Top những nghề nguy hiểm nhất Việt Nam không thể không kể đến là nghề thợ mỏ, công nhân xây dựng, ngư dân…
Thợ mỏ
Theo thông tin của VTCNews, thống kê trong năm 2012 cho thấy, có ít nhất 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm số đông trong tổng số người chết vì tai nạn lao động.
Khai thác mỏ là nghề nguy hiểm nhất do các mỏ thường nằm ở độ sâu cao khi có tai nạn (nổ hay sập hầm) thì khó mà cứu kịp. Các hầm mỏ sâu (đặc biệt là các mỏ than) thường tích tụ khí mêtan gây nổ rất nguy hiểm. Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể kích hoạt một vụ nổ lớn gây sập hầm. Các hầm mỏ xưa thường bị nổ do các thợ mỏ mang lửa xuống hầm để chiếu sáng.
Cho đến khi một loại đèn chuyên dụng để khai thác mỏ được chế tạo thì các vụ nổ trở nên ít đi nhưng vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau kích hoạt khí gây nổ.
Những người thợ mỏ thường xuyên phải tiếp xúc với một lượng lớn silic dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương phổi. Ngoài ra, tai nạn sập hầm, cháy nổ hoặc lở đất cũng là những nguy cơ mà những người thợ mỏ phải đối mặt. Thiếu không khí và khả năng bị mắc kẹt dưới hầm mỏ là rất lớn.
Do vậy, họ thường hay mang một con chim xuống hầm mỏ vì nếu hàm lượng khí độc lên cao chim sẽ xỉu trước và các thợ mỏ sẽ có thời gian chạy ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.
Khi hầm sập vì nhiều nguyên do, các thợ mỏ may mắn không bị đè nhưng bị mắc kẹt sẽ có khả năng sống sót rất ít do thiếu dưỡng khí, nước hay lương thực để cầm cự trước khi đội cứu hộ đến được nơi thợ mỏ bị kẹt.
Ngư dân
Nghề đánh cá được coi là một trong những ngành nghề nguy hiểm nhất thế giới. Nghề này đòi hỏi các ngư dân phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, nhiều khi là trong bóng tối và không có thời gian nghỉ. Các thiết bị nặng nề để bắt cá tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn. Mặc dù ngày nay công nghệ GPS hỗ trợ nhiều cho các tàu cá nhưng trong điều kiện thời tiết xấu, tai nạn chết người vẫn xảy ra.
Công nhân xây dựng
Rất nhiều tai nạn xảy ra ở công trường xây dựng. Các công nhân thường xuyên làm việc dưới những rầm thép khổng lồ, thậm chí lơ lửng trên không. Tai nạn gây thương vong nhiều nhất ở công trường xây dựng là rơi từ trên cao. Ngoài ra, cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, độ cao, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ánh sáng quá sáng hoặc quá tối, khói bụi, amiang… cũng là những nguồn nguy hiểm cho các công nhân xây dựng.
Lau cửa kính nhà cao tầng (người nhện)
Đánh cược mạng sống, treo lơ lửng giữa không trung, nghề lau cửa kính tòa nhà cao tầng hay còn được người lao động gọi vui “người nhện” là một trong những nghề nguy hiểm ở Việt Nam. Song, mức lương mà những người nhện thu được chỉ ở mức 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Một “người nhện” vệ sinh tại tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam chia sẻ: “Để lau kính cho những tòa nhà chọc trời, chúng tôi phải dày dạn kinh nghiệm, khả năng tập trung cao, làm việc nghiêm túc và có thần kinh rất vững. Không hội đủ những yếu tố ấy thì một là bỏ việc, hai là mất mạng”.
Công việc nguy hiểm nhưng trang thiết bị để hành nghề rất thô sơ, đơn giản, chỉ gồm dây thừng cỡ lớn, ghế đu, khóa an toàn, đai bảo vệ mặc toàn thân, thùng đựng hóa chất tẩy rửa, chổi lau, cọ. Một số công ty chuyên nghiệp trang bị thêm cho công nhân mũ bảo hiểm, phụ kiện bảo hộ lao động.
Bạn cần lòng can đảm vượt bậc để treo mình lơ lửng giữa không trung và làm sạch cửa kính của các tòa nhà chọc trời. Những ai sợ độ cao thì hãy quên ngay công việc này vì lau cửa kính ở độ cao vài trăm mét so với mặt đất không phải là công việc cho những người yếu tim.
Công nhân trên giàn khoan
Công việc của những người công nhân trên các giàn khoan dầu ngoài biển cực kỳ vất vả và khó khăn. Họ phải đối chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và một thời gian dài sống xa đất liền và cuộc sống xã hội. Nhiệm vụ của họ là phải để giàn khoan thường xuyên hoạt động có hiệu quả, làm ra lợi ích kinh tế với hàng loạt những mũi khoan thử nghiệm xuống lòng biển sâu để tìm ra thứ vàng đen quý giá. Ngoài ra, họ phải tự đảm bảo sự an toàn của mình bằng việc thường xuyên bảo dưỡng dàn khoan, tránh để nước biển bào mòn công trình.
Nuôi rắn độc
Nuôi rắn độc là một trong những nghề nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Trên cả nước có nhiều nơi nuôi rắn độc, nhưng ở khu vực phía Bắc, ngoài các làng nghề như Phụng Thượng, Lệ Mật (Hà Nội) thì tiêu biểu hơn cả là xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hàng năm, tại làng này có không ít người bị chết, hoăc hoại tử, liệt … vì rắn độc cắn.
Ông Phạm Văn Thông, một lang y chuyên chữa rắn cắn trong làng, ngậm ngùi: “Tôi không thể nhớ hết số lượng người bị rắn cắn ở làng này. Trung bình mỗi năm tôi chữa cho trên dưới cả trăm người. Không ít người dù đã tìm cách sơ cứu sau đó mới đưa đến chỗ tôi, nhưng tôi cũng đành chùi nước mắt nhìn gia đình họ khiêng xác về. Điều xót xa là đa phần người bị rắn cắn chết đều rất trẻ. Những người có tiền sử bệnh tim, phế quản, phổi khi bị rắn độc cắn thì nguy cơ mất mạng cao hơn”.
Trên thực tế, hầu như năm nào Vĩnh Sơn cũng có người chết vì rắn cắn. Tuy biết nuôi rắn độc là nghề nguy hiểm nhưng người dân ở đây, thậm chí người ở các nơi khác vẫn cố duy trì và phát triển nghề này.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-11-02 14:48:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/top-nhung-nghe-nguy-hiem-nhat-viet-nam-a160474.html