Các nhà thiên văn học Mỹ vừa công bố phát hiện về hơn 1000 vật thể tiềm năng là hành tinh mới bên ngoài Thái dương hệ – gần gấp đôi số hành tinh được dò thấy bởi kính thiên văn vũ trụ Kepler của NASA cho tới hiện tại.
Loạt hành tinh mới này được phân tích từ dữ liệu thu thập bởi kính Kepler từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2010. Nghiên cứu chỉ ra có tới 1091 vật thể có tiềm năng là hành tinh, nâng tổng số hành tinh mới từ 1235 lên con số 2321.
Đáng chú ý, “có thể khẳng định ít nhất 90% các vật thể này đều là hành tinh thực sự”, đồng tác giả nghiên cứu Ronald Gilliland, nhà thiên văn học tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ và là một thành viên của nhóm quan sát Kepler.
Mô hình dựng hành tinh của nhóm thiên văn gia Kepler. (Ảnh: Nat.Geo)
Điều gây hứng thú hơn nữa là không ít trong số này là những hành tinh nhỏ và nguội như trái đất và đồng thời những đặc điểm này của chúng giống trái đất hơn cả những hành tinh được tìm thấy trước nay. Ví dụ như, có khoảng 196 hành tinh có kích thước như Trái đất, con số này gấp bốn lần số lượng những hành tinh có kích thước giống trái đất được công bố năm ngoái.
Các nhà khoa học cũng công bố trong mẻ hành tinh mới được dò thấy này có tới 416 hành tinh siêu trái đất. Siêu trái đất là những hành tinh có khối lượng lớn cỡ 10 lần Trái Đất, có bề mặt đất đá và khí quyển mỏng, và có nhiều khả năng có sự sống.
Theo National Geographic, chiều hướng dò ra những hành tinh ngày càng nhỏ nhờ kính thiên văn vũ trụ Kepler cho thấy chúng ta đang ngày càng tiệm cận những hành tinh giống trái đất, có khả năng trữ nước và sự sống.
Kính thiên văn Kepler được phóng vào vũ trụ bởi NASA vào tháng 3/2009 nhằm phục vụ nhiệm vụ chuyên dò tìm các hành tinh. Nó có thể phát hiện luồng ánh sáng nhẹ nhưng thường xuyên từ các ngôi sao. Dựa vào hình ảnh từ kính, các nhà khoa học có thể xác định những thay đổi trên có phải do các hành tinh quay quanh quỹ đạo phát ra hay không, từ đó giúp nhận diện hành tinh mới.
(Theo National Geographic,Vietnamnet)