Luôn tâm niệm “nếu bị chồng tát một cái sẽ phải xông vào tát lại 2 cái” nên khi chuyện này xảy ra thật, Phương không ngần ngại “bạt” lại chồng.
Có bố mẹ chồng, Phương vừa khóc lóc vừa phân trần, xung đột bắt nguồn từ chồng Phương. Anh xã Phương bài bạc rồi tự ý bán xe, phải lấy xe của vợ để đi làm. Đã thế khi vợ nói, còn không biết hối cải, lại còn đánh lại vợ. Mẹ chồng Phương hiểu chuyện, cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên can: “Thôi, vợ chồng có chuyện gì cứ từ từ bảo nhau. Làm ầm lên hàng xóm cười cho”. Phương không phục vì đáng lý, lỗi tất cả ở chồng Phương thì bố mẹ chồng cũng phải đứng về phía con dâu, bênh con dâu rồi chê trách con trai, đằng này…
Phương đem uất ức kể với mẹ đẻ. Mẹ đẻ Phương kêu trời: “Con là đàn bà, có sức mấy mà đánh lại được chồng. Khôn ngoan thì phải tìm cách tránh không bị đánh hoặc nếu bị chồng bạo hành thì phải biết cách thoát thân. Đừng cố ‘ăn miếng, trả miếng’ với chồng làm gì…”. Sau đó, Phương còn được mẹ đẻ phân tích rằng, chia sẻ để sống ôn hòa với người chồng có “máu nóng”, khó kiềm chế nhưng khi đã hết cơn giận thì vẫn thương vợ, chiều con như chồng Phương.
“Bây giờ thì mình từ bỏ ý nghĩ là sẽ tát lại chồng. Bởi làm thế mình đâu có trả lại được cái tát anh ta vừa tát mình, nếu không muốn nói là bị chồng tạt thêm cho vài cái nữa. Mình không bao giờ ủng hộ chuyện đánh vợ nhưng đánh trả lại chồng, mình cũng không thấy có lợi gì, chỉ tổ thiệt thân” – Phương bày tỏ.
Sau lần đầu bị đánh đó, Phương dõng dạc và nghiêm túc nói với chồng là: “Em cũng không đúng khi cằn nhằn anh cả tối. Nhưng lần sau, nếu anh còn đánh vợ, nghĩa là anh không tôn trọng vợ. Vợ chồng đã không tôn trọng nhau thì ra tòa giải phóng cho rồi”.
Cũng phải thay đổi quan điểm “dùng bạo lực chống trả chồng” là Hồng (Hà Đông, Hà Nội). Chứng kiến cảnh chị gái luôn phải nhẫn nhịn, cam chịu rồi bị chồng đánh đến sứt đầu mà không dám vùng lên khiến Hồng phẫn nộ. Hồng bày tỏ rõ ràng với chồng là: “Nếu anh đánh em như anh rể đánh chị gái, em cũng sẽ ‘quyết chiến’ tới hơi thở cuối cùng. Không thể để phụ nữ bị ‘đè đầu cưỡi cổ’ mãi được”. Tất nhiên, tình cảm của vợ chồng Hồng khác với vợ chồng chị gái, bởi từ khi cưới đến giờ được gần 3 năm, cộng với gần 4 năm yêu nhau, Hồng chưa bao giờ bị chồng đánh, chỉ giận dỗi vụn vặt mà thôi.
Tính Hồng hay “đay đi đay lại” một chuyện, hay xót ruột vì chồng tiêu pha tùy hứng trong khi đó, chồng Hồng hiền nhưng cục. Sở dĩ gia đình êm ấm được là nhờ mẹ chồng Hồng luôn giống như một “quan tòa” công tâm, can gián vợ chồng con trai ngay từ sớm. Một lần, mẹ chồng đi vắng, chồng Hồng rút lãi tiết kiệm định kỳ lại nổi hứng sắm tivi dù hai vợ chồng đã thống nhất từ trước là số tiền đó để mua thêm vàng. Lúc về, Hồng cằn nhằn mắng chồng. Chồng Hồng cũng “điên” lên, ném cả sổ tiết kiệm vào mặt vợ rồi đẩy vợ ngã dúi dụi. Nhanh như cắt, Hồng lao tới cắn vào bắp tay chồng. Bất ngờ, Hồng bị chồng giật tóc, rồi dúi đầu vào cạnh tủ… Bị đau, Hồng choáng váng ngồi kêu khóc, chứ không còn sức “chiến đấu” lại chồng…
Chồng Hồng bỏ ra ngoài. Khi về, anh còn “dỗi ngược” lại vợ, không quan tâm, hỏi han xem vợ thế nào, đỡ đau chưa mà gây “chiến tranh lạnh”, ý là tại Hồng lao vào cắn nên mới bị đẩy ngã là đáng đời… Dù hai vợ chồng Hồng đã nguôi ngoai đi nhiều và làm lành trở lại nhưng mỗi khi nghĩ đến đó, Hồng vẫn bị tổn thương. Dù gì hai vợ chồng cũng mang tiếng “tri thức”, là thầy giáo, cô giáo dạy dỗ học sinh, thế mà lại cư xử như “côn đồ”… Tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau cũng vơi đi ít nhiều. Chính vì lẽ đó, Hồng “quán triệt” với chồng: “Dù có thế nào cũng không được đánh nhau. Vết thương ngoài da có thể lành nhưng vết thương trong lòng thì còn mãi”. Chồng Hồng khi bình tĩnh thì rất biết đúng – sai nên cũng ủng hộ quan điểm của vợ.