Văn hóa truyền thống là con đường tổ tiên đã dày công lưu lại, giúp con cháu mai sau tìm lại được cội nguồn. Đó là tinh hoa dân tộc, là nơi người Việt Nam lớn lên và hình thành nhân cách.
Quần tiên tụ hội. (Ảnh Zidean.com)
Thời còn chưa nắm giữ các phương tiện lưu trữ hiện đại, với trí tuệ siêu việt, họ đã tìm ra cách kết nối với hậu thế bằng cách lưu lại các tích truyện, cố sự. Thế nhưng chúng ta ngày nay dần xem chúng như những truyền thuyết, thậm chí còn coi chúng là chuyện “hư cấu”, hay chuyện “bịa”, và chỉ nằm trong trí ‘tưởng tượng” của các ông bà “cổ lỗ sĩ”.
Nhưng cội nguồn làm sao quên, đâu đó trong tâm khảm mỗi người dân vẫn vang lên văng vẳng câu: “Dân tộc Việt là con rồng cháu tiên”. Hàng trăm tích xưa chuyện cũ vẫn còn đó với nhắn nhủ rằng: Người Việt chúng ta có nguồn gốc từ Thần, thậm chí trong một số đoạn thời gian, người và Thần còn tiếp xúc nhau ở thế gian.
Xã hội hiện đại, máy điện toán có tốc độ xử lý và lưu trữ ngày càng cao, nhưng nghịch lý là thay vì giúp đỡ nhân loại kết nối lại với trí tuệ tổ tiên, chúng đang âm thầm xóa đi con đường người xưa đã dày công dựng lập. Kẻ phá hoại này đang ngấm ngầm “hô biến” hết thảy vết tích của những truyền thuyết lịch sử khỏi giảng đường theo cách rất khó hiểu.
Trong nỗ lực kết nối lại phần tinh hoa đang kiệt sức, chúng tôi lần nữa giới thiệu lại một tích sử trứ danh, được giữ gìn khá nguyên vẹn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, câu chuyện Từ Thức – Giáng Hương.
*********
Theo truyền thuyết, Từ Thức quê ở ở Hòa Châu (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) sống dưới triều vua Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái (1388 – 1398). Ông xuất thân từ phụ ấm, tức nhờ ân đức của cha làm quan viên nên được bổ nhiệm làm tri huyện xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh).
Gần nhà ông có một ngôi chùa danh tiếng, trong chùa có trồng một cây mẫu đơn lớn, đến mùa nở hoa rất đẹp, nên ở người các nơi đến xem đông đúc nhộn nhịp, biến nơi đây thành hội xem hoa tưng bừng hàng năm. Tháng 2/1336, trong đám đông khách thập phương viếng chùa có một cô con gái độ 16 tuổi, phấn son chỉ điểm phớt, nhưng dung mạo xinh đẹp rạng rỡ, đến hội xem hoa.
Vì thấy hoa đẹp nên nảy ý muốn gần hơn để xem được rõ, cô gái với tay kéo cành xuống. Không may cành mẫu đơn rất giòn nên gãy đổ, những người coi hoa thấy vậy hốt hoảng giữ cô gái lại, trói vào gốc cây để chờ người mang tiền tới chuộc tội làm gãy mất hoa quý.
Du khách viếng thăm, người qua kẻ lại xem hoa, không ai để ý đến cô gái, ngày sắp tàn mà vẫn chưa có ai đến nhận. Trong đám người xem hội có quan huyện Từ Thức, thấy trời đã tối mà không có ai đến nhận cô gái, trong khi cô cũng không kêu cứu, ông động lòng thương, nhưng thân quan huyện cũng không có tiền bạc mấy chi, ông bèn cởi chiếc áo khoác trắng làm bằng lông cừu giao cho tăng phòng để chuộc tội cho cô gái được thả ra.
Cô gái được tha, cảm tạ ân nhân cứu mạng, nói lời từ biệt rồi sau đó rời đi mất hút sau một đoạn. Nghĩa cử của Từ Thức được người dân trong vùng khen ngợi, ông xứng là một viên quan nhân từ. Được lòng dân ắt phải vui mừng, nhưng lâu nay Từ Thức trong lòng không muốn làm quan, ông chỉ muốn ngao du sơn thủy, ngắm cảnh và làm thơ, việc hàng ngày thường bê trễ, bỏ mặc nên thường hay bị thượng quan quở trách.
Một lần nọ, một vị quan trên quen biết với gia đình mới gọi Từ Thức lên ôn tồn nhắc nhở, “Thân phụ của thầy làm đến quan Đại Thần, mà thầy không làm nổi một chức tri huyện hay sao?”.
