Nhờ chồng cho ít xôi vào lò vi sóng quay lại cho nóng, Linh thấy chồng cau có: ‘Thôi, em làm đi. Anh chẳng biết vặn cái nút nào’.
Từ khi sống chung Linh mới thấy, đồ điện tử trong nhà như điện thoại, tivi, máy tính đến xe máy hay xe đạp của con, chồng Linh đều biết sửa khi hỏng. Chỉ riêng những thứ thuộc về phạm vi bếp như nồi cơm điện màn hình cảm ứng, máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, nồi áp suất… thì tuy biết nhưng anh xã Linh vẫn ngại “nhúng” tay vào. Khi hỏng, anh cũng chẳng buồn xem xét gì, toàn kêu “Gọi thợ” hoặc “Vứt đi, mua cái mới”. Hơn nữa, do đang làm phụ trách bán hàng cho một siêu thị điện máy nên cách sử dụng đồ điện tử, điện lạnh trong nhà với Linh không quá khó. Cứ ngỡ chồng không biết nên mọi việc Linh đều tự làm hết. Thành quen, Linh chẳng bao giờ nhờ chồng được việc gì, kể cả chuyện cho quần áo vào máy giặt vì anh xã sẽ chối đây đẩy: “Thôi, không biết bấm thế nào đâu”.
Cũng có anh chồng “giả dốt” như Linh, Trâm (Cầu Giấy, Hà Nội) toàn phải cáng đáng việc chăm con một mình. Vì nếu có nhờ: “Anh ơi, thay bỉm cho con hộ em” thì chồng Trâm đáp ngay: “Anh không biết thay” hoặc “Anh ơi, lấy hộ em cái yếm cho con rồi đeo cho con. Em xuống bếp chuẩn bị bột cho con đây” thì câu trả lời sẽ ngay lập tức là: “Anh không biết đeo yếm”. Nếu Trâm cố nì nèo: “Làm sao mà không không biết đeo? Dễ mà, đây em bảo, lần sau anh cứ thế mà làm” thì chồng sẽ cau có: “Sai gì nhiều thế? Anh không biết làm đâu” rồi bỏ đi chỗ khác.
Ban đầu, Linh cũng bất lực với chồng. Nhưng quyết “tranh đấu” bằng được “quyền” được chồng chăm con, Linh cực kỳ kiên trì. “Cứ sai nhiều vào, chồng khắc phải quen hết. Chồng cáu thì cứ cáu, nói không biết cũng kệ, mình nhờ thì cứ phải ‘rắn mặt’” – Trâm bày tỏ. Lần sau, hễ nhờ chồng mặc quần (mặc áo) cho con mà chồng kêu oai oái: “Không biết mặc áo cho con đâu, con nó cứ ngọ nguậy liên tục”, Trâm “bồi” thêm: “Thay giúp em đi. Em đang dở tay” rồi cứ để mặc chồng, con và… cái áo. Hoặc cũng có khi Trâm bỏ đi chỗ khác, làm việc khác, không quên nhắc: “Anh thay luôn giúp em đi, con nó lạnh đấy”… Chồng Trâm xót con, lần đầu còn lóng ngóng thay quần áo cho con. Những lần sau, anh làm “ngon ơ”.
“Thích nhất là một khi đã thành thói quen thì chồng mình không còn ngại chăm con nữa. Không biết gì thì ‘lão ấy’ sẽ hỏi làm thế nào, làm thế này được chưa chứ không đáp trỏn lọn: ‘Anh không biết’ nữa” – Trâm chia sẻ.