Ngày nào đến bữa cơm mẹ chồng Thủy cũng có năm bảy cái yêu cầu “thay mới”. Lúc thì: “Mẹ cần một cái áo dạ mới, cái áo của mẹ cũ quá rồi mà mùa đông năm nay chắc chắn sẽ rất lạnh”, lúc khác thì: “Bộ ra giường ở phòng mẹ cũ quá rồi”. Thủy thừa hiểu, những “gợi ý” đó không nhằm vào ai khác mà nhằm vào Thủy – cô con dâu duy nhất của dòng họ Trịnh.
Thủy không tiếc tiền mua sắm những thứ ấy cho gia đình và cả cho mẹ chồng. Chỉ có điều, ngày nào mẹ chồng Thủy cũng “nhắc vở” khiến cô cứ cảm thấy ngại ngại. Ai không hiểu chuyện lại cho rằng Thủy keo kiệt với mẹ chồng. Những lúc mẹ chồng “gợi ý”, Thủy chỉ biết cười gượng và vâng dạ mà không thể phản đối hay làm gì khác
Tuy nhiên, danh sách những thứ cần sắm sửa của mẹ chồng Thủy càng ngày càng nhiều. Lúc thì bà đòi thay mới đôi giày, lúc thì đòi mua thêm túi xách, áo quần, son phấn, lúc nữa thì bộ ra giường, bàn trang điểm, v.v… Tính sơ sơ, những thứ mẹ chồng Thủy muốn thay cũng ngót nghét gần dăm bảy triệu bạc. Đó là chưa kể chuyện Thủy phải mua quà cho cháu ngoại của mẹ chồng cô nữa.
Bởi thế nên dù chưa nhận tiền thưởng Tết nhưng ngày nào Thủy cũng phải vắt óc ra tính toán sao cho hợp lý. Mua quà cho bên nội chả nhẽ không có quà cho bên ngoại? Mà tiền thưởng Tết của một nhân viên văn phòng như cô thì có là bao? Tính toán nát óc Thủy cũng không biết chi tiêu thế nào cho hợp lý. Người ta thường bảo: làm cả năm để ăn mấy ngày Tết, nếu không lo cho tươm tất, thể nào cũng mất lòng, mất bề rồi gia đình lại sinh ra lục đục.
Mẹ chồng Thủy thuộc túyp người khó tính, bà chỉ thích dùng hàng xịn chứ hàng thường thường, thể nào bà cũng chê này chê nọ. Biết tính mẹ chồng, Thủy cũng chịu khó “nghía” qua những thứ mẹ chồng yêu cầu và đến lúc này, Thủy mới thấy choáng, bởi sắp đến Tết nên giá cả cứ “đội thang” hằng ngày.
Chồng Thủy thấy vợ ngày nào cũng rầu rĩ, cứ ghi ghi, chép chép rồi ôm đầu than vãn nên cũng tò mò hỏi lý do. Thủy thú thật với chồng mọi chuyện, nhưng tính nát nước, hai vợ chồng cũng không biết làm sao cho vẹn cả đôi đường. Thủy cũng hiểu mẹ chồng cô già rồi, sống chẳng được bao lâu nữa, keo kiệt với mẹ làm gì. Nhưng quả thực, vợ chồng mới lấy nhau, cũng cần có nhiều khoản để tính toán, dành dụm. Ban đầu, Thủy cũng dự định dùng tiền thưởng Tết gửi tiết kiệm để sau này còn sinh con, nhưng chưa lãnh thưởng, cô đã biết mình sẽ không còn dư xu nào vì cái list cần “thay mới” của mẹ chồng cô quá nhiều.
Nhưng có lẽ, mệt nhất vẫn là chuyện ngày nào Thủy cũng phải nghe đi nghe lại những điệp khúc quen thuộc của mẹ chồng. Bà không nói thẳng mà cứ nói bóng nói gió về sự giỏi giang của cô con dâu nhà hàng xóm. Nào là: “Cái Hoa mới mua cho bà Lan cái lò nướng và cái ti vi tinh thể lỏng thích lắm cơ. Nghe đâu là bằng tiền thưởng Tết của con bé”. Khi khác thì: “Cái Hoa mới sắm cho bà Lan cái máy đo nhịp tim và cái máy trợ thính”. Dù mẹ chồng Thủy chẳng cần máy trợ thính nhưng Thủy nghe bà nói là mặt cứ đỏ bừng, vì cô nghĩ mẹ chồng có ý chê tiền thưởng của mình ít, chỉ sắm được những thứ lặt vặt.
Mấy ngày gần đây, mẹ chồng Thủy liên tiếp “hỏi thăm” xem lúc nào thì cô nhận tiền thưởng, bởi bà muốn mượn một ít để liên hoan với các cụ trong tổ dân phố. Thủy quýnh quáng bởi cô vẫn chưa có tiền, mà buổi liên hoan của mẹ chồng đã gần kề. Tuy số tiền không đáng là bao nhưng cái cách “dòm ngó” của mẹ chồng lại khiến cô cảm thấy áp lực.
Thủy nhìn bóng mẹ chồng hý hửng mang tiền đi liên hoan mà rầu cả ruột. Cô ước gì mẹ chồng mình đừng vòi vĩnh như thế, cứ để cho cô tự nguyện lo lắng, hiếu nghĩa thì có lẽ, không khí của gia đình sẽ vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.