Ông không biết trả lời thế nào, ra về với lòng nặng trĩu, nghĩ: “Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong danh lợi, hay là từ quan, một mình một thuyền, nước biếc non xanh, chắc trời cao cũng sẽ không phụ ta đâu”.
Vài hôm sau, Từ Thức cởi trả ấn tín, cáo quan về quê. Vốn yêu cảnh hang động vùng Tống Sơn, ông khăn gói cùng một tiểu đồng lên đường. Tới nơi, ông dựng một căn nhà nhỏ làm nơi trú ẩn để tiện bề đi thăm non nước trong vùng. Từ đó, không nơi nào là không có dấu chân Từ Thức ghé qua. Phàm những nơi tú non kỳ núi như Chích Trợ, động Lục Vân, sông Lãi, cửa Nga (những thắng cảnh của Thanh Hóa), tất cả đều có thơ vịnh của Từ Thức để lại.
Một hôm, Từ Thức dậy sớm, trông ra hướng cửa biển Thần Phù (thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa ngày nay), thấy dị tượng mây ngũ sắc ở đâu kéo đến, tụ lại kết nên hình đóa hoa sen trên biển, ông vội chèo thuyền ra xem cho rõ, đến nơi thì bỗng đâu xuất hiện núi lớn chắn lối đi. Ngạc nhiên, ông bảo với thuyền phu:
“Ta từng lênh đênh sông nước, thông hết thắng cảnh đông nam, không biết núi này từ đâu lại xuất hiện ngay trước mắt, phải chăng non tiên rụng xuống, vết thần hiển linh ra chăng? Sao trước không mà nay lại có?”.
Từ Thức bèn cho thuyền neo vào bờ, quan sát thì thấy vách đá cao sừng sững, không mọc cánh không cách chi lên thăm trên đó được. Cao hứng ông liền xuất thơ đề lên vách đá, với hai câu cuối có ý hỏi: xin ai đó hãy chỉ đường mở lối, cho khách vào viến cảnh chốn thần tiên.
“Thiên chương bích thụ quải triêu đôn,
Hoa thảo nghênh nhân nhập động môn.
Nhiễu giản dĩ vô tăng thái dược,
Duyên lưu thặng hữu khách tầm nguyên,
Lữ du tư vị cầm tam lộng, Điếu đĩnh sinh nhai tửu nhất tôn.
Nghĩ hướng Vũ Lăng ngư tử vấn,
Tiền lai viễn cận chủng đào thôn“.
Diễn nghĩa:
“Triêu dương bóng rải khắp ngày xanh,
Hoa cỏ cười tươi đón rước mình.
Hái thuốc nào đâu sư kẽ suối,
Tìm nguồn duy có khách bên ghềnh.
Lang thang đất lạ đàn ba khúc,
Nênh nổi thuyền câu rượu một bình.
Bến Vũ (9) chàng ngư, tìm thử hỏi,
Thôn Đào (9) chỉ hộ lối loanh quanh“.
Từ Thức bèn cho thuyền neo vào bờ, quan sát thì thấy vách đá cao sừng sững, không mọc cánh không cách chi lên thăm trên đó được. (Ảnh Zidean.com)
Đề thơ xong, ông đứng ngẫm nghĩ một hồi, bỗng đâu chợt vách núi nứt ra một cửa hang rộng độ một trượng (0,5 mét). Tò mò, ông vén áo chui vào bên trong, vừa đi được vài bước, thì cửa hang bất ngờ đóng sầm lại, bên trong tối đen như mực. Nghĩ chuyến này khó sống, bản năng sinh tồn cộng thêm kinh nghiệm ngao du đây đó, Từ Thức lấy tay sờ soạng lần theo lối rêu. Nếu tìm được đường rêu sẽ lần ra hướng có ánh sáng, ông lần theo một khe nhỏ quanh co như ruột dê. Đi hơn một dặm thấy đường càng rộng hơn, chỉ chốc sau đã lên đến đỉnh núi bên ngoài cảnh quang sáng sủa với nhiều lâu đài huy nga, mây xanh ráng đỏ bám lên các lan can, kỳ hoa dị thảo nở đầy lối đi.
Từ Thức nghĩ nếu đây không phải chỗ đền đài thờ phụng, thì cũng thôn xóm của những bậc lánh đời, bỗng chợt thấy có hai người con gái áo xanh thì thầm:
“Lang quân nhà ta đã đến, phu nhân chúng tôi sai mời chàng vào chơi“.
