ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Liệu cơm gắp mắm thời lạm phát
Wednesday, December 28, 2011 17:22
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Giá cả biến động mỗi ngày, “phải tiết kiệm, tiết kiệm” là câu nói đang nằm sẵn trong đầu nhiều người, nhất là phụ nữ mỗi lúc xách giỏ đi chợ. Nhưng tiết kiệm thế nào đây khi cận tết rồi mà vẫn còn quá nhiều thứ phải mua sắm?

Diễn đàn về quản lý chi tiêu do hội Phụ nữ TP.HCM vừa tổ chức tuần qua cho biết theo một khảo sát nhỏ, khoảng 2/3 trường hợp chi tiêu luôn bị âm vào cuối tháng.

Liệu cơm gắp mắm thời lạm phát - Tin180.com (Ảnh 1)

Xoay đâu cũng khó

“Mới rút 2 triệu cách đây dăm hôm, vậy mà nay hết sạch. Nào tiền ăn uống, điện nước, phí sinh hoạt chung cư, phí phát sinh tiệc tùng, phí họ hàng thân thuộc, rồi học phí cho con, cái nào cũng cần” – bước ra từ một buồng ATM, chị Phan Thu Nhàn than với đồng nghiệp về nỗi lo ngân sách hàng tháng của cả gia đình. “Tiền lương hai vợ chồng tôi cộng với tiền cho thuê nhà mỗi tháng cũng 20 triệu đồng. Nhưng rồi tiền chợ búa, điện nước, điện thoại, xăng xe, học phí cho con, ăn sáng, các khoản phát sinh cứ ngốn hết, cuối tháng tằn tiện lắm mới dư vài trăm ngàn, còn lại thường bị âm. Vài trăm ngàn còn dư kia bỏ ống, cuối năm chỉ dám mua quà gửi biếu bố mẹ già ngoài Bắc chứ chẳng mua nổi vé máy bay cho vợ chồng con cái đùm đề nhau về. Không biết nếu có người đau ốm thình lình thì chạy đâu ra tiền”, chị thổ lộ.

Hoà An, 25 tuổi, nhân viên truyền thông, thừa nhận mình không có khả năng trong chuyện chi tiêu: “Em không shopping, spa, la cà quán xá kể từ khi lập gia đình. Nhưng không hiểu sao, chưa đến cuối tháng mà ngân khoản của hai vợ chồng đã kiệt. Cầm 100.000 đồng đi chợ mà nhìn thứ nào cũng cần mua, nhưng thứ nào cũng đắt đỏ. Vậy là phải cầm thẻ ghi nợ vào siêu thị để mua cho đúng ý, để rồi lương tháng sau phải bù vào khoản nợ của thẻ. Cưới nhau đã hơn một năm mà vợ chồng em vẫn chưa tiết kiệm được đồng nào, nên chẳng dám lên kế hoạch sinh con”.

Chi tiêu cũng cần kỹ năng

Khi cùng Hoà An phân tích những khoản chi từ thực phẩm, rau củ, mới hay cô không biết đo đếm lượng thực phẩm mỗi ngày cho gia đình. Mỗi lần đi chợ hay siêu thị, Hoà An thường mua quá số lượng dành cho hai người. Ví như, thay vì nửa ký rau đã đủ, cô lại mua luôn cả ký vì sợ thiếu, thịt thì cũng mua cả ký, cá cũng vài con, thực phẩm tươi ngon đều thuộc hàng cao cấp. Nhưng hai vợ chồng lại thường xuyên thay đổi khẩu vị, món ăn mỗi bữa, rồi hứng lên, cả hai lại đi nhà hàng. Thức ăn thừa cứ chất đầy trong tủ lạnh đến lúc hư là bỏ thùng rác. Nếu tổng kết cuối tháng, số thực phẩm hư bỏ đi của gia đình Hoà An có khi lãng phí đến vài ba triệu đồng.

