Đó là một trong những “triết lý về sự vĩnh hằng” được thể hiện qua các tác phẩm của trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ II mang tên Ấn tượng đất Tổ Hùng Vương được tổ chức tại khuôn viên dưới chân núi Nghĩa Lĩnh đền Hùng diễn ra từ ngày 3 đến 22 tháng 12.
Tác phẩm Cuộc sống mới của
nhà điêu khắc Joe Brenman (Mỹ) |
1. Trại sáng tác đã thu hút 32 nhà điêu khắc tham gia, trong đó có 11 nhà điêu khắc của 10 quốc gia: Canada, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Latvia, Israel và 21 nhà điêu khắc Việt Nam.
Sau gần 3 tuần làm việc cật lực và đầy nhiệt huyết, 35 tác phẩm điêu khắc đã hình thành và đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng. Ai cũng ý thực được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc được đặt dấu ấn nghệ thuật của mình tại vùng đất linh thiêng – vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
“Tảng đá tôi đang làm có khi lên tới 2 tỷ năm tuổi. Nhưng tôi sẽ chỉ sống 80 hay 90 năm. Vì thế tôi phải cho nó cơ hội thể hiện sự vĩnh cửu! Nghĩa là không phải nghệ sĩ cho đá một cơ hội mà đá cho người nghệ sĩ một cơ hội. Khi làm một tác phẩm điêu khắc là đá đang chạm vào linh hồn người nghệ sĩ và ngược lại. Đó là mối giao hòa giữa một thực thể hữu hạn và sự vĩnh hằng trong thiên nhiên” – nhà điêu khắc người Đức Wilfried Behre nói về tác phẩm điêu khắc Thiền mà anh đang thực hiện tại trại.
Nữ điêu khắc Israel gốc Nga Tanya Preminger gây ấn tượng cho người xem bởi tính sáng tạo khác lạ và vẻ hoành tráng của tác phẩm Giữ lấy bầu trời. Bốn cánh tay khỏe khoắn vươn thẳng đứng đỡ lấy mảng bầu trời được tạo hình thành bầu sữa. Một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc kêu gọi mọi người bảo vệ thiên nhiên – bảo vệ chính nguồn sống nuôi dưỡng con người.
2. Hai nhà điêu khắc Mỹ Joel Bennett (California) và Joe Brenman (Philadelphia) gửi gắm những tình cảm yêu mến đặc biệt đối với Việt Nam. Cả hai nghệ sĩ đều đã từng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam theo cách riêng của họ. Tác phẩm của Joel Bennett tại mang tên Kim tự tháp Hòa Bình. Khối đá trắng muốt có khắc các chữ Hòa Bình bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới đỡ lấy quả địa cầu bằng gốm. Để tạo nên quả địa cầu gốm có đường kính gần 1m này, Joel Bennett đã kỳ công thu thập và trộn các chất liệu đất sét từ nhiều đất nước và các châu lục anh đã từng đặt chân đến. Hoàn thiện quả địa cầu này từ xưởng gốm của anh tại Sonoma (California) và mang tới Phú Thọ quả là một thành tích khiến mọi người nể phục.
Lần đầu tiên quay lại Việt Nam kể từ năm 1968, khi bị bắt đi lính sang Việt Nam, nhà điêu khắc Joe Brenman không giấu xúc động: “Tôi đã ở Quy Nhơn một năm trong vai người lính mà tôi không hề mong muốn. Khi về nước tôi đã tham gia nhóm phản chiến chống đối cuộc chiến phi nghĩa (của Mỹ) ở Việt Nam và giờ đây được trở lại với tư cách một nghệ sĩ. Thông qua tác phẩm Cuộc sống mới tôi muốn bày tỏ tình cảm biết ơn đối với Việt Nam, thể hiện một sự bắt đầu mới, tình cảm mới, quên đi những chuyện đau buồn cũ. Con người Việt Nam thật nhân hậu và rộng lượng. Tôi yêu đất nước các bạn!”
Nếu đến thăm xưởng điêu khắc của Joe Brenman ở Philadelphia, các bạn sẽ được ngắm hàng trăm tác phẩm phản chiến của anh trên các chất liệu gốm, đá, gỗ. Anh bị ám ảnh về những nỗi đau chiến tranh, phản đối nó thông qua sáng tạo nghệ thuật và giờ đây anh như được cởi bỏ những nỗi ám ảnh đó. Tác phẩm bằng đá trắng cao hơn 3m của Joe Brenman vươn cao lên nền trời như muốn nói hộ người nghệ sĩ những giá trị vĩnh hằng của lòng nhân ái và tình yêu hòa bình.
Theo TTVH