Đoạn họ đi vào trong tòa nhà lộng lẫy, Từ Thức ngơ ngác chưa hiểu họ mời ai, cho đến khi lại thấy họ ra mời một lần nữa, ông mới yên tâm theo chân đi vào trong. Vòng quanh một bức tường gấm, tiến vào khung cửa son, bật đá, tòa cung điện giác bạc sừng sững, những cảnh vật trước kia chỉ biết qua sách vở nay chính mắt nhìn thấy, lòng không khỏi kinh ngạc, ông băng qua cổng đề: “Điện Quỳnh Hư” đi vào “Gác Dao Quang”. Tại gác này, một đạo cô áo trắng ngồi trên sập thất bảo, trước sập có kê đôi kỷ nhỏ làm bằng gỗ đàn hương. Đạo cô mời Từ Thức ngồi và bảo:
“Tính hiếu kỳ của chàng đã thành chứng nghiệm. Sự vui sướng trong một chuyến đi chơi này, kể cũng đã thỏa nguyện chí bình sinh. Nhưng mối duyên gặp gỡ chàng có còn nhớ gì không?“.
Từ Thức mới thưa: “Tôi là một kẻ dật sĩ ở Tống Sơn, một cánh buồm gió, một lá thuyền nan, phóng lãng giang hồ thích đâu đến đấy, nào có biết chốn này lại có tử phủ thành đô. Lần mò lên được đến đây, chẳng khác nào như mọc cánh mà bay lên đến cõi tiên, nhưng lòng trần mờ tối, chưa biết tương lai ra sao, cho nên không nhớ ra chuyện chi, dám xin cao nhân chỉ lối”.
Đạo cô cười nói: “Chàng làm sao biết được, đây là núi Phù Lai, một động tiên thứ 6 trong 36 động, nổi trên mây, bồng bềnh ngoài biển cả, dưới chân không bám víu, như hai núi La Phù hợp tan theo sóng nước, tôi là địa tiên khu Nam nhạc, tên thường gọi Ngụy phu nhân. Vì thấy chàng là người đức cao nghĩa trọng sẵn lòng giúp người trong lúc nguy khốn, nên mới dám làm phiền mời chàng đến đây”.
Đoạn, bà sai đồng tử gọi một cô tiên ra, Từ Thức nhận ra ngay ra cô gái trước kia đã làm gãy nhành mẫu đơn trong chùa. Bà tiên trỏ bảo rằng: “Đứa con tôi đây là Giáng Hương, ngày trước gặp nạn trong lúc đi xem hoa, may nhờ chàng giúp đỡ, ơn ấy không quên, nay muốn kết duyên để bao đền ơn trước”.
Trò chuyện xong, bèn ngay đêm hôm ấy, bà cho người đốt đèn mỡ phượng, trải đệm vàng rồng, làm lễ cho hai người giao bái kết vợ chồng. Ngay ngày hôm sau, quần tiên đến mừng, có vị cưỡi con ly từ phương Bắc xuống, vị đi rồng từ phía Nam lên, có người đi kiệu ngọc, vị cưỡi xe gió, tất cả đến họp mặt chung vui. Yến tiệc tổ chức tầng thượng gác Dao Quang, quần tiên vái chào nhau cùng ngồi bên trái, phía gia chủ ngồi bên phải.
Ngồi đâu vào đấy, thì tiếng truyền hô Kim tiên ghé thăm (Tây Vương Mẫu), mọi người đều bước ra đón cúi lạy chào. Sau đó, nhạc được tấu lên, tiệc bày ra bằng mâm mã não, đĩa ngọc thạch, món ăn đều rất kỳ lạ, có thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được của quý như vậy. Đoạn một vị vận áo đạo trắng quay sang nói với Từ Thức:
“Chúng tôi chơi ở nơi này mới 180 nghìn năm, mà đã ba lần chứng kiến biển Nam hóa đất liền, nay chàng từ xa đến đây, không vì tiên phàm cách trở, hương lửa ba sinh (ý nói cây hương vẫn còn cháy mà thấy người đã trải qua ba kiếp), tưởng cũng không phụ, đừng nên cho chuyện thần tiên là câu chuyện hoang đường”. Lời được nói ra bởi vị này biết Từ Thức trước đây không mấy tin vào chuyện thần tiên.
Buổi tiệc thêm nhộn nhịp với trẻ nhỏ ra vào, chia nhau từng lớp múa điệu Lăng Ba. Đoạn, Ngụy phu nhân mời tiệc, Giáng Hương châm rượu, một vị nói đùa rằng:
“Cô dâu hôm nay da hồng hào, không khô gầy như trước, người ta bảo ngọc nữ không chồng, hỏi có tin được không?”.
