Tôi gần như một cố vấn, trợ lý cho Bùi Xuân Phái trong hầu hết các vấn đề mà ông cảm thấy nan giải. Khi hai bố con ngồi nói chuyện, ông thường xưng là “mình” với tôi, đến nỗi nhiều khi thấy không hợp lý, mẹ tôi cũng phải can thiệp “Sao ông cứ xưng mình mình tớ tớ với nó? cứ như hai người bạn không bằng”.
Lá thư trong tủ
Có một kỷ niệm với bố tôi nhớ mãi. Đó là vào năm 17 tuổi, mắt của tôi bắt đầu có vấn đề, tôi cần phải có một cái kính cận nếu muốn nhìn cho rõ, nhưng không thể vay mượn được ai.
Không có cách nào để có tiền mua kính, tôi đành mở tủ của Bùi Xuân Phái để lấy số tiền ấy. Tôi viết một bức thư, nêu rõ lý do và hẹn ngày tôi sẽ trả lại tiền vào chỗ cũ.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái và con trai Bùi Thanh Phương
Tôi đã hy vọng sau đó sẽ đi làm thuê và sau một tuần là có tiền và lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ, nếu ông không biết thì kể như không có chuyện gì xảy ra. Lúc đủ tiền, tôi yên trí mở tủ của ông để trả số tiền ấy, nhưng khi tôi mở tủ ra thì thấy một bức thư của Bùi Xuân Phái gửi cho tôi, trong thư ông viết là nếu lần sau cần tiền để giải quyết việc chính đáng thì cứ hỏi bố. Sau khi đọc thư ông, tôi muốn khóc.
Những người bạn
Vài ngày trước khi Bùi Xuân Phái mất, tôi có hỏi ông về những người bạn mà ông quí mến nhất. Bùi Xuân Phái đã bối rối một lúc rồi kể tên 4 người bạn mà theo ông là những người có tình và là những người bạn tâm giao trong cả những thời kỳ ngặt nghèo, khốn khó nhất.
Đó là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, ông Lê Chính (trình bày báo Văn nghệ), họa sĩ Nguyễn Trọng Niết và nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm.
Chân dung Bùi Xuân Phái
Một người bạn mà ông quý trọng như một người anh, đó là nhà văn Nguyễn Tuân. Ông gọi Nguyễn Tuân là anh, điều này tôi chưa thấy ông xưng hô như thế với ai bao giờ.
Bây giờ nghĩ lại thời xưa ấy, tôi nhận thấy nhà văn Nguyễn Tuân là người bạn duy nhất của Bùi Xuân Phái từ thập niên 60-70.
Trong suốt mấy chục năm ấy, như đã thành thông lệ thường niên, cụ Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, năm thì cân giò, năm thì cân thịt bò, năm thì con cá chép, năm thì chai rượu Tây.
Gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết “ra trò” hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân vậy.
“Thiệp cưới vẽ tay cho con trai…”
Sau lần chia tay “tập I”. Đến năm 1987, tôi muốn có “tập II”. Ban đầu, Bùi Xuân Phái đã phản đối, với lý do, ông bảo với tôi: “Mày sẽ lại divorce, và thế là lại khổ con nhà người ta”.
Nhưng khi tôi giải thích với ông là người bạn gái ấy sắp đem lại cho ông một đứa cháu nội đầu tiên và thế là Bùi Xuân Phái gật đầu chấp nhận. Sau đó tôi đề nghị với gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới giản dị. Để tránh dềnh dang và hình thức, tôi sẽ không thuê xe ô tô đón rước cô dâu.
Ngày đó tôi đã dùng xe máy Baberta, loại xe máy của Tiệp Khắc. Bây giờ loại xe này chỉ được những người nghèo sử dụng để chở vật liệu xây dựng, nhưng gần đây, nghe nói nó đã bị cấm lưu hành vĩnh viễn trong thành phố. Ở thập niên 80, ai sở hữu được chiếc Baberta đều được xem là thành đạt hay một cố gắng lớn. Tuy vậy, ngay thời đó, loại xe máy này cũng được gọi với cái tên khác là Ba- bét- nhè.
