Ngọc trúc là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên nữ ủy là dược liệu (Rhizoma polygonati Odorati), cây ngọc trúc có tên khoa học Polygonatum officinale All hay polygonatum odoratum [Mill.] Druce, thuộc họ hành tỏi (Liliaceae); lá giống lá trúc, thân rễ bóng nhẵn trông như ngọc nên có tên là ngọc trúc. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ. Rễ có mắt đều nhau, hình giống mắt tre với tên dược là Rhizona polygonati odorati.
Lưu ý không nhầm với củ hoàng tinh to hơn và ngứa, có nhiều đốt không đều nhau.
Theo Đông y ngọc trúc có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế và vị. Có công năng dưỡng âm, nhuận táo, sinh tân, chỉ khát, bổ khí huyết, trừ phong thấp. Chủ trị trúng phong nhiệt, ho suyễn, phiền khát, hư lao, phát nóng ở tiêu hóa.
Liều trung bình mỗi ngày từ 6 – 12g hoặc có thể tới 10 – 15g cho dạng thuốc sắc, hoàn tán hay nấu cao. Khi dùng tươi hoặc độc vị liều có thể tới 40 – 80g/ngày, dùng trong cường tim cần liều cao hơn. Lưu ý khi có đờm tích ứ thì không dùng.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu một vài phương trị liệu tiêu biểu từ ngọc trúc.
Trị bệnh mạch vành đau thắt ngực: (phối hợp với đảng sâm chế thành phương) cao sâm trúc: gồm: đảng sâm 12g, ngọc trúc 20g, sắc đặc thành cao, chia 2 lần uống trong ngày.
Trị chứng ngoại cảm: (biểu hiện chứng ho, phế táo ở người bệnh vốn âm hư). Dùng phương Gia giảm ngọc trúc thang (trong Thông tục thương hàn luận) gồm ngọc trúc 12g, hành tươi 3 củ, cát cánh 2g, đạm đậu xị 16g, bạc hà 4g cho sau để khỏi mất tinh dầu, chích cam thảo 2g, bạch vi 4g, táo tàu 2 quả, sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần trong ngày.
Trị viêm phế quản mạn: Ngọc trúc 12g, mạch môn đông 16g, sa sâm 12g, thạch hộc 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày.
BS. Hoàng Xuân Đại
Theo suckhoedoisong.vn