Mắm-món quà ý nghĩa của người Việt
Sunday, December 25, 2011 9:19
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Có lẽ không có một Quốc gia nào lại có đồ chấm phong phú với các loại mắm như ở Việt Nam. Từ mắm có trong từ điển tiếng Anh như một từ phái sinh tất yếu của nhân loại.
Bát nước mắm được coi là trung tâm mâm cơm của gia đình Việt. Mọi người chấm chung thức ăn với một bát nước mắm.
Mắm của Việt Nam rất phong phú. Mắm chủ yếu làm từ nước cốt của các loại cá, tôm, cua… từ sông hoặc từ biển. Mỗi vùng miền lại có những loại mắm khác nhau. Mắm có mùi thơm đặc trưng mà nếu ai không ngửi quen sẽ cảm thấy khó chịu. Nhưng mắm cũng là một thứ quà đem biếu, đem tặng được người Việt rất yêu thích.
Phổ thông nhất là nước mắm làm từ cốt cá hoặc tôm (tép). Các loại mắm làm từ chượp cá, tôm nổi tiếng ở các vùng: Hải Phòng (mắm Cát Hải), Phú Quốc (mắm Phú Quốc), Nha Trang (mắm nhỉ Nha Trang)…
Nhiều người nhầm tưởng các loại nước mắm như mắm được quảng cáo tràn lan trên tivi… là nước mắm cốt cá tự nhiên. Nhưng đó là các loại nước mắm hương liệu. Còn nước mắm làm từ chượp cá, tôm chính hiệu là loại nước mắm có độ đạm như mắm Cát Hải, mắm Phú Quốc, mắm Nha Trang mới là nước mắm ngon đích thực. Những loại mắm này tỏa mùi gắt đặc trưng, mặn, nhìn hơi đục. Nước mắm loại này mà chế biến thực phẩm sẽ mang lại mùi thơm dậy khắp nơi.
Ngoài ra, ở mỗi vùng miền lại có các loại mắm chế biến ăn ngay. Ví như các loại mắm cáy ở Thái Bình, Hải Phòng. Mắm thường được làm và ăn vào mùa hè, chấm cà, chấm rau muống là nhất. Mắm có vị mặn, dầm ít ớt tươi vào ăn rất thú vị. Khi ăn, bạn sẽ thấy vị ngái ngái, nhìn thấy cả những cẳng càng con cáy ở bát mắm.
Các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng có loại mắm đặc trưng. Ở vùng này nhiều cá nên bà con phải làm mắm để ăn dần.
Cá chọn làm mắm thường phải còn tươi. Sau khi đánh sạch vảy, ướp muối theo kỹ thuật của từng gia đình, cá được nhận vào lu, vại tùy theo số lượng nhiều hay ít. Mắm còn được ướp với đường hũ, thính rất công phu nên thịt con mắm lúc nào cũng đỏ tươi, thơm phức. Đồng bào miền Tây rất ưa ăn mắm sống với cơm nguội.
Mắm cá lóc hay cá sặt xé nhỏ, ăn với cơm nguội rất tuyệt, nhưng phải bốc bằng tay mới thưởng thức hết cái hương vị đặc biệt của nó. Ở đây, mọi người ăn cơm, bún, bánh… với mắm.
Mắm Huế.
Ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Bình có mắm quanh năm. Mắm cá có các loại: mắm cá nục, mắm cá ngừ, mắm cá chuồn, mắm cá thu, tép chua, mắm cá cơm… Ngoài ra còn có cá loại mắm như mắm dứa, mắm cà, mắm rò, mắm nêm, ruốc, tôm chua, cà pháo. Các loại mắm ở đây có nhiều vị: chua, cay, mặn, ngọt rất hấp dẫn khách du lịch. Ai đến đây mà không mang về vài ba lọ mắm làm quà thật phí!
Người Hà Nội tuy không phải đất mắm tôm nhưng lại có món bún đậu mắm tôm rất được nhiều người ưa thích, như một món ăn đặc trưng của Hà Nội. Đậu phụ làng Mơ mềm, rán phồng lên, chấm với mắm tôm pha với chanh (quất), bỏ ít đường, ớt tươi, một chút rượu trắng, ít nước mỡ rán đậu làm sánh bát mắm tôm.
Bún đậu mắm tôm ăn với rau sống, nhất là rau kinh giới rất ngon. Ngoài ra bún chấm mắm cũng là loại bún con, không phải bún rối. Ai không ăn được mắm tôm có thể thay thế mắm (vẫn là mắm) chấm bình thường.
Thức ăn hay ẩm thực là một khía cạnh của văn hóa. Như vậy mắm là một di sản văn hóa dân tộc vậy, là một di sản của quê hương khắp các vùng miền của Việt Nam. Một chai mắm làm quà trong những ngày giáp Tết rất được coi trọng trong suy nghĩ của người Việt.
(Theo afamily)