Khá nhiều bậc phụ huynh rất ngạc nhiên khi biết rằng bệnh nói leo, ngắt lời người khác của con phần nhiều lại là do cách giáo dục chưa hợp lý của mình. Chỉ khi được nghe các chuyên viên tâm lý phân tích, hầu hết trong số họ mới thấu hiểu nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng con trẻ nói leo chính là do người lớn quá chiều chuộng con. Trong trường hợp đó, trẻ luôn nghĩ mình là trung tâm của gia đình và mình nói gì, nói vào lúc nào, cả nhà đều phải lắng nghe. Vì cưng chiều và muốn bảo bọc con nên ngay từ nhỏ, người lớn thường cho con cùng đi theo khi giải quyết công việc, thậm chí hàng ngày còn cho con đến nơi làm việc. Từ việc được chiều chuộng, trẻ bắt đầu “nhiễm” một cách tự phát cách nói chuyện xen ngang. Do đó, thay vì chọn đi chơi cùng các bạn đồng trang lứa, thì trẻ lại thích đi cùng cha mẹ để được nói chuyện như người lớn.
Người lớn không hiểu rằng, trong quá trình quan sát, nghe ngóng, chú ý và tiếp thu hàng ngày, trẻ sẽ hình thành những thói quen và cách ứng xử theo kiểu mình là một thành viên quan trọng của gia đình. Nếu thói quen này thường xuyên diễn ra mà không được uốn nắn kịp thời thì trẻ sẵn sàng tham gia mọi chuyện. Ngoài ra, một số ít phụ huynh còn cho rằng, trẻ mà biết nhiều thứ thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm, chín chắn và trưởng thành nhanh hơn; nên khi trẻ hóng chuyện, nói leo để “đề xuất” ý kiến của cá nhân, thì cha mẹ đã “tiếp tay”, hùa theo cổ vũ. Đến khi hậu quả xảy ra, họ mới thừa nhận quan niệm về dạy con của mình là phản giáo dục.
Cần lưu ý rằng, khi trẻ nói leo, cắt ngang câu chuyện của người lớn, trẻ không nhận biết được đó là một hành vi xấu và vô lễ. Có nhiều trẻ nghĩ rằng nói leo là cách để khẳng định sự có mặt của mình. Vì thế, khi rơi vào tình huống này, cha mẹ cần phải bình tĩnh, không được mắng mỏ, đánh đập trẻ trước nhiều người vì sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của bé.
Dạy cho trẻ không nói leo là một quá trình trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Cha mẹ cần có những quy định rõ ràng, cụ thể với trẻ, không cho chúng có điều kiện tiếp xúc với công việc của người lớn, đồng thời người lớn nên chọn những địa điểm phù hợp để giải quyết công việc, tránh nơi có mặt con. Cũng cần dạy con những bài học lễ phép, biết tôn trọng người lớn. Mỗi gia đình nên tạo cho trẻ một không gian tâm lý thật thoải mái, hướng cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi, học tập để khơi dậy niềm hứng thú. Khi con có biểu hiện hay nói leo, thích hóng chuyện và cắt ngang lời người khác nói, người lớn nên phân tích để trẻ nhận ra thói quen không tốt này. Cần thiết có thể phê bình, nhắc nhở và xử phạt trẻ, để chúng nhận ra cái sai mà không tái phạm.
Dạy cho trẻ biết đưa ra yêu cầu một cách lịch sự, từ tốn khi cuộc nói chuyện của người lớn đã tạm dừng. Hãy luôn khuyến khích trẻ nói câu xin phép khi cần làm phiền người khác và chỉ làm phiền người khác với những lý do chính đáng. Khi trẻ thực hiện được, bạn cần có lời khen ngợi, động viên kịp thời để khuyến khích trẻ duy trì và dần dần hình thành thói quen. Để được như vậy, bạn cũng không được xen ngang hay tranh phần nói với trẻ khi bé chưa nói hết ý. Cha mẹ hãy dạy cho bé biết làm chủ hành vi của mình trong khi ứng xử, biết tôn trọng người khác khi giao tiếp. Ngay cả khi chỉ có bạn và bé, không được tạo điều kiện cho bé nói leo. Bạn hãy dạy trẻ biết kiên nhẫn lắng nghe người khác nói hết ý câu chuyện mới đưa ra ý kiến của mình. Dần dần, bạn sẽ hình thành cho con những kỹ năng giao tiếp cần thiết trong cuộc sống.
Lê Phạm Phương Lan
(theo kienthucgiadinh)