Bầu Đức quyết định bán 50% vốn tại dự án Myanmar cho Rowsley – công ty đầu tư bất động sản mà tỷ phú nổi tiếng người Singapore Peter Lim.
Rowsley – công ty đầu tư bất động sản mà tỷ phú nổi tiếng người Singapore Peter Lim sở hữu đến 50% cổ phần, đã ký thỏa thuận với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch, để cùng xây dựng dự án HAGL Myanmar Centre tại Yangon, Myanmar.
Theo thỏa thuận được ký vào ngày 12/2 giữa Công ty Rowsley của tỷ phú Singapore Peter Lim và HAGL, Rowsley sẽ bỏ ra 275 triệu USD để mua lại 50% cổ phần của công ty chủ sở hữu dự án HAGL Myanmar Centre.
Rowsley cho biết, toàn bộ dự án khu phức hợp này trị giá 550 triệu USD.
Các điều khoản chi tiết và điều kiện hợp đồng đã được sự thẩm định và phê duyệt của cơ quan chức năng. Còn HAGL sẽ tiếp tục đầu tư và sẽ đảm nhận việc xây dựng của toàn bộ dự án này.
Đây cũng là dự án đầu tư vào bất động sản đầu tiên của Rowsley sau khi tập đoàn này phát triển dự án khu phức hợp Iskandar ở Malaysia, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016 (theo Forbes).
Trải dài trên 73.000 m2 tại một khu phố đắc địa bên cạnh hồ Inya trong Yangon, Công ty HAGL Myanmar Centre đã thuê được mảnh đất này với thời hạn 50 năm và được phép gia hạn thêm 10 năm một lần.
Dự án HAGL Myanmar Centre sẽ có diện tích sàn lên đến gần 640.000 m2 khi hoàn toàn hoàn thành vào năm 2018.
Giai đoạn đầu của dự án bao gồm hai khối tháp văn phòng với diện tích khoảng 81.000m2, một trung tâm bán lẻ khoảng 39.000m2 và 400 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Dự án khởi công vào khoảng 2 năm trước và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015.
Giai đoạn thứ hai, bao gồm 2 tòa nhà văn phòng với diện tích khoảng 94.000 m2 và hơn 1.000 căn hộ và các dịch vụ đi kèm, dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2016.
Dự án HAGL Myanmar Centre của bầu Đức sẽ có diện tích sàn lên đến gần 640.000 m2 khi hoàn toàn hoàn thành vào năm 2018.
Bầu Đức lần đầu tiết lộ về mảng kinh doanh siêu lợi nhuận
Trong buổi công bố ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Australia – một sản phẩm mới vừa ra mắt sau 7 tháng hợp tác với Công ty Vissan – vào chiều 4/2, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ với báo chí: “Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh”.
Bầu Đức phân tích, có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, dù vấp phải rất nhiều thách thức. Thứ nhất, nuôi bò giúp doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực đang có (đồng cỏ, nguồn nước, các phụ phẩm nông nghiệp và quỹ đất lớn). Thứ hai, đây là ngành cho doanh thu ổn định, quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng hơn hết, ngành này có thể tạo điều kiện để người Việt được ăn thịt bò Australia chất lượng cao, giá cạnh tranh.
Khi bị chất vấn về mức lợi nhuận cụ thể có thể thu được từ đàn bò, ông Đức từ chối công bố tại buổi ra mắt sản phẩm mới và hẹn sẽ có đáp án rõ ràng từng con số trong dịp Đại hội cổ đông sắp tới. Tuy nhiên, bầu Đức không ngần ngại đặt việc chăn nuôi đàn gia súc này lên bàn cân và khẳng định lợi nhuận từ bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỷ đồng cũng bị ông Đức ví là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
Chính vì thế, 7 tháng trước HAGL công bố phát triển đàn bò quy mô 110.000 con nhưng hiện nay bầu Đức cho hay ông có kế hoạch tăng lên 200.000 con. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò tính riêng tại Gia Lai ước tính cần 4.000 tỷ đồng, chưa kể tại Lào và Campuchia. Vốn đầu tư giai đoạn một trong năm 2014-2015 là 3.100 tỷ đồng trong tổng số hơn 6.300 tỷ đồng.
Sau khi nuôi bò tại Gia Lai, Lào, Campuchia, nhận thấy Đắk Lắk cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành này HAGL đã xin phép lãnh đạo tỉnh phê duyệt một dự án đầu tư nuôi bò quy mô lớn. “Dự án tại Đắk Lắk ước tính cần đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn còn nằm trong kế hoạch”, ông Đức cho hay.
Khi được hỏi vì sao vẫn dùng thương hiệu là bò tơ Australia mà không dùng thương hiệu bò tơ Việt Nam, ông Đức giải thích vì cần phải tôn trọng nguồn gốc, xuất xứ của giống bò này. Ông kỳ vọng, đến năm 2017, HAGL sẽ nhập bò Australia và cả giống bò tốt nhất của Mỹ về nước, cho sinh sản và nuôi lớn bằng nguồn thức ăn Việt Nam. “Lúc đó chúng ta sẽ có thương hiệu bò tơ Việt Nam chất lượng quốc tế đúng nghĩa. Tuy nhiên đây là chiến lược lâu dài. Bây giờ, trước mắt cần phải tập trung phát triển đàn bò và thúc đẩy thị trường này đi lên”, ông Đức nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty Vissan, Văn Đức Mười cho hay, chỉ tính riêng trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết, đơn vị sẽ tiếp nhận khoảng 2.000 con bò từ HAGL để phục vụ thị trường với giá ưu đãi. Sau giai đoạn này, HAGL sẽ tiếp tục cung cấp đàn bò để Vissan giết mổ và bán thịt. Lúc này bò tơ Australia sẽ được xây dựng giá thành mới nhưng vẫn tuân thủ tiêu chí cạnh tranh so với phần còn lại của thị trường.
Ông Mười phân tích, hiện nay trung bình mỗi ngày TP HCM tiêu thụ 600 con bò, còn cả nước là 3.000 con. Cấu trúc tiêu thụ thịt của người Việt hiện nay là 75% thịt heo (lợn), 6% thịt bò và 10% thịt gia cầm. Cách chăn nuôi quy mô và hiện đại của HAGL và một số nhà đầu tư khác (đang có kế hoạch nuôi bò) sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nguồn cung, giá cả và thói quen tiêu dùng thịt bò trong thời gian tới.
Ông nhận định, hiện nay tỷ lệ sử dụng thịt bò đang tăng nhưng nguồn cung vẫn thiếu. Sự ổn định và liên tục về sản lượng thịt bò Australia từ trang trại của HAGL, cũng như sự cạnh tranh về giá sẽ giúp cho thị trường thịt bò phát triển an toàn và bền vững hơn.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-02-12 22:48:45
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-bau-duc-ban-50-von-tai-du-an-myanmar-a175112.html