Phải sơ chế chân nấm thật kỹ trước khi làm ruốc
Những thành viên khác trong gia đình cũng bị món ruốc nấm quyến rũ. Chị Thu Mai khoe: “Cả nhà mình đều thích món này, nhất là em bé. Có lần, mình vừa làm xong ruốc để ra mâm cho nguội, em bé thích quá đã xông vào bốc lấy bốc để, phồng rộp cả môi.”
Chị Nhị hóm hỉnh kể lại lần đầu tiên làm ruốc nấm: “Lần đầu thấy vợ chăm chỉ hào hứng với món mới, anh xã chẹp miệng cười khẩy, trêu vợ chắc sắp cho ra lò một sản phẩm “thường thường bậc trung” thôi. Vì sợ làm “chuột bạch”, anh còn giao hẹn trước: “Anh không thích ăn đâu đấy!
“Còn con trai nhỏ thì khỏi phải nói, từ lúc mẹ bắt đầu sơ chế đến khi rang ruốc, con cứ chạy vào liên tục hỏi han đòi nếm thử. Mẻ ruốc nấm đầu tiên ra lò, con lấy ngay cái đĩa, xin mẹ cho ruốc vào đấy và ngồi ăn với vẻ khoái chí. Ăn xong, cu cậu cứ nịnh nọt hỏi: “Ai làm ruốc nấm mà ngon thế nhỉ?” rồi tự trả lời: “Chính là mẹ của Bi Bon chứ ai!”
Các chị chia sẻ, từ ngày biết làm ruốc nấm, bản thân các chị và các thành viên khác trong gia đình từ bỏ ruốc thịt luôn vì “ruốc nấm ăn cả ngày không ngấy, bốc ăn vã cũng thấy ngon, không bị khô như ruốc thịt, cũng có thể ăn nhiều mà không sợ béo, lại tốt cho sức khỏe nữa”.
Từ chỗ chỉ làm ruốc nấm cho gia đình, được sự hưởng ứng của bạn bè, đồng nghiệp, nhiều chị em đã mạnh dạn kinh doanh món này. Chị Linh Lan (Quan Nhân, Thanh Xuân), nhân viên một công ty truyền thông đã kinh doanh ruốc nấm được vài tháng, cho hay: “Tôi tranh thủ buổi tối và sáng sớm để làm ruốc theo đặt hàng của khách. Thấy mọi người hào hứng và kiếm thêm được chút tiền mua sữa cho con cũng vui. Khách hàng của tôi hầu hết là các chị em văn phòng mua để ăn hoặc làm quà biếu cho người thân.”
Chị Minh Anh (Kim Liên, Đống Đa) cho hay, ban đầu vì thích ăn nên chị làm để chiêu đãi cả nhà, nhất là chiều hai em bé, rồi khi chia sẻ trên các trang mạng xã hội, bạn bè chị cũng thích và đặt hàng chị làm giúp. Chị tranh thủ hai ngày cuối tuần làm ruốc theo yêu cầu (mặn, nhạt, khô, ướt) của khách. “Lời lãi không được nhiều lắm, vì món này tuy đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, nhưng công mất vào đấy cực nhiều, nhất là khâu sơ chế, giã, xé nấm rồi rang ruốc. Nếu trừ đi thời gian ngâm nấm (từ 7 – 10 tiếng) thì để làm một cân ruốc nấm mất gần hai tiếng đồng hồ.”
“Việc kinh doanh chỉ là phần phụ, làm để mình ăn là chính nên tôi không sử dụng bất cứ chất bảo quản nào. Ruốc nấm cũng rất đặc trưng, không thể rang kỹ quá được vì sẽ làm mất độ giòn, vị ngọt tự nhiên và độ ẩm của nấm. Ruốc nấm không để lâu được như ruốc thịt mà phải giữ trong ngăn mát tủ lạnh, người làm có muốn cũng không thể tham lam làm nhiều một lúc được.” – chị Nhị cho hay.
(theo afamily)