ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: BINVIET News
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Ngư dân Indonesia trên tàu cá Trung Quốc bị bóc lột 21 giờ/ngày
Friday, May 15, 2020 16:39
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Khi 20 ngư dân Indonesia lên tàu Trung Quốc Long Xing 629 vào tháng 2 năm ngoái, họ không mảy may biết rằng một “địa ngục” trên biển đang chờ họ. 


Cảnh thủy táng thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc (Ảnh chụp video)

Các thủy thủ, tuổi từ 20 đến 35, cho biết đôi khi họ bị buộc phải làm việc tới hai ngày mà không được nghỉ ngơi, bị đánh và phân biệt đối xử, bị đói và mất nước.

Trong vòng 13 tháng, bốn người trong số họ đã chết. Ba trong số các thi thể đã bị đẩy xuống biển trước khi con tàu cập bến Hàn Quốc vào tháng trước. Những người sống sót đã trở về Indonesia vào thứ Sáu tuần trước, và vẫn đang chờ đợi hàng ngàn đô la tiền lương chưa được trả.

Dư luận Indonesia đã chú ý đến vụ việc sau khi một đoạn video xuất hiện ghi lại hình ảnh “thuỷ táng” trên biển, khiến Jakarta phải triệu tập Đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích và lên án cách các thuỷ thủ người Indonesia bị đối xử trên tàu Trung Quốc là “vô nhân đạo.” Sau đó, đơn vị điều tra tội phạm của Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã mở một cuộc điều tra chính thức về vụ việc. 

Mặc dù nguyên nhân chính xác của những cái chết vẫn chưa rõ ràng, nhưng lời khai của ngư dân gửi cho luật sư và người biện hộ của họ ở Hàn Quốc và Indonesia, cũng như thông tin được thu thập bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy các thuyền viên đã bị bỏ mặc trong tình trạng sức khỏe yếu trước khi chết.

Ngoài việc bị phía Trung Quốc đánh và chửi mắng, các thuyền viên Indonesia cho biết họ thường xuyên phải làm việc tới 21 giờ trong ngày để điều khiển tàu hoặc đánh bắt cá. Trong khi đó, những bữa cơm thiếu chất dinh dưỡng và không hợp vệ sinh; còn nước uống được lọc từ nước biển, còn các thuỷ thủ Trung Quốc được uống nước đóng chai.

Những thuyền viên bị chết có các triệu chứng khá giống nhau: cơ thể sưng nhức, tức ngực, khó thở. Người tử vong đầu tiên đã xuất hiện các triệu chứng trên khoảng một tháng rưỡi trước khi từ trần, nhưng thuyền trưởng không đưa họ đến bệnh viện.

Tàu Long Xing 629 cũng bị cáo buộc liên quan đến việc thu hoạch vây cá mập, tức các vây của cá mập bị cắt đứt còn xác của chúng thì bị ném trở lại đại dương. Những bức ảnh mà SCMP có được từ thuỷ thủ đoàn cho thấy đống vây đẫm máu nằm rải rác trên boong tàu. 

Indonesia triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau clip thủy táng thuyền viên

Hàng chục ngàn người nhập cư từ Indonesia và các khu vực khác của Đông Nam Á được tuyển dụng thông qua các đơn vị môi giới để làm việc trên các tàu cá Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc mỗi năm, và đối mặt với nguy cơ bị bóc lột do thiếu cơ chế giám sát trên biển. 

Khi sản lượng khai thác trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn do việc đánh bắt quá mức, ngành thủy sản đã sử dụng lao động nhập cư ngày càng nhiều nhằm duy trì lợi nhuận.

Các nhà hoạt động nói có một mối liên hệ trực tiếp giữa việc sản lượng sụt giảm, lạm dụng quyền hành, và đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát – còn được gọi là IUU.

“IUU, cũng như cắt vây cá mập và vi phạm nhân quyền, tiếp tục ám ảnh đội tàu đánh cá biển xa trên toàn cầu”, Arifsyah M. Nasestion, trưởng nhóm Chiến dịch Đại dương tại Greenpeace Đông Nam Á, cho biết. “Hải sản dính líu đến IUU và bóc lột lao động này sau đó có thể được đưa đến tay cho người tiêu dùng thông qua chuỗi cung ứng hải sản rất phức tạp và không minh bạch”.

Theo các nhà hoạt động và hợp đồng được SCMP xem xét, hầu hết những lao động trên tàu xuất thân từ các gia đình nghèo và được hứa hẹn mức lương từ 300-450 USD/tháng trong hợp đồng có giá trị ràng buộc hai năm. Song mỗi hợp đồng đều có các khoản khấu trừ cho các loại phí và tiền cọc bảo đảm trị giá hàng trăm dollar.

Chi phí hồi hương sẽ do người lao động chịu nếu họ không thể hoàn thành thời hạn làm việc và  ít nhất một điều khoản trong hợp đồng cho phép công ty môi giới kiện gia đình thuyền viên để đền bù thiệt hại.

Luật sư Kim, người đã làm việc trong các vụ án liên quan đến việc lạm dụng ngư dân nước ngoài trong khoảng một thập kỷ, cho biết các hợp đồng và điều kiện mà những người đàn ông phải đối mặt đã cấu thành tội “buôn người và cưỡng bức lao động.”

“Mặc dù họ phải đối mặt với sự bóc lột sức lao động này, họ không thể rời tàu. Có một cơ chế trong hợp đồng giữ họ ở lại trên biển trong suốt 13 tháng mà không ghé bất cứ cảng nào,” ông nói. “Hộ chiếu của họ đã bị thuyền trưởng tịch thu ngay khi họ lên tàu.”

Câu chuyện của các thuyền viên Indonesia cho thấy vô số thách thức mà giới chức quốc tế phải đối mặt trong việc xóa bỏ tình trạng bóc lột lao động trong ngành đánh bắt thủy sản toàn cầu. 

Bản chất của đánh bắt xa bờ, đặc biệt là trong các đội tàu biển xa, có nghĩa là tình trạng bóc lột lao động thường bị che giấu và việc giám sát rất phức tạp bởi sự phức tạp của quyền tài phán trên biển.

Mặc dù đã có những nỗ lực để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nguồn gốc của hải sản trong những năm gần đây, các chuỗi cung ứng hải sản phức tạp – thường dùng tính năng trung chuyển để ngụy trang nguồn gốc của các sản phẩm đánh bắt – có nghĩa là nhiều người không biết về cái giá thực sự của những con cá mà họ đang ăn.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm:

The post Ngư dân Indonesia trên tàu cá Trung Quốc bị bóc lột 21 giờ/ngày appeared first on Trí Thức VN.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.