Và đúng như anh đã nói, những “sự kiện trọng đại” như ngày sinh nhật của con, ngày đầu tiên con đi học, ngày giỗ, lễ, Tết… anh đều sắp xếp về nhà.
Tết Tây năm nay, mấy anh em chúng tôi không về quê, cả nhà lại tụ họp ăn bữa cơm vào ngày mồng một. Bữa cơm đầu năm có thịt đông dưa hành, xôi vò, thịt gà…, do mấy chị em chúng tôi xúm tay vào làm. Cả nhà đã có mặt đông đủ, nhưng chờ tận đến chiều vẫn chưa thấy anh về, chị dâu tôi có vẻ lo.
Chị bấm máy gọi điện thoại cho anh nhưng không liên lạc được. “Chắc lại gặp bạn bè tân niên quên mất gia đình rồi”, chị sốt ruột. Bữa cơm bày ra nhưng không ai ăn, ai cũng ngóng ra đường, mong anh sẽ xuất hiện trước cửa nhà.
Bỗng có tiếng ô tô đỗ xịch trước cửa. Cả nhà mừng rỡ ngó ra. Anh bước xuống xe và thật ngạc nhiên khi trong xe tiếp tục có người bước xuống. Mấy đứa trẻ reo lên: “Ông bà nội, ông bà nội!”. Cả nhà chúng tôi ào xuống đón ba mẹ. Thì ra, anh đã cố tình tạo bất ngờ khi về quê đón ông bà lên chung vui với con cháu bữa cơm đầu năm mới. Bữa cơm gia đình đông đủ với nụ cười, tiếng cụng ly và những lời chúc năm mới tốt lành.
“Nhiều năm rồi do bận công việc, đường sá xa xôi nên dịp Tết gia đình ta thường không có mặt đầy đủ các thành viên. Năm nay, anh đưa ba mẹ vào thành phố đón Tết để gia đình ta được ở bên nhau”.
Cả nhà ồ lên sung sướng. Vậy là khác mọi năm, gần Tết ta, gia đình tôi ai nấy đều lo chạy vạy cái vé tàu để về quê, riêng năm nay, cả nhà ở lại Sài Gòn đón Tết. Chúng tôi bàn nhau sẽ gói bánh chưng, sẽ muối dưa hành, sẽ làm thịt đông… “Ba mẹ phải ở nhà con đấy”, ai cũng níu tay ba mẹ.
Ba mẹ tôi cười hiền hậu. “Ba mẹ ở nhà mỗi đứa một ngày, tha hồ luân phiên nhau “hầu” ba mẹ nhé!”. Cả nhà cười vang…
“Ngày trọng đại”, chúng tôi lại càng thấm thía hơn hai chữ gia đình.