Trao đổi với thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, giảng viên học viện Hành chính đào tạo kỹ năng mềm TP.HCM, chị tư vấn: “Nên lập chi li từng khoản chi tiêu trong tháng làm thành các nhóm: khoản chi bắt buộc (điện nước, thực phẩm, học phí, nhu yếu phẩm), khoản không bắt buộc (mua sắm, làm đẹp, du lịch), và các khoản phát sinh (đám cưới, giao tiếp, bệnh viện). Từ các khoản trên, bạn cân nhắc nên cắt giảm khoản nào cho hợp lý với hoàn cảnh của gia đình. Có sổ chi tiêu, bạn sẽ kiểm soát và cắt giảm được thói quen lãng phí của mình”.

Cũng theo thạc sĩ Thuý, cắt giảm chi tiêu cũng là một nghệ thuật. Bởi đôi lúc con người ta bị thói quen mua sắm theo cảm hứng chế ngự. Vì vậy, lúc ra đường hoặc có ý định đi chợ, siêu thị, phụ nữ chớ nên mang theo quá nhiều tiền, chỉ nên mang đủ để mua những món cần thiết, và chi phí dọc đường như xăng xe. Và trước khi mua một món đồ, hãy suy nghĩ thật kỹ xem món đồ đó có thật sự cần thiết trong giai đoạn này hay không. Ngay cả chuyện mua sắm tết cũng phải có kế hoạch. Nhiều trường hợp lãng phí, tống tiễn hết đồ gia dụng cũ để sắm sửa toàn bộ những thứ mới, làm ngốn số tiền không nhỏ. Muốn tiết kiệm, chỉ cần tu sửa, lau chùi lại những vật dụng cũ, và chỉ mua sắm những món không thể không mua, để khỏi rơi vào cái bẫy của sự lãng phí.

Nguyên Cao

Liệu cơm gắp mắm thời lạm phát - Tin180.com (Ảnh 2)

Sẽ tiết kiệm được nếu không lười suy nghĩ

Nguyễn Ngọc Loan My, 28 tuổi, công ty Tài chính PPF Việt Nam, TP.HCM:

Nhiều người cầm vài chục ngàn đồng ra chợ, cứ ngẩn ngơ không biết mua gì cho bữa ăn gia đình. Tôi đã tập tành thói quen cầm ít tiền đi chợ từ khi có gia đình. Tôi thấy điều này không khó, chỉ mắc công suy nghĩ thêm phải mua gì, ăn gì cho đúng. Ví như, với 80.000 đồng, tôi có thể làm được ba món cho một bữa ăn của bốn người, gồm: gà kho sả, rau muống nấu canh cà chua, cá chiên, và một phần trái cây tráng miệng. Khéo đong đếm, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thứ. Và trước khi phung phí một số tiền, bạn hãy nghĩ đến gia cảnh của những công nhân nghèo, có khi hai bữa cơm mỗi ngày của họ tốn chưa đến 20.000 đồng. Ngay cả với các đồ dùng nấu nướng trong nhà, tôi cũng luôn cân nhắc chọn loại nồi đáy mỏng, giữ nhiệt lâu để tiết kiệm điện, gas. Hoặc thay vì đi spa ngoài tiệm, tôi gội đầu tại nhà, ra chợ mua sả, trái cây về tự làm đẹp. Chỉ cần động não, bạn sẽ không lúng túng với túi tiền của mình.

Liệu cơm gắp mắm thời lạm phát - Tin180.com (Ảnh 3)

Giữ sức khoẻ cũng là tiết kiệm

Lê Trọng Điền, 40 tuổi, Tân Bình, TP.HCM:

Tiết kiệm là câu chuyện không của riêng ai. Nhưng tôi lại gặp nhiều quý ông no say chè chén với số tiền giữ lại từ lương, phó thác trách nhiệm chi tiêu cho người vợ. Tôi cũng gặp không ít trường hợp vào quán xá, vô tư phì phèo thuốc lá và càphê, vào bàn tiệc thì uống bí tỉ mới thôi. Vì vậy, ngay khi còn trẻ, thanh niên hãy tập cho mình lối sống sạch, không khói thuốc, giảm rượu bia. Giữ gìn sức khoẻ cũng là một cách tiết kiệm cho tương lai của bạn và những người xung quanh.

(theo sgtt)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.