Tác động của suy thoái kinh tế không chỉ làm chi tiêu của các gia đình ngặt nghèo hơn mà có khi còn gây thảm hoạ nếu chẳng may trụ cột thu nhập trong gia đình bị mất việc. Sức nặng kinh tế đột ngột đổ xuống trên vai người bạn đời còn lại, có thể làm tổ ấm tan vỡ nếu người trong cuộc không biết cách cư xử trước biến cố này.
Bên bờ đổ vỡ
Khi độc giả đọc được câu chuyện này thì vợ chồng anh Võ Thành Tâm (*) đã qua bước hoà giải ly hôn không thành và đang chờ phiên toà ly hôn sắp tới của TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo lời kể của anh Tâm, do tình hình kinh doanh không hiệu quả nên cuối năm 2010, ngân hàng nước ngoài nơi anh làm việc đã cắt giảm nhân sự và anh nằm trong số những nhân viên phải kết thúc hợp đồng lao động. Chưa tìm được việc ở nơi khác nên anh Tâm ở nhà lo cho hai con ăn uống, học hành, bếp núc. Vợ anh, ngoài giờ làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước cũng nhận thêm công việc làm sổ sách cho các công ty tư nhân. “Đổi vai” rồi anh Tâm mới thấy mệt mỏi khi không thể quen với chuyện lo cho con cái, chợ búa… Vợ anh về nhà thì cơm nước xong là lao vào máy tính làm việc, chuyện chăn gối cũng nói “không” với chồng. “Mỗi lần nghe cô ấy than vãn công việc cực khổ hay mắng con, tôi khó chịu lắm. Sinh nhật vợ muốn mua quà tặng rồi cứ nghĩ lẩn thẩn tiền cô ấy làm ra, mình mua quà tặng cô ấy thì vô nghĩa quá. Vợ tôi tính vốn mạnh mẽ, cô ấy không bằng lòng với việc tôi ở nhà, dù tôi cũng ráo riết đi xin việc làm mà chưa được nhận. Tôi đã quá mệt mỏi và chỉ muốn được yên thân. Ly dị là do vợ tôi nói ra trước, tôi thấy như vậy cũng tốt cho cả hai…”, anh Tâm chán nản.
Mặc cảm “mất giá”
Chị Võ Nguyễn Phương Anh (*), trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn truyền thông có chồng làm việc cho công ty tài chính của Mỹ. Do sơ suất trong công việc dẫn đến một số sai sót nên chồng chị bị đuổi việc. “Chồng tôi bị sốc. Tôi biết với trình độ học hành và kinh nghiệm đã có, anh ấy không khó khăn lắm trong chuyện xin việc, nhưng thời buổi này các công ty tài chính cũng thắt chặt tuyển dụng mới. Tôi không khó khăn về tài chính nhưng vấn đề là khi chồng tôi không kiếm ra tiền, anh ấy như phát điên. Buồn bực thì anh ấy đi nhậu. Tôi hỏi có cần tiền chi tiêu không thì anh ấy nổi xung lên vì nghĩ tôi đang thương hại chồng. Tôi buồn lắm, vì vợ chồng ai chẳng có lúc này lúc kia nhưng sĩ diện của chồng tôi sao lớn quá…”, chị Phương Anh bật khóc kể.
Chi tiêu khéo léo, níu kéo hôn nhân
TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý, đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Thất nghiệp đang là mối lo rất lớn cho các gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Nếu trước nay thu nhập chính của gia đình đều phân chia đồng đều trách nhiệm cho cả hai vợ chồng, thì nay bỗng dưng một trong hai người không có việc làm, gánh nặng của cả gia đình sẽ dồn hết trên vai người còn lại. Nếu không biết cách xử lý, hôn nhân của bạn có nguy cơ đứng bên bờ vực tan vỡ”. Tuy nhiên, theo ông Nam, chuyện thất nghiệp không thuộc trách nhiệm của người vợ hay người chồng mà phụ thuộc sự phát triển của nền kinh tế. Nếu hai vợ chồng có một người thất nghiệp, hẳn họ sẽ rơi vào tâm trạng căng thẳng, chán nản, tự ti. Người còn lại hãy cố gắng giúp họ quên đi thái độ đó, động viên người chồng hoặc vợ của mình, và điều quan trọng là phải biết chấp nhận hoàn cảnh. Ngay cả người bị thất nghiệp cũng cần sống lạc quan, để bạn đời không bị áp lực trong ứng xử. Cần thiết nhất vào thời điểm này, là chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng cho những rủi ro, và lên kế hoạch giải quyết những rủi ro đó. “Ngoài chú ý thái độ dành cho nhau, ngay lúc này, hai vợ chồng cũng cần lập lại các khoản chi tiêu thích hợp, hạn chế những thứ không cần thiết để có thể xoay trở vừa đủ nửa túi tiền còn lại. Chi tiêu khéo léo cũng là cách để níu kéo hôn nhân”, ông Nam khuyên.