Quần tiên cười khi nghe câu đùa, duy có một vị áo xanh trông lo lắng, nói:
“Mối duyên của cô em đây, cũng thật tốt đẹp. Nhưng nghĩ cái giá băng ngọc ở trên trời, lại đi kết mối tóc tơ ở cõi thế, chẳng may tiếng đồn truyền ra, thiên hạ chê cười, quần tiên chúng ta cũng e không khỏi mang tiếng”.
Kim tiên nghe thế liền bảo:
“Ta ngự chốn lâu thành trên thiên thượng, hầu chầu cạnh đức Thượng đế, chốn mênh mang trần hải bên dưới, chưa từng đặt chân xuống, vậy mà thế gian nhiều chuyện nói gì là đã từng diện kiến ta vào đời Chu, đời Hán, ta mà còn bị thiêu dệt như thế, huống chi các nàng đây? Hôm nay có mặt tân lang, chúng ta không nên phiếm bàn những chuyện khác làm rối dạ người ta”.
Ngụy phu nhân đáp:
“Tôi nghe tiên khó gặp chứ không khó tìm, đạo không tu mà tự đến, những gặp gỡ hiếm lạ, đời nào cũng có, bao chuyện cũ còn sờ sờ ra đấy, nếu chỉ thế này mà bị cười chê, thì đã có những người trước họ đỡ tiếng cho mình”.
Mọi người nghe thế cùng phá lên cười rất vui vẻ. Một chập thì đến lúc mặt trời gác núi, khách khứa đều lần lượt ra về. Từ Thức đến bên Giáng Hương đùa hỏi:
“Thì ra khắp cõi trời đều có chuyện phối ngẫu, thời có khác nhưng tình vẫn giống nhau, nghìn xưa như thế cả. Nay quần tiên ai về chỗ nấy, sống trong quạnh quẽ cô liêu, có phải họ không nẩy lòng sắc dục, hay cũng có nhưng phải gượng đè nén đi?”.
Nghe vậy, Giáng Hương đổi sắc mặt nói:
“Những vị ấy đã thuộc về huyền nguyên, tính đã chân nhất, không cần gạn mà lòng tự trong, chẳng đi lấp mà đục vẫn lặng. Không như thiếp đây, bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, hình trong phủ tía mà tâm lụy duyên trần, thân ngự đền quỳnh mà lòng theo cõi dục, chàng đừng nhìn thiếp đây mà nghĩ quần tiên đều thế”.
Từ Thức nói, “Nếu thế thì em còn kém các tiên kia xa lắm”, cả hai vợ chồng cùng vỗ tay cười.
…
Từ Thức bỏ nhà ra đi thấm thoắt đã một năm, ao sen đã thay màu biếc. Những đêm gió thổi, những sáng sương rơi, ánh trăng qua cửa sổ, tiếng thủy triều vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng dấy lên nỗi buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm đứng trông ra biển, thấy chiếc tàu buôn rẽ sóng về Nam. Từ Thức trỏ bảo với Giáng Hương:
“Nhà tôi đi về phía hướng đó, nhưng biển cả trời xa chẳng biết tận phương nào”.
Một lần rảnh rỗi Từ Thức lại thổ lộ:
“Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin nàng nể tình mà cho tạm về thăm nhà, chẳng hay ý nàng ra sao?”
Rồi lại trấn an Giáng Hương:
“Tôi xin về để bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, rồi sẽ lại về đây cùng nàng sống già nơi chống làng mây bến nước”.
Giáng Hương nghe vậy khóc nói:
“Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê của chàng. Song trần gian nhỏ hẹp, kiếp người ngắn ngủi, dù chàng có về nhưng chỉ e sân liễu vườn hoa, cảnh tượng không như ngày trước nữa”.
Nhưng rồi Từ Thức do còn mang cốt tục, lòng trần, nên Giáng Hương sau đó phải đi bẩm lại xin Ngụy phu nhân an bài cho, tiên bà thở dài nói: “Không ngờ chàng còn bị lòng trần tơ vò đến vậy”.
Bà bèn sai mang mang đến một cỗ xe cẩm vân để chàng Thức cưỡi về. Để tiễn đưa chàng, Giáng Hương viết một phong thư bằng vải lụa, dán kín lại rồi đưa cho chàng, dặn rằng đến nhà rồi hãy mở ra xem.
