Nhưng thời nay, không ít ông chồng đã rời quê hương, bỏ cả công việc để theo vợ đến vùng đất mới. Trong một buổi liên hoan của những sinh viên du học ở Úc, chúng tôi ngồi cùng bàn với ba ông chồng, và khi nâng ly, mới phát hiện cả ba người đàn ông này đều ở hoàn cảnh “lái” theo “thuyền”.
![]() |
Không khó bắt gặp những ông chồng VN sang Úc chăm con cho vợ đi học
Anh Đạt đến xứ sở của chuột túi vì vợ nhận được học bổng thạc sĩ về giáo dục của chính phủ Úc. Anh vốn là giáo viên dạy toán tại một trường THPT ở Cần Thơ. Đạt kể, có ngày anh dạy tới sáu ca, nói khản cả giọng nhưng tổng thu nhập từ việc dạy thêm, cùng với lương ở trường vẫn không vượt quá sáu triệu đồng/tháng. Sang Adelaide – thành phố thuộc miền Nam nước Úc, cách Sydney khoảng hai giờ bay, Đạt làm công nhân ở một nhà máy chế biến thực phẩm, sau khi đóng thuế thu nhập (khoảng 20% lương), lương của Đạt còn hơn 2.000 AUD/tháng, tương đương với 30 triệu đồng. Sáng, 5g dậy lái xe đi làm khi mắt còn cay xè và buồn ngủ. 8g tối mới về đến nhà, vượt qua chặng đường khoảng 50km, người mệt lử. Ngày làm tám tiếng, công việc hầu như phải đứng một chỗ nên mấy ngày đầu hai chân Đạt mỏi nhừ. Trưa, công nhân chỉ được nghỉ 30 phút làm vệ sinh cá nhân và ăn uống. “Nói chung, làm việc chân tay là mệt rồi, dù chẳng phải mang vác nặng vì công việc bên này đều có máy móc hỗ trợ, nhưng phải làm liên tục một động tác nên dễ chán và mỏi”.
Hồi mới đi làm, công việc của anh Đạt là cắt lông cừu. Chưa quen với mùi cừu nên anh có cảm giác buồn nôn. Bây giờ, Đạt làm ở bộ phận đóng hộp. Anh bảo, may mắn tìm được việc làm ổn định ở nhà máy, chứ đi làm “farm” (công việc ở các trang trại như thu hoạch hoa quả, cắt cỏ, tỉa cành cây…) theo mùa vụ, vừa bấp bênh mà thu nhập lại không nhiều hơn. Anh rất bất ngờ khi được gọi đi làm, vì khi đến phỏng vấn, anh chẳng thể hiện khả năng nào nổi trội. Anh tếu táo, có lẽ nhờ mình… to con.
Còn anh Bình thì quyết định nghỉ hẳn công việc kỹ sư tại một công ty xây dựng tên tuổi ở Hà Nội để định cư tại Adelaide. Anh sang Úc sau khi vợ học thạc sĩ ngành y tế cộng đồng tại thành phố Melbourne. Vợ anh xin được “working visa” (visa làm việc) vì có hợp đồng làm y tá ở một trung tâm dưỡng lão. Chị làm buổi tối, anh làm ban ngày ở nhà máy nên có thể thay nhau chăm con cái chu đáo. Anh bảo, công việc của anh không vất vả như Đạt, vì làm công nhân cơ khí, lương lại khá hơn. “May mắn thôi, chứ tôi chẳng tài giỏi gì khi đi tìm việc bên này. Mình gặp được việc lúc người ta cần người. Mà công việc ở bên này đều mang tính tạm thời, khó có chuyện làm lâu dài hàng chục năm như bên mình”, anh chia sẻ. Anh chị đang làm thủ tục xin định cư dài hạn tại Úc và tính mua nhà. Rồi giọng anh như chùng xuống khi nói về cậu con trai giỏi tiếng Anh nhưng lười nói tiếng Việt. Nhiều lúc, anh phải gợi chuyện ở VN để con không quên tiếng mẹ đẻ.
Anh Trung thổ lộ, mấy tháng đầu sang Úc, anh buồn và bị stress đến mức đâm ra hay cáu gắt với vợ, con. Vợ anh học chương trình tiến sĩ. Năm đầu, mẹ anh sang giúp chăm sóc cháu nhỏ mới hơn một tuổi, còn cháu lớn đã đi học. Là nhân viên phòng Tổ chức lao động của một tổng công ty lớn ở Hà Nội, anh khá bận. Sau, lấy lý do sức khỏe giảm sút, anh xin cơ quan cho nghỉ không lương để sang đoàn tụ với vợ con. Ở nhà chăm sóc con nhỏ, anh không đi làm “farm” hay nhà máy vì tính ra, chi phí gửi trẻ khá cao, khoảng hơn 1.000 AUD/tháng, cũng bằng nửa tháng lương nếu đi làm. Anh làm thẻ thư viện ở địa phương, hôm nào vợ không đi học, anh tranh thủ ra đó đọc sách, báo và vào mạng internet. Cũng vì muốn tiết kiệm nên anh không mắc internet ở nhà thuê. Anh kể, có lần, một cậu học trò với chiếc xe đạp địa hình bị bể bánh trước cửa nhà và loay hoay tìm cách sửa xe. Anh cho cậu ta miếng vá, giúp vá xe xong thì cậu ta… cho anh luôn chiếc xe đạp và lên xe bus về nhà. Thế là, ngoài việc quanh quẩn ở nhà để chăm con nhỏ và chuẩn bị cơm nước cho vợ, khi rảnh rỗi, anh thường đạp xe đến bảo tàng hay các điểm tham quan để “ngó nghiêng” cho đỡ buồn.
Nơi ở mới hay công việc mới thật ra không chỉ ảnh hưởng riêng cho một người. Việc định cư gắn với lợi ích của nhiều thành viên trong gia đình. Các ông chồng, bà vợ lựa chọn định cư ở nước khác thường là để thuận lợi cho việc học hành của con cái, môi trường sống sạch sẽ, an toàn, chế độ an sinh xã hội tốt… Nước Úc có nhiều ưu điểm về những mặt này, đặc biệt về y tế và giáo dục, nên được nhiều gia đình trên thế giới lựa chọn làm nơi “an cư lạc nghiệp”.
Hoàng Đăng
(phunuonline.com.vn)