Minh Phương – Nguyên Cao
(*) Tên đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.
Cái khó ló cái khôn Nguyễn Thanh Hoà, 29 tuổi, TP.HCM: Vợ chồng tôi từng rơi vào hoàn cảnh này, nên thấu hiểu những khó khăn đó. Do công ty làm ăn thua lỗ nên chồng tôi buộc phải nằm trong danh sách giảm biên chế. Cũng đã có một giai đoạn hai vợ chồng rơi vào trạng thái ức chế tâm lý. Tôi ngoài công việc chính ở công ty, lại chạy thêm ở ngoài cho đủ chi tiêu hàng tháng. Trong khi đó, chồng tôi do buồn bản thân nên hết nhậu, lại nằm nhà trăn trở. Bầu không khí gia đình vô cùng ngột ngạt. Nhưng không thể kéo dài vậy mãi, hai vợ chồng ngồi lại với nhau, bàn bạc. Tạm thời giai đoạn đó, tôi “lên ngôi” (theo cách nói của chồng), chạy ngoài kiếm thu nhập cho gia đình. Còn anh nhận trách nhiệm việc đưa đón con đi học, lo việc nội trợ, và lân la tìm việc những nơi khác. Điều quan trọng, hai chúng tôi thống nhất, không nên vì đồng tiền, vì sự thiếu hụt mà cãi nhau vào lúc này, vì cãi nhau chỉ làm tâm lý bất ổn thêm. Nhưng cũng nhờ thất nghiệp mà chồng tôi bỏ luôn thói quen hút thuốc lá. Coi như trong rủi có may! Sáu tháng sau, anh kiếm được việc khác, và cũng nhờ giai đoạn thất nghiệp mà hiểu thêm nỗi nhọc nhằn chợ búa, nội trợ, quản lý gia đình, chăm con của vợ. Không riêng gì vợ chồng chúng tôi, khi đối mặt với những khó khăn, bạn sẽ trở thành người sáng suốt, biết tìm cách nào để giữ vững hôn nhân của mình. Trong cái khó, có ló cái khôn là vậy. Người trong cuộc phải tự thoát ra Lai Viết Thanh, 34 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM: Công việc đang ổn định, đột nhiên một buổi sáng nghe tin mình nằm trong danh sách nhân viên bị giảm biên chế, tôi đã sốc, thậm chí bị trầm cảm suốt một tháng trời. Vợ tôi động viên tôi đủ điều, người thân ai cũng thông cảm cho mình, nhưng bản thân tôi không thể chấp nhận chuyện vừa xảy ra. Suốt một tháng trời tôi chìm trong im lặng, gặp ai cũng gắt gỏng, không ăn uống, đêm về lang thang hết ngoài bancông, lại xuống phố. Chỉ đến khi nhìn thấy vợ hai mắt sâu hốc, đầu bù tóc rối vừa chăm con vừa mang việc về nhà làm, tôi mới sực tỉnh. Thật ra, khi mình bị cú sốc thất nghiệp, thì chính người thân mới là người gánh chịu nhiều xót xa. Cách tốt nhất là vạch ra hướng đi khác, chứ không thể ngồi yên lặng, nhìn đời và tự than trách. Hơn nữa, tôi lại là đàn ông. Không làm việc công sở, tôi tự tạo việc ở nhà, treo cái biển sửa điện nước, phụ xây dựng trước cửa nhà, vậy là hàng ngày, trong khu phố có nhà hư bóng đèn, môtơ nước hỏng, hoặc máy lạnh cần vệ sinh, rồi mái nhà bị dột, họ đều gọi tôi. Từ biển hiệu nhỏ, dần dà do nhiều người cần đến mình, tôi mở rộng phạm vi công việc, thuê một số sinh viên làm thêm, thành tiệm sửa chữa đồ gia dụng. Tôi thoát ra khỏi sự chán chường, tự ti bằng những việc làm như vậy đó. |
(theo sgtt)