Từ Thức ngồi xe, trong chớp mắt đã đến quê cũ bỗng thấy cảnh vật, người phố nay khác xưa duy chỉ dãy núi gần nhà là còn có thể nhận ra. Ông đi tìm người quen, rồi đem tên tuổi danh tính của mình dò hỏi những người lớn tuổi trong làng. Không ai biết tên tuổi người này, duy chỉ một cụ già sau một hồi nghĩ ngợi xa xăm rồi nói:
“Hồi nhỏ nghe kể, cụ tổ bốn đời nhà tôi cũng có tên họ giống ông, nhưng 200 năm trước đã đi vào núi rồi lạc mất, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh đời vua Lê thứ ba rồi”.
Từ Thức nghe đến đây thì giật mình, lòng bùi ngùi, sau đó muốn tìm lại xe mây để về lại cõi tiên, thì cỗ xe đã hóa thành chim loan bay đi mất. Chợt nhớ đến phong thư vợ gửi mang theo, Từ mở ra đọc thấy có mấy câu:
“Kết lứa phượng trong mây,
Nay duyên xưa đã tận,
Non tiên trên biển lớn,
Khó có ngày trùng lai”,
Đọc xong mới biết, Giáng Hương đã nói trước với mình những lời từ biệt. Chàng bèn mặc áo lông cừu nhẹ, đội nón lá, đi vào vùng núi Hoành Sơn, rồi sau này không còn ai thấy nữa.
Sau một năm lưu lại cõi tiên, Từ Thức trở về trần gian thì đã 200 năm trôi qua. (Ảnh Zidean.com)
*********
Đôi lời bình chú:
- Có thể bạn chưa biết, từng có một giai đoạn, Từ Thức – Giáng Tiên được đưa vào giảng dạy rộng rãi ở bậc Trung học trong nhiều thập kỷ, các thế hệ học sinh và thi nhân cũng luôn truyền nhau truyền thuyết này nhằm ca ngợi nhiều giá trị quý giá trong câu chuyện, dễ đón nhận nhất là yếu tố tình cảm đẹp như “tiên”, và hầu hết xem nhẹ chi tiết Thần truyền.
- Giai thoại về Từ Thức có mức độ chân thực cao về mốc thời gian, địa điểm và các chi tiết khác, các chi tiết này được lưu kỹ lưỡng dù đã trải qua hơn 600 năm. Hầu hết các địa điểm và di tích trong truyện đều có thể được tiếp cận qua các thắng cảnh Việt Nam ngày nay.
- Người xưa đã có được “nền khoa học” và tri thức rất mạnh mẽ, họ hiểu rằng không gian – thời gian trên thiên giới sẽ khác biệt và dài hơn dưới trần gian chúng ta. Đây là một khái niệm mà khoa học gần đây chỉ mới mò mẫm ở mức sơ đẳng, với phát hiện như thời gian ở Mặt trăng dài hơn dưới Trái đất.
- Mối quan hệ vợ chồng xét cho cùng đều xuất phát từ nhân duyên hay nợ duyên, nếu không biết quý tiếc, thì một khi duyên phai tình nhạt, có hối hận thống khổ cũng muộn màng, chỉ còn có thể thong dong mà bước.
- Sống trên đời đừng để tâm đến miệng đời thị phi, Tây Vương Mẫu còn bị thêu dệt, huống gì người phàm tục.
- Từ Thức vẫn là người trần gian, dẫu có đến cõi tiên mà lòng phàm chưa dứt thì không thể ở lâu dài. Đoạn đàm đạo với Giáng Hương cũng cho thấy một điều rằng, người ta sao có thể lấy lòng phàm nhân mà đo lòng tiên tử, khó lắm thay. Thế nên mới có câu rằng, “Tiên khó gặp nhưng không khó tìm”.
- Chuyện còn cho thấy một điều, người cõi tiên là có tầng thứ, cấp bậc, có người đến từ tầng rất cao như Vương Mẫu nương nương, có người ở tầng thấp hơn như các chư tiên, cũng có người chỉ ở tầng cách con người vài bậc, điển hình như Giáng Hương, dù là tiên nhân, nhưng lòng nàng xen lẫn chút tâm phàm.
- Phải chăng, tiên nhân trong cõi người, chỉ những ai “hữu tâm” mới có thể tìm thấy.
Chuyện man mác tình người, tình đời, một câu chuyện ngỡ là hoang đường, nhưng thật ra đều là những chi tiết rất chân thật, nhiều hàm nghĩa. Mong quý đọc giả chia sẻ bài viết này đến những người thân yêu, để cùng nhau tìm lại phẩm chất “Thần tiên” trong người Việt chúng ta.
Bruce Phan – Theo GS. Nguyễn Châu/Tinhhoa.net