Tăng mức xử phạt VPHC về chế biến thủy sản
Từ ngày 1/11/2013, hành vi chế biến các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác sẽ bị phạt tiền đến 80 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm; trước đây, mức phạt tối đa chỉ là 20 triệu đồng.
Đối với tổ chức có hành vi xây dựng cơ sở chế biến thủy sản trái phép sẽ bị phạt đến 140 triệu, đồng thời buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Đó là nội dung được quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 31/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2013.
Tăng mức phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán
Từ ngày 15/11/2013, sẽ phạt tiền đến 300 triệu đồng nếu tổ chức thực hiện chào mua công khai khi chưa được chấp thuận đăng ký chào mua, trước đây mức phạt này chỉ 100 triệu đồng.
Đối với hành vi lợi dụng việc biết thông tin về chào mua để mua, bán chứng khoán hoặc xúi giục người khác mua, bán chứng khoán trước thời điểm chào mua chính thức sẽ bị phạt tiền đến 400 triệu đồng.
Các mức phạt này được quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán.
Nghị định cũng quy định cụ thể các mức phạt về hành vi vi phạm về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013.
Mức phạt vi phạm hành chính về giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Từ ngày 9/11/2013, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó,hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu. Từ lần vi phạm thứ hai mức phạt tiền sẽ từ 300.000 – 500.000 đồng.
Đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập nhưng chưa giao cho khách hàng sẽ bị phạt đến 20 triệu. Nếu người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách sẽ bị phạt tiền đến 4 triệu đồng.
Bình ổn giá sữa
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BYT quy định về danh mục sữa dành cho trẻ em thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá.
Theo đó, danh mục gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành; Sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định trên.
Định kỳ hàng tháng, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có trách nhiệm công bố danh mục chi tiết sữa nói trên.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/11/2013.
Quy định mới về thủ tục xuất nhập khẩu
Từ ngày 1/11/2013, tờ khai hải quan chỉ được đăng ký tại Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu, cảng đích hoặc nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu hoặc nơi hàng hóa được chuyển cửa khẩu đến.
Đó là nội dung mới về việc thực hiện tờ khai hải quan với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, việc đăng ký tờ khai phải được thực hiện ngay sau khi người khai hải quan khai, nộp đủ hồ sơ hải quan.
Thông tư 128/2013/TT-BTC cũng có hướng dẫn cụ thể những trường hợp được xem là thanh toán qua ngân hàng để áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2013 và thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC.
Siết chặt điều kiện tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô, gắn máy
Theo Quyết định 53/2013/QĐ-TTg, từ ngày 01/11/2013, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự được tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô, gắn máy nếu đáp ứng các điều kiện sau:
-Có thời gian công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao tối thiểu từ 18 tháng trở lên kể từ ngày được Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư;
-Còn thời hạn công tác tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên.
Trước đây thời gian tương ứng với hai điều kiện trên là 12 tháng và 06 tháng.
Thêm đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, sẽ có thêm bốn đối tượng lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam, bao gồm: tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; người tham gia các dự án thầu, dự án tại Việt Nam.
Tình nguyện viên là người làm việc theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương; lao động kỹ thuật là người đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật ít nhất 1 năm và đã làm việc ít nhất 3 năm trong chuyên ngành được đào tạo.
Nghị định này có hiệu lực kể từ 1/11/2013
Công Vân
}
Theo Trí Thức Trẻ
2013-10-29 23:05:14