Trong gia đình, nếu vợ chồng không đọc được những gì mà người kia không nói thành lời, bạn sẽ đánh mất một lượng thông tin đáng kể.
Nhà tâm lý học người Nga Bodalev cho rằng: “Để đạt tới hiểu biết thật sự trong hôn nhân, vợ chồng cần phải có sự thông cảm đến mức không cần phải nói ra mới hiểu”, vì khi giao tiếp với nhau, có những điều được nói thành lời và cũng có những điều thể hiện qua những tín hiệu phi ngôn ngữ.
Những tín hiệu này lộ ra qua ánh mắt, nụ cười, sắc mặt, cử chỉ, giọng nói, âm lượng, thậm chí cả tiếng thở. Trong cuộc sống gia đình, nếu vợ chồng không đọc được những gì mà người kia không nói thành lời, bạn sẽ đánh mất một lượng thông tin đáng kể. Theo tính toán của các chuyên gia về giao tiếp, nó chiếm không dưới 40%.
Giải mã tín hiệu phi ngôn ngữ
Một anh cầm bàn tay cô gái nói rất chân tình: “Anh yêu em, em có đồng ý làm vợ anh không?”. Thấy cô gái cứ ngồi im, anh ta lại gặng hỏi: “Sao em không trả lời anh?”. Thực ra cô gái đã trả lời nhưng anh chàng không giải mã được tín hiệu của cô gái, khi cô gái đã không rút bàn tay về mà còn se sẽ bóp nhẹ bàn tay anh. Không gì tai hại bằng, bạn chỉ có thể nhận thông tin qua kênh ngôn ngữ, còn các kênh khác thì gần như vô cảm. Người như thế rất khó nắm bắt được hạnh phúc. Kể cả khi lấy vợ rồi mà chỉ biết nhận thông điệp bằng ngôn ngữ thôi, bỏ qua các kênh khác, cũng không thể hiểu “bà xã” muốn gì. Đó là chưa kể, có khi ngôn ngữ một đằng, nội dung thông báo lại một nẻo.
Có anh rất ngại mó tay vào việc nhà, một hôm vợ phải nói tận mặt: “Anh động chân động tay một tí đi! Quét cho em cái nhà!”. Anh chồng miễn cưỡng cầm chổi khua khua mấy cái, mắt vẫn nhìn vào tivi theo dõi trận bóng đá. Vợ ngứa mắt bảo: “Thôi anh xem truyền hình đi, để đấy em quét”. Anh ta mừng quá vứt cái chổi, lại ngồi dán mắt vào tivi. Đến lúc vợ rít lên: “Chồng con thế này có khổ không hả giời!”. Anh ta quay lại ngơ ngác: “Em vừa bảo để em quét còn gì?”.
Một chị có chồng ngoại tình, kỳ công theo dõi bắt quả tang tại trận. Cô nhân tình nhanh chân chạy mất, chỉ còn mỗi ông chồng đứng chịu trận. Người vợ cứ giật áo chồng hỏi đi hỏi lại: “Bây giờ em hỏi anh: Anh có yêu em không?”. Chị ta còn nói thêm, nếu trả lời là “có” thì tha thứ, nếu trả lời “không” thì cho đi tàu suốt luôn. Mọi người chứng kiến cảnh đó không nhịn được cười. Hỏi như thế khác nào trao cho anh ta cái quyền quyết định tha thứ hay không, vì anh ta nói thế nào chẳng được? Chẳng lẽ bao lâu ăn cùng mâm, ngủ cùng giường mà chị không biết chồng có yêu mình không?
Trong một chương trình tư vấn trực tiếp phát trên sóng FM Đài Tiếng nói Việt Nam, một nữ thính giả chia sẻ: “Chị ơi em buồn lắm vì hết lòng với chồng mà chẳng được chồng yêu”. Hỏi: “Sao chị biết chồng không yêu?”. Chị ta thở dài: “Bốn năm nay, từ ngày lấy nhau đến giờ, chưa bao giờ anh ấy tặng em được một bông hoa chị ạ! Ngày 20/10 vừa qua, đến cơ quan thấy chị em khoe được chồng tặng hoa này, hoa nọ lại càng tủi thân”. Nhưng, nói chuyện một lúc mới biết, anh này sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo, chưa bao giờ thấy cha tặng hoa cho mẹ nên anh ta không có thói quen đó. Nếu căn cứ vào đó để cho là anh ta không yêu vợ thì rất oan. Theo chị vợ kể thì anh ấy rất chung thủy, lại chịu khó làm ăn, được bao nhiêu tiền đưa cả về cho vợ, tuy vất vả nhưng không kêu ca phàn nàn gì. Thế chẳng phải là tình yêu ư? Cứ phải tặng hoa mới là yêu à? Trong khi có anh mua hoa tặng bạn gái chẳng may không gặp, vứt đi thì tiếc liền đem về tặng vợ. Lần đầu tiên được chồng tặng hoa, vợ hí hửng mừng, đâu biết thực tế lại quá phũ phàng. Nếu chỉ căn cứ vào hành vi cụ thể, rất dễ hiểu lầm trong những trường hợp như thế.
Có chị lại ca thán: “Chồng em chẳng bao giờ nói được câu “Anh yêu em”, trong khi chồng đứa bạn em nói câu đó hàng ngày, nghe nó kể mà thèm”. Nhưng, nghe chị tâm sự một lúc mới biết đó là người đàn ông rất yêu vợ. Anh ấy đánh giá cao những công việc vợ làm mà không bảo vợ nghỉ việc ở nhà nội trợ còn hơn. Khi vợ gặp khó khăn, anh ấy không quản ngại ghé vai vào giúp đỡ. Vòng tay âu yếm của anh ấy mỗi khi nằm bên vợ nồng nàn chẳng ai bằng. Lẽ nào như thế không phải tình yêu? Đàn ông yêu vợ không giống nhau, mỗi người một cách. Chỉ khi đọc được những tín hiệu phi ngôn ngữ ấy thì bạn mới hiểu chồng. Ở đời, có những người bất hạnh chỉ vì không nhận biết được hạnh phúc mình đang có.
Đàn ông và phụ nữ khác nhau
Trong thực tế, với không ít gia đình, vợ chồng không đọc được tín hiệu phi ngôn ngữ của nhau. Kênh tín hiệu này bị “nghẽn” vì đàn ông và đàn bà có những ứng xử khác nhau với cùng một tình huống. Buổi tối trong gia đình, người chồng ngồi yên lặng uống nước không nói gì, vợ lại tưởng chồng có tâm sự gì nặng nề. Thế là chị ta cứ gặng hỏi: “Cơ quan anh hôm nay có chuyện gì à?”. Chồng trả lời: “Không”. Vợ lại hỏi: “Hình như anh có chuyện gì giấu em?”. Chồng bực mình: “Có chuyện gì đâu!”.
Hóa ra chẳng có chuyện gì cả. Khi người đàn ông không nói gì có thể là họ đang hài lòng với thực tại hoặc cũng có thể anh ta đang có điều gì suy nghĩ nhưng chưa tìm ra giải pháp nên chưa muốn nói với ai, đó là đặc điểm tâm lý của đàn ông. Điều này khác hẳn với phụ nữ, khi có tâm sự, họ khó giữ kín trong lòng mà thích chia sẻ với người khác. Nhiều khi không phải họ cần một lời khuyên mà chỉ cần người nghe họ nói là đã giải tỏa phần nào tâm trạng. Còn khi phụ nữ đã im lặng thì không có nghĩa là họ bằng lòng mà đang có điều gì đó buồn phiền, bực tức. Cho nên nhiều người đàn ông về đến nhà thấy vợ ngồi lặng lẽ biết ngay là có chuyện. Chả thế mà có mấy câu đúc kết: “Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.
Muốn hiểu đúng tâm trạng người bạn đời còn cần phải kết hợp với quan sát những đường nét biểu cảm trên gương mặt họ. Điều này phụ thuộc vào khả năng phán đoán của từng người. Dễ thấy nhất là qua các đường nét quanh khóe miệng và cặp lông mày. Hình dạng của đôi môi cong lên hay cong xuống cũng biểu lộ mức độ hài lòng hay không. Xác định những biến đổi trong khóe mắt thì khó hơn và không phải ai cũng nhận ra. Có những người rất nhạy cảm, vợ chồng sống với nhau lâu ngày, thuộc hết cả tính nết, thậm chí chồng đi làm về chỉ cần nghe tiếng chân bước lên cầu thang đã biết hôm nay trong lòng anh ta vui hay buồn. Có người chồng chỉ cần liếc qua gương mặt vợ đã biết “bà xã” có điều gì bức xúc.
Khi vợ chồng hiểu nhau đến như vậy thì rất dễ sống. Vợ biết chồng đang bực mình, không nên làm cho anh ta bực hơn bằng những lời căn vặn hay nói ra nói vào. Có khi chỉ cần người vợ cứ lẳng lặng làm công việc của mình, không hỏi han gì cả mà người chồng đã thấy rất dễ chịu. Trái lại nếu người chồng thấy vợ ngồi lặng lẽ thì không thể cứ mặc cô ta, đi làm công việc của mình hay cứ vô tư bật nhạc lên nghe. Nếu chồng cư xử như vậy, người vợ sẽ cảm thấy mình cô đơn, trơ trọi, chẳng có ai chia sẻ và càng buồn tủi hơn. Nhiều khi trong gia đình có những cơn giông bão chỉ vì vợ chồng không đọc được “tín hiệu ngầm” của nhau, không nắm bắt được trạng thái tâm lý của người kia hoặc hiểu lầm những tín hiệu đó cũng gây ra những bất hòa không đáng có. Cho nên, những người thông minh, nhạy cảm thường dễ có cơ may được hưởng hạnh phúc gia đình.
Để đọc được những tín hiệu không lời của nhau, vợ chồng phải có quá trình giao lưu thân mật mới hiểu tính nhau và từ đó sẽ dễ phán đoán. Trong cuộc sống lại có những điều nếu nói ra thành lời lại mất đi tính tế nhị và lãng mạn của nó. Chị Lê Thanh, một giáo viên trung học cho rằng, khi phải nói: “Em rất thích nếu được anh tặng hoa nhân sinh nhật của em” thì chồng mới mua hoa tặng, còn gì là lãng mạn nữa? Thế là buổi tối, chị lẳng lặng đem lọ hoa ra lau chùi rồi bày sẵn lên bàn, ngay chỗ anh đang ngồi đọc báo. Anh nhìn thấy, nhớ ngay là sắp đến sinh nhật vợ. Thế là hôm sau anh đi làm về đã thấy trên tay cầm một bó hoa. Chị sung sướng nhìn chồng âu yếm. Thế mới biết, những tín hiệu không lời đôi khi đem lại niềm vui hơn cả nói thành lời!
Theo Trịnh Trung Hòa
PNO