối trước tiên. “Thôi khỏi. Vừa đi bộ về vừa ăn bánh, kẻo không kịp nấu nướng cho mấy vị ở nhà”, chị đề xuất và giải thích lý do.
“Ủa, con dâu chị đâu?”, mọi người ngạc nhiên hỏi. “Dâu hả, giờ này ngủ chưa dậy. Ngày nào cũng chờ mẹ đi tập thể dục về gọi dậy đi làm. Tưởng có người đỡ đần, hóa ra trước nấu ăn cho ba người giờ thành bốn!”, chị Mai phân trần.
Chị kể chuyện con dâu mà cả hội cười bò lê bò càng. Ai đời sau hai tuần nghỉ phép, về thăm quê, đi nghỉ tuần trăng mật về thì nàng luôn than: “Con mệt quá, má ơi!”. Có lần con dâu chị vô bếp đứng rửa chén mà khóc ngon lành. Hỏi sao vậy, nó nói con nhớ nhà! Rồi nó nhìn miếng xơ mướp hiệu Kin Kít để rửa chén lại chảy nước mắt. Hỏi sao nó lại nói: “Cái xơ mướp mà te tua thế ni hỏi cái tay má và con còn chi hè?”. Ý nó nói phụ nữ vất vả ấy mà. Chị Mai vừa bực vừa buồn cười nhưng chị cũng nói: “Thôi con nín đi kẻo chồng con lại tưởng má ăn hiếp gì con. Con sợ hư tay sao không đeo bao tay vào mà rửa?”. Con dâu chị vẫn thút thít: “Con sợ đeo bao tay vụng về làm bể chén, dĩa của má”.
|
Lần khác, chị Mai thấy cô con dâu mình đứng trong bếp mà thả tóc ngang lưng. Chị nói sao con không cột tóc lên cho gọn, con dâu nói: “Tóc con duỗi đẹp ri cột lên hư hết răng?”. Chị Mai ráng nhịn cười vì mấy cái từ địa phương mà chị chưa quen. Chị nói tiếp: “Vậy thôi con cắt ngắn đi cho gọn gàng!”. Con dâu chị giãy nãy lên: “Không, mạ con không cho cắt. Mạ con nói, răng với tóc là vóc con người”.
Khi hai má con chuyện trò trong bếp đến đoạn này, chồng chị Mai ở trên lầu nghe chữ được chữ mất bước xuống bếp mắng con dâu: “Con ăn nói kiểu gì vậy? Sao lại nói hỗn với má? Nghe nói con gái Huế ăn nói dịu dàng lắm mà sao con dám nói từ đó với má con?”. Nghe ba chồng mắng oan, con dâu chị Mai hốt hoảng, nước mắt lại rưng rưng: “Dạ mô có, con nói con không cắt tóc. Má nói cắt mà con nói không cắt!”. Đến đây thì thằng con chị mới cứu nguy cho vợ bằng một tràng vừa cười rũ rượi vừa giải thích: “Khổ quá, ba má quên vợ con phát âm thuộc loại… âm trầm sâu lắng lạ à? Ha ha ha. Em nói hay thiệt đó. Anh thích nhất là cái âm trầm này của em…”. Cả nhà cười tưng bừng khi hiểu ra nhưng con dâu chị giận đỏ mặt và bỏ lên lầu.
Nhưng bù lại chị Mai nói con dâu mình vẫn dễ thương đáo để. Nó rất lễ phép với ba mẹ chồng, yêu thương chồng vô cùng. Đi làm về tới nhà là má ơi má hỡi và không có chuyện thích la cà lượn shop mua đồ này nọ. Những người trong hội nói chị cưng nó quá nên mới thế. Chị Mai lại cười: “Ừ, dâu kiểng cũng được. Cái gì kiểng cũng đẹp, mấy bà thấy không? Cứ có con dâu đi rồi biết, vui lắm!”.
Hương Cần