Hôm đó một mình một xe và cũng chỉ một mình tôi, với một bó hoa to tướng, đến nhà cô dâu để đón nàng. Họ hàng bên nhà cô dâu thấy vậy tỏ ý thương cảm và nhỏ to rằng: “Nếu đã lấy phải anh chồng có chất nghệ sĩ thì đành phải chấp nhận như vậy thôi”.
Nhưng đến ngày hôm nay, mỗi khi nhớ lại, vợ chồng tôi vẫn tự hào và cười mãi vì có nhiều kỷ niệm trong ngày hôm đó. Chúng tôi đã xem đó là một đám cưới giản dị, cảm động và có ý nghĩa.
Mặt trước và sau thiệp cưới
Sở dĩ nó trở thành câu chuyện đáng để kể bạn nghe là bởi nhờ vào những tấm thiếp mời dự đám cưới do chính tay Bùi Xuân Phái vẽ từng bức một. Ông đã chiều lời đề nghị của con mà vẽ khoảng 50 bức tranh nhỏ. Bức họa mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, 50 bức đều là độc bản vì khác nhau, bởi ở mỗi bức, cô dâu lại được diện trong bộ áo dài khác. Ngày đó tôi cũng chỉ được 12 tấm để dùng mời bạn bè.
Bùi Xuân Phái cũng tự vẽ cho mình 12 tấm để ông mời các bạn của ông. Số còn lại là khách mời của hai họ. Bữa tiệc được thực hiện tại nhà hàng Phú Gia. Hôm ấy tôi bố trí, kê một chiếc bàn đủ 12 chiếc ghế để dành cho Bùi Xuân Phái với bạn hữu của ông. Nhưng vì ông Bổng Hàng Buồm muốn… có 2 tấm thiệp mời, nên Bổng Hàng Buồm đã tự động rủ thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự. Và chiếc bàn ấy phải kiếm thêm chiếc ghế thứ 13.
Tôi cứ ân hận và tiếc mãi là, sao khi đó mình không đạo diễn cho người nhiếp ảnh chụp khung cảnh Bùi Xuân Phái đang say sưa trò chuyện và đánh chén cùng các bạn hữu của ông, ngồi xung quanh ông ở chiếc bàn dài ấy.
Bùi Xuân Phái vốn được các bạn mệnh danh là Je’sus do bộ râu và khuôn mặt gầy guộc nên hình ảnh ấy sao tôi thấy nó quá với bức tranh nổi tiếng “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci.
Câu chuyện “Bữa tiệc cuối cùng”này đã được đăng trên một tạp chí ở nước ngoài và được đổi tên là “Thiệp cưới vẽ tay cho con trai của Bùi Xuân Phái”. Người biên tập đã đầy thiện ý khi đặt lại tiêu đề, một phần vì trong lần kể đó, tôi đã không nói rõ là chỉ sau bữa tiệc đó 8 tháng, Bùi Xuân Phái đã đột ngột qua đời do ác bệnh ung thư phổi. Nguyên nhân, vì ông đã hút quá nhiều thuốc lá và thuốc lào trong cả cuộc đời ông .
Bữa tiệc cưới ngày hôm đó là bữa tiệc cuối cùng mà Bùi Xuân Phái có cơ hội mời các bạn hữu của ông tham dự. Sau khi Bùi Xuân Phái mất, người ta đã truyền tay nhau tấm thiệp cưới này, ban đầu nó chỉ có giá từ 100 đến 200 USD, nhưng ở vào thời điểm hiện tại, giá bán tấm thiếp cưới vẽ tay của Bùi Xuân Phái trên một website đấu giá của ngoại quốc đã được đẩy lên tới 4.700 USD.
Quan niệm về sex trong đời sống và nghệ thuật
Bùi Xuân Phái thuộc lớp người cổ của Hà Nội, nên tác phong và tính cách của ông được tiếng là một người nho nhã và chừng mực. Bùi Xuân Phái không giống lớp người thuộc thế hệ chúng ta mà hầu như không ít thì nhiều “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Trong suốt cuộc đời, ông là người chồng lí tưởng tuyệt vời. Riêng tôi và những ai quen biết Bùi Xuân Phái đều chưa một lần nghe thấy nói ông có cuộc tình nào ngoài hôn nhân, cho dù ông là một người đàn ông đẹp và đầy sức quyến rũ phụ nữ.
Ông đã quá “liêm khiết” trong cách tự ứng xử với mình và với các phụ nữ mà ông quen. Và ông đã hoàn thành được điều mà ông đã ghi đậm nét trong Nhật ký nghệ thuật của mình: “Giữ cho tâm hồn trong trẻo là cách gần nhất để đến với nghệ thuật”. Nhưng với người khác, ông lại tỏ ra có quan điểm thông thoáng và hiện đại hơn.
Tôi nhớ hồi mình còn thanh niên, hò hẹn bạn gái, một lần tôi đưa bạn gái của mình trèo lên một căn gác nhỏ, theo cách của du kích, rồi tắt đèn đi. Không may lần đó bị một bà hàng xóm trông thấy, bà này vội vàng vào nhà tìm Bùi Xuân Phái và thông báo sự việc đó.
Bùi Xuân Phái khi hiểu ra vấn đề, ông cười và bảo với bà hàng xóm: “Đó là chuyện riêng của chúng nó, bà và tôi không có quyền can thiệp vào chuyện của họ”.
Bùi Xuân Phái là người có duyên nói chuyện, khi câu chuyện chạm phải vấn đề liên quan tới sex, ông thường dùng cách nói hóm hỉnh và luôn tạo ra không khí vui vẻ và tiếng cười thoải mái; nhờ thế, sex đã không còn là điều gì nghiêm trọng quá để mà những người đối thoại với ông phải giả bộ e dè.
Một lần, có một anh bạn trẻ đến nhà chơi,anh ta thập thò trong tay một cuốn tạp chí. Bùi Xuân Phái hỏi “Cậu đang nghiên cứu về vấn đề gì đấy?” Anh bạn trẻ áp úng:
- Dạ, đây là tạp chí Playboy, toàn là những bức ảnh hư hỏng mà bác.
Bùi Xuân Phái bảo:
- Thế hả, đưa tớ xem nó hư hỏng đến mức độ nào?
Xem xong ông cười, hỏi:
- Cậu còn quyển nào “hư hỏng” hơn thế này không ? Không hiểu người ta sẽ phải chụp ở tư thế như thế nào mới được xem là cùng cực của hư hỏng nhỉ ?
Bùi Xuân Phái cũng cho rằng, không có tranh xấu, chỉ có tranh chưa hay. Ông bảo: “Mình muốn thấy một bức tranh thật xấu, xấu kinh người, nhưng chưa gặp thấy bao giờ.”
Có lẽ cũng như vậy, những bức ảnh chụp khỏa thân cho dù cố gắng khiêu dâm như thế nào thì với người họa sĩ cũng vậy thôi, nghĩa là sẽ chẳng gây được hiệu ứng phụ nào khác ngoài việc người họa sĩ xem nó như tư liệu trợ giúp cho hình họa.
Trong nghệ thuật, Bùi Xuân Phái rất mê thích giai đoạn cuối của Picaso, khi ông này vẽ hàng loạt serie về chủ đề exotic.
Trong các sáng tác của Bùi Xuân Phái về chủ đề này, người ta thấy bộ tranh vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương (từ năm 1982 đến 1986) đã bộc lộ được trạng thái tinh thần của Bùi Xuân Phái một cách rõ nét nhất.
Thế mới thấy, cả ở những năm cuối đời, khát vọng và đam mê với cuộc sống và tình yêu vẫn còn đầy ắp trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Theo vietnamnet