Người mẹ bất hạnh
Sau lời giới thiệu, chị Nguyễn Thị Nghị – cán bộ phụ nữ tiểu khu Tháp dẫn chúng tôi tìm đến nhà bà Tuỳ. Ngôi nhà “gánh nặng” nỗi bất hạnh, với nghi ngút khói hương trên bàn thờ thắp lên cho 2 người con trai và đứa cháu nội mất cách đây mấy năm. Lúc dẫn khách vào nhà, bà Tuỳ nghẹn ngào trong nước mắt: “Các con, các cháu tôi kéo nhau “đi” hết rồi. Ở bên cạnh tôi giờ còn những người đau yếu, bệnh tật cả. Cũng vì căn bệnh AIDS mà gia đình tôi mới ra nông nỗi thế này!”.
Bà Tuỳ lau những giọt nước mắt, rồi kể: Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, khi cưới ông Dương Văn Khang về làm chồng, sinh ra được 8 người con. Không bao lâu thì một đứa bị tâm thần, một đứa bị bại liệt. Năm 1987, chồng tôi mất vì căn bệnh ung thư gan, một mình tôi vò võ nuôi một đàn con. Thế nhưng, khi lớn lên những đứa con khoẻ mạnh lại “kéo” nỗi đau về cho tôi.
|
Bà Tùy, bên đứa con bị liệt, đứa con tâm thần và cháu Vượng.
|
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi những đứa con không bình thường của bà. Lúc thì đứa con bị liệt cựa quậy, khi thì đứa con tâm thần kêu la. Nhìn sang đứa con bị liệt, chân tay teo tóp ngồi bất động ở chiếc giường cũ kỹ bà Tuỳ cho biết: “Nó tên là Dương Thị Nguyệt (SN 1972). Lúc sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác, xinh xắn, trắng trẻo. Nhưng một năm sau bị bệnh sởi, do không có tiền chữa trị, nên khi bệnh phát chứng, chân tay trở nên teo tóp không đi lại được”.
Bà Tuỳ lại chỉ sang người phụ nữ khác, tóc tai bù xù, miệng đang lảm nhảm nói: “Nó bị tâm thần từ nhỏ, tên là Dương Thị Viễn. Giờ đã gần 50 tuổi mà không biết làm gì, suốt ngày chỉ la hét, đập phá. Trước đây, khi biết nó bị bệnh, tôi đưa đi khắp các bệnh viện tâm thần chữa trị nhưng không khỏi. Giờ bệnh ngày càng nặng, nó đi lang thang, nói lẩm bẩm suốt ngày. Cũng vì thế, năm 1997, bị một người làm nhục sinh ra một đứa con gái, đặt tên là Dương Thị Huyền.
Chồng chất khó khăn
Khi các con trưởng thành “kéo nhau” đi làm ăn, tưởng từ đây bà sẽ đỡ vất vả hơn. Ai ngờ chính những đứa con này lại đem nỗi đau tang tóc về cho gia đình bà. Theo lời bà Tuỳ: Năm 2000, đứa con trai út Dương Văn Điệp (SN 1977) theo đám trai làng đi Quảng Ninh làm than. Sau 2 năm trở về, lấy chị Phạm Thị Diệu, người cùng quê. Hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Khi vợ có thai được 2 tháng, thì anh Điệp trở nên còi cọc, ốm yếu, chân tay mọc đầy mụn… đi xét nghiệm thì bị nhiễm HIV lúc nào không hay. Sau đó, chị Diệu đi xét nghiệm mới biết mình và đứa con trong bụng cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Thương con, chị Diệu đành phải bỏ cái thai chưa thành hình. Năm 2002, anh Điệp qua đời, chị Diệu đi Hà Nội làm ăn.
|
Bà Tùy với mẹ con chị Yến.
|
Nỗi bất hạnh tiếp tục đè lên gia đình bà. Người anh trai Dương Văn Khải (SN1975) từng khuyên răn em trai mình, thì sau này chính anh cũng không thoát khỏi AIDS. Trong lúc vợ anh sinh đứa con đầu lòng Dương Văn Vượng thì anh Khải bị bắt vì tội buôn bán chất nổ trái phép. Sau 2 năm đi trại, trở về hai vợ chồng sinh ra Dương Đức Hùng (SN 2003). Một thời gian sau, anh Khải xuất hiện triệu chứng giống người em trai mình, đi xét nghiệm mới biết mình đã mắc phải căn bệnh thế kỷ từ lúc nào. Chị Tạ Thị Yến- vợ anh Khải và đứa con vừa sinh cũng “dính” AIDS. Năm 2004, anh Khải và đứa con vừa sinh qua đời.
Từ khi ngôi nhà bà Tuỳ có nhiều người mắc phải căn bệnh thế kỷ, thì các con, các cháu của bà bắt đầu bị người đời hắt hủi, xa lánh. Chị Yến – con dâu bà Tuỳ tâm sự: “Những ngày đầu Vượng đến trường bị bạn bè xa lánh, nó buồn lắm. Có bữa đi học về người ta còn nhổ cả nước bọt vào mặt nữa. Tôi bị HIV người ta xa lánh thế nào cũng được, chứ con tôi không bị gì, người ta hắt hủi tôi thương lắm. Để cháu được đến trường tôi phải chạy đôn, chạy đáo đưa đi xét nghiệm khắp nơi, mới chứng minh được với phụ huynh học sinh đó anh ạ!”.
Sự xa lánh của cộng đồng, cùng với cái nghèo dai dẳngkhiến bà Tùy “muốn chết đi cho đời được thanh thản”, nhưng đứa con tâm thần, đứa con bị liệt và 2 đứa cháu thơ dại vẫn còn đó níu giữ bà lại. Bà Tuỳ nói: “Trước đây, bệnh của Yến chưa tái phát, nó còn giúp tôi được chút ít công việc, nhưng giờ mỗi ngày bệnh càng nặng, không làm được gì to tát. Hễ đi làm về nó lại ốm đến mấy ngày, khiến cuộc sống của gia đình tôi càng trở nên khó khăn…”.
Số tiền trợ cấp 2 đứa con một tháng 120 nghìn/ người không đủ lo cuộc sống cho gia đình, bà Tuỳ phải thức khuya, dậy sớm đi mò cua bắt ốc và làm 3 sào ruộng nuôi con, nuôi cháu. Nhưng cơ cực thay, mới đây, bà bị ngã xe, lá lách bị dập phải cắt đi 1/3, khiến “trụ cột” còn lại của gia đình không gánh nổi từng bữa ăn cho con, cho cháu như trước.
Anh Dương Minh Hảo – Trưởng thôn tiểu khu Tháp cho biết: “Ở trong thôn có rất nhiều người nhiễm HIV, nhưng với gia đình bà Tuỳ số người mắc căn bệnh thế kỷ này nhiều nhất. Ngoài ra, còn có 1 đứa bị liệt, 1 đứa bị tâm thần. Những đứa con khác bình thường nhà đều nghèo đói, chẳng giúp được gì. Chúng tôi thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên gia đình. Với hoàn cảnh nghèo khổ như gia đình bà Tuỳ, chúng tôi rất mong được sự giúp đỡ của cộng đồng để vơi đi phần nào khó khăn… ”.
|
Hoàng Vững – Anh Đức
(giadinh.net.vn)