Sau hoang tin về “lỗi thiên niên kỷ” năm 2000 và ngày tận thế năm 2012, thế giới bước sang năm 2014 vẫn bình yên. Nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta đã an toàn hay không?
Một số nhà khoa học và chuyên gia môi trường tin rằng loài người đang đối mặt với những hiểm họa nghiêm trọng, điển hình là 5 mối đe dọa dưới đây:
Biến đổi khí hậu
Có lẽ, mối đe dọa cấp thiết nhất đối với hành tinh của chúng ta là biến đổi khí hậu. Trong cơn khát tài nguyên, con người đã phá hủy hàng ngàn héc ta rừng, dốc sạch hàng trăm triệu thùng dầu và khí đốt, tiêu thụ hàng tê-ra-oát năng lượng điện mỗi năm. Điều này đã gây nhiều ảnh hưởng xấu tới khí hậu, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học và các nhà môi trường trên toàn thế giới đều có chung nhận định rằng nóng lên toàn cầu đang gây ra mất mùa, nhiệt độ tăng lên trên toàn thế giới, lũ lụt các vùng ven biển, tan chảy các dòng sông băng…
Sự sụp đổ của nền kinh tế
Kinh tế thế giới đã phải hứng chịu một cú đánh mạnh vào năm 2008, nhưng ở một mức độ nào đó, nó đã dần ổn định. Khủng hoảng đã cho chúng ta thấy thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Một sự biến động ở Mỹ có thể tác động lan truyền tới các ngân hàng trên thế giới, hay một sự suy giảm trong cung ứng từ Trung Quốc cũng có thể gây sụt giảm sản xuất trong các ngành công nghiệp ở Mỹ.
Một số người tin rằng, sự suy thoái tài chính năm 2008 là tiền thân của một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong tương lai. Theo cách nói đơn giản nhất, vấn đề là khoản nợ trên thế giới đã vượt xa số lượng của cải được tạo ra. Khi các khoản nợ tiếp tục tăng cao, các hệ thống tài chính sẽ ngày càng phải chịu nhiều áp lực.
Nếu nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, điều này cũng có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc sống của chúng ta.
Sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên
Trong khi nguồn tài nguyên đang suy giảm với tốc độ đáng sợ, dân số tăng nhanh một cách đáng báo động, điều này có thể là một hiểm họa. Mức sống hiện tại của phần lớn người dân ở các nước phát triển là không ổn định, và ngày càng tăng cao ở các nước thế giới thứ ba. Ở các nước phát triển, cuộc sống của con người hiện tại phụ thuộc vào nguồn tài nguyên quý giá đang ngày càng khan hiếm. Tại các nước đang phát triển, vấn đề tài nguyên cũng trở nên căng thẳng do việc tăng dân số.
Các chuyên gia ước tính rằng, tại các nước đang phát triển, cứ ba người thì có một người không được tiếp cận với nước sạch, cứ 5 người thì có 3 người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản và 1 trong số 4 người không có nơi trú ẩn. Khi dân số tiếp tục tăng, ngày càng có nhiều người sẽ đấu tranh để tiếp cận với các nguồn lực cơ bản này.
Đói nghèo
Hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Theo tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ, ước tính có khoảng 870 triệu người trên tổng số 7,2 tỷ người trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng, điều này có nghĩa là cứ 8 người thì 1 người sẽ không có đủ lương thực để ăn hàng ngày. Phần lớn những người suy dinh dưỡng sống ở các nước đang phát triển, nhưng có khoảng 16 triệu người sống ở các nước phát triển.
Tin vui là cấp độ của nạn đói thế giới đang đi xuống. Theo ước tính, số người mắc suy dinh dưỡng đã sụt giảm đáng kể sau nhiều thập kỷ. Ước tính số người đói tại châu Á – Thái Bình Dương đã giảm khoảng 30% trong những năm gần đây.
Nhưng đây là sự sụt giảm chậm, và dân số tiếp tục tăng lên. Người ta ước tính rằng, ở châu Phi cứ bốn người sẽ có 1 người đói, và tỷ lệ người đói sẽ tăng khoảng 2% mỗi năm tại đây.
Khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới quá nghèo để có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của chính mình. Nhiều người trong số họ chỉ kiếm đủ tiền để tồn tại qua ngày. Được đi học là giấc mơ xa vời đối với nhiều người, điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn của đói nghèo với nhiều thế hệ.
Vũ khí hạt nhân
Các cường quốc trên thế giới vẫn luôn có khuynh hướng bành trướng sức mạnh. Như một điều hiển nhiên, phần lớn GDP của các nước hùng mạnh nhất thế giới được dành để chi tiêu cho quân đội và vũ khí, bao gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thay vì đầu tư cho lương thực, giáo dục và các chính sách phúc lợi khác thì mỗi năm, hàng trăm tỷ đô la được đổ vào việc duy trì quân đội và nâng cấp các kho vũ khí.
Ngày nay, ước tính có khoảng 17 300 vũ khí hạt nhân tồn tại. Phần lớn chúng nằm trong tay Nga (8500) và Mỹ (7700), tuy nhiên chỉ cần 100 vũ khí hạt nhân cũng đủ để san phẳng một quốc gia cỡ trung bình. Nếu bất kỳ nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân quyết định tham chiến, hàng trăm triệu người có thể chết ngay lập tức và sau đó là chết do nhiễm phóng xạ và ung thư. Và vì chúng ta sống trong một thế giới kết nối với nhau, nên chỉ một cuộc chiến tranh hạt nhân cũng có thể kết thúc tất cả.
Minh Trang
2014-01-29 19:48:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/5-moi-de-doa-toan-cau-co-the-dan-den-tan-the-a122414.html