Ngoài 30 tuổi và là một phụ nữ có bằng thạc sĩ ở Hàn Quốc, bạn có thể phải qua trung tâm mai mối mới tìm được ‘nửa kia’; thậm chí mẹ bạn sẽ vì quá sốt ruột mà thay con gái làm việc này.
Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng học cao nhưng cũng ngày càng muộn chồng. Ảnh minh họa: Economist.com. |
Phụ nữ Hàn Quốc hiện nay theo đuổi việc học hành cao hơn và số người có bằng thạc sĩ cao gấp 5 lần so với năm 1995. Họ cũng trở nên kén chọn hơn và ít đảm nhận vị trí “hàng dưới” nhu mì hiền thục như mong đợi về một người phụ nữ Hàn Quốc truyền thống.
“Người ta nói phụ nữ có bằng thạc sĩ sẽ khó hẹn hò hơn những người chỉ có bằng cử nhân vì ‘phụ nữ quá thông minh’ thì không phù hợp với gia đình”, Lee, 24 tuổi, sinh viên năm cuối một trường cao đẳng ở Seuol kể.
Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ nước này đã tăng 4,1 tuổi trong 20 năm qua, lên 28,9. Điều này khiến các bà mẹ vô cùng lo lắng cho tương lai của con gái họ.
“Con tôi gần 30 tuổi, muộn chồng rồi. Tôi phải dẫn nó tới một trong những trung tâm mai mối lớn tại Seoul’, một phụ nữ hơn 50 tuổi kể.
“Tôi rất lo vì nếu nó không tìm được mối nào trong năm nay thì sẽ càng khó có thể kết hôn vào năm sau, vì thế tôi phải bắt bằng được nó tham gia mai mối”, bà thổ lộ.
Tại Duo, một công ty mai mối trên mạng ở Hàn Quốc có tới 26.000 thành viên. Những người đăng ký tham gia có thể lựa chọn một trong 5 chương trình khác nhau, với mức phí từ 88 triệu won tới 108 triệu won (tương đương với 971 USD).
Theo Abs-cbnnews, để thu hút người tham gia, trang web của công ty này sẽ hiện mức thu nhập bình quân của các thành viên nam và nữ, cũng như bảng thống kê vị trí chuyên môn của họ.
“Trong một buổi hẹn được sắp đặt giữa hai thành viên chưa hề quen biết, chúng tôi cũng không dám chắc bao nhiêu thông tin cá nhân được cung cấp tới bạn là chính xác”,Yon Jun, người phát ngôn của công ty Duo cho biết.
Một số người chỉ trích thì cho rằng dịch vụ kiểu này đề cao thu nhập, địa vị và quá thực dụng.
“Nếu bố bạn làm việc trong ngành tài chính hoặc là một quản trị viên cao cấp, bạn sẽ tìm được ‘nửa kia’ môn đăng hộ đối thông qua trung tâm mai mối, và bắt đầu một cuộc hôn nhân hoàn hảo dựa trên sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh”, diễn viên hài Choi Hyo-jong châm biếm trong một chương trình truyền hình địa phương.
Dù vậy, ngành công nghiệp mai mối ngày càng được tín nhiệm và có nguồn thu tăng cao. Theo ước tính của Thời báo Doanh nghiệp châu Á ở Hàn Quốc, hiện nay, ngành này ước tính đã thu được 100 tỷ won (tương đương 88,79 triệu USD) trong khi vào năm 2005, con số này chỉ khoảng 50 tỷ won.
Các chuyên gia cho rằng sự lo lắng về những khó khăn kinh tế cũng góp phần không nhỏ trong việc này.
“Sự bấp bênh trong cuộc sống và nỗi lo lắng về tương lai đè nặng lên mọi người, khiến không ít bạn trẻ coi hôn nhân như một công cụ để duy trì địa vị xã hội của mình”, giáo sư nhân chủng học Kim Hyun-mee, Đại học Yonsei ở Seoul cho biết.
Vương Linh
(Theo